Mỹ Loan
Mỗi sáng Chủ nhật tại công viên 30-4, quận 1, TPHCM khi nhiều bạn trẻ hẹn hò cùng nhau ca hát, trò chuyện, học bài, tập thể dục... thì các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Điêu khắc bút chì TPHCM lại tụ họp để cùng nhau “thực hành nghệ thuật”. Chỉ cần vài tấm giấy báo cũ lót một vài dụng cụ điêu khắc và những hộp bút chì đủ màu sắc, các “nghệ nhân” say sưa chế tác những tác phẩm nghệ thuật trên thân bút chì hay lõi chì.
Điêu khắc bút chì ra sao?
Xuất xứ từ Nhật Bản, nghệ thuật điêu khắc bút chì – môn nghệ thuật thủ công tạo ra những hình thù hay chữ viết dễ thương trên thân hay lõi cây bút chì. Để khắc được những tác phẩm nghệ thuật này, người chơi phải có đầy đủ dụng cụ khắc như dao trổ, dao rọc giấy lưỡi 30 độ, dao mổ y tế; ngoài ra, có thể chế lưỡi dao để khắc những chi tiết nhỏ, sơn bóng và dao cắt bút chì.
Bên cạnh đó, việc chọn bút chì để khắc cũng rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến chất lượng tạo hình và màu sắc của hình khắc. Vì vậy, loại bút chì pha nhựa thường được lựa chọn cho môn nghệ thuật này.
Từ những cây bút chì bình dị, các “nghệ nhân” trẻ đã khắc ra những hình thù rất sinh động, đó có thể là một chiếc lược, một chiếc chìa khóa, các nhân vật trong 12 con giáp hay những nét chữ khắc sắc sảo với nội dung ý nghĩa dành tặng cho cha mẹ, thầy cô, bạn bè… Các bạn trẻ còn sáng tạo bằng cách ghép các bút chì lại tạo thành những bức tranh sống động.
Thú vui lành mạnh
Đặng Hồng Khanh, tốt nghiệp trường Đại học Luật TPHCM, hiện là Trưởng CLB Điêu khắc bút chì, cho biết anh đến với môn nghệ thuật này do một lần tình cờ biết qua một người bạn. Sau đó anh về tìm hiểu trên Internet và quyết định thành lập CLB với việc mở trang Facebook để chia sẻ với các bạn cùng đam mê. “Như bất cứ môn nghệ thuật nào, điêu khắc bút chì đòi hỏi người chơi phải mê, kiên nhẫn, tỉ mỉ và có chút khéo tay cùng óc sáng tạo”, anh Khanh chia sẻ.
Để làm thành thạo môn nghệ thuật này, người chơi cần vài tháng làm quen với dao khắc và bắt đầu từ những họa tiết và những nét chữ đơn giản. “Mình được một người bạn tặng một tác phẩm, mình ngắm nghía nó và nghĩ tại sao mình không làm thử. Bây giờ đã hơn một năm, mình vẫn chưa thể đạt đến trình độ làm những tác phẩm khó như các anh chị lớn, nhưng thật sự hạnh phúc khi hoàn thành một tác phẩm ý nghĩa dành cho người thân yêu”, Nguyễn Đăng Khoa, sinh viên năm 2 trường Đại học Nông lâm TPHCM thổ lộ.
“Môn này không thể vội vàng, mỗi tác phẩm có thể làm trong một giờ đồng hồ nhưng cũng có khi cả tuần, tùy vào độ phức tạp của nét chữ hay họa tiết”, Đào Duy Thanh, học sinh cấp 3 trường Trung học Trí Đức chia sẻ. Duy Thanh cho biết: “Mình mê môn này, vừa rèn luyện sự kiên nhẫn, tính sáng tạo vừa giúp bỏ được những trò chơi vô ích khác như game online...”.
Cái thú ghép nhiều bút chì thành các bức tranh thách thức khả năng người chơi nhiều hơn. “Mình rất thích làm tranh vì nó là sự kết hợp của nhiều nét khắc và hình hài từ nhiều cây bút chì. Ngoài thời gian học tập, mình thường tìm đến điêu khắc bút chì như thú giải trí lành mạnh mà gia đình ai cũng ủng hộ”, học sinh lớp 12 Lê Văn Đài nói.
Các thành viên CLB Điêu khắc bút chì gặp nhau không chỉ để trao đổi về thông tin kỹ năng, dụng cụ, các tác phẩm mới mà còn để giao lưu, chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống cũng như học tập. “Mình đã bỏ bớt tính nhút nhát, có thêm nhiều bạn bè hơn, tuy mỗi người học mỗi ngành, mỗi trường nhưng do cùng đam mê, mình dễ dàng chia sẻ với các bạn trong CLB hơn”, Lê Đức Nam, một thành viên CLB nói.
Nam cho biết thêm, sau khi các bạn đăng nhiều hình ảnh và thông tin các tác phẩm lên Facebook, có nhiều người đã đặt hàng. Các tác phẩm thường được bán với giá từ 50.000 đồng đến vài trăm ngàn đồng và có khi hơn 1 triệu đồng, tùy vào độ khó của tác phẩm.
Tuy nhiên, mục đích chính của nhóm vẫn là chơi vì thích thú và có đam mê để sống vui hơn, tốt hơn.