(SGTT) - Tĩnh mạch chân, hay còn gọi là giãn tĩnh mạch chân, là một bệnh lý phổ biến mà nhiều người gặp phải. Tĩnh mạch chân có thể biểu hiện qua nhiều triệu chứng khác nhau, từ nhẹ đến nặng. Để phòng ngừa bệnh tĩnh mạch chân, cần tránh các thói quen có thể làm gia tăng áp lực lên tĩnh mạch và thực hiện những bài tập chân hỗ trợ lưu thông máu.
- Can thiệp nội mạch cho người suy giãn tĩnh mạch
- Nguy cơ suy van tĩnh mạch chân luôn 'rình rập' dân văn phòng
Triệu chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch chân
Giãn tĩnh mạch, một tình trạng bệnh lý phổ biến, là sự suy giảm độ đàn hồi của các tĩnh mạch dưới da dẫn đến sự giãn nở và nổi lên bề mặt da. Sự suy yếu này thường xảy ra khi các van trong tĩnh mạch - vốn có chức năng ngăn máu chảy ngược - không còn hoạt động hiệu quả. Khi áp lực trong tĩnh mạch gia tăng do đứng hoặc ngồi lâu, thành tĩnh mạch trở nên yếu đi, dẫn đến hiện tượng máu chảy ngược và giãn nở tĩnh mạch.
Được ví như “trái tim thứ hai” của cơ thể, bắp chân có chức năng như một máy bơm cơ học, giúp đẩy máu từ phần dưới cơ thể lên tim. Tuy nhiên, khi chức năng của các van tĩnh mạch bị suy yếu, máu có thể chảy ngược lại và gây áp lực lên các tĩnh mạch, dẫn đến hiện tượng giãn tĩnh mạch.
Người bệnh có thể tự chẩn đoán triệu chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch chân bằng cách nhận biết các dấu hiệu như cảm giác nặng nề ở chân, mệt mỏi, chuột rút, lòng bàn chân nóng lên và các triệu chứng tê bì chân. Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác, bệnh nhân nên đến các trung tâm y tế siêu âm mạch máu để kiểm tra dòng máu và chức năng của các van tĩnh mạch.
Bài tập hiệu quả cho người suy giãn tĩnh mạch chân
Để phòng ngừa bệnh tĩnh mạch chân, cần tránh các thói quen có thể làm gia tăng áp lực lên tĩnh mạch, như mặc đồ bó sát hoặc thắt lưng quá chặt, hạn chế tắm hơi nóng hoặc ngâm chân nước nóng, vì nhiệt độ cao có thể làm giãn nở tĩnh mạch và giảm độ đàn hồi. Ngoài ra, khi ngủ, có thể kê chân cao hơn tim để hỗ trợ tuần hoàn máu.
- Đi bộ: Đi bộ nhẹ nhàng, tránh chạy nhanh là một trong những bài tập tốt nhất cho người bị giãn tĩnh mạch. Hoạt động này giúp máu lưu thông hiệu quả hơn qua các tĩnh mạch chân, đồng thời tăng cường sức mạnh cơ bắp và cải thiện sức khỏe tổng thể.
- Bơi lội: Bơi lội không chỉ là một bài tập toàn thân tuyệt vời mà còn đặc biệt hữu ích cho những người bị giãn tĩnh mạch. Lực cản của nước giúp giảm áp lực lên chân, trong khi các động tác bơi giúp kích thích tuần hoàn máu.
- Đạp xe: Đạp xe giúp cải thiện lưu thông máu và tăng cường cơ bắp chân. Bài tập này cũng rất nhẹ nhàng, không gây áp lực quá lớn lên tĩnh mạch chân. Ngoài đạp xe đạp, người bị suy giãn tĩnh mạch cũng có thể thực hiện động tại đạp xe ngay tại nhà. Với bài tập này, người bệnh chỉ cần nằm thoải mái trên giường hoặc sàn nhà, sau đó, nâng từng chân lên không và di chuyển theo chuyển động tròn như động tác đạp xe đạp.
- Yoga: Các tư thế yoga nhẹ nhàng như nâng chân và kéo giãn cơ bắp chân có thể cải thiện tuần hoàn và giảm triệu chứng giãn tĩnh mạch. Yoga không chỉ giúp giãn cơ mà còn cải thiện sự linh hoạt và sức mạnh cơ bắp.
- Nâng chân vuông góc: Nằm thẳng lưng, nâng chân lên cao tạo góc vuông so với mặt phẳng sàn và duy trì tư thế trong vài phút. Động tác đơn giản này giúp máu chảy ngược về tim, giảm áp lực lên tĩnh mạch chân và giảm sưng tấy.
- Bài tập duỗi chân: Động tác duỗi chân giúp giãn cơ và kích thích tuần hoàn máu, giúp giảm sưng và đau nhức. Bạn có thể tập luyện trước khi bắt đầu ngày mới hoặc trước khi đi ngủ bằng cách nằm thẳng, duỗi thẳng ngón chân và kéo ngón chân về phía cơ thể.
7. Xoay khớp cổ chân: Nằm ngửa, 2 chân duỗi thẳng, nâng một chân lên và thực hiện xoay khớp cổ chân theo chiều từ trái sang phải và ngược lại. Mỗi lần xoay nên thực hiện 10 lần sau đó đổi chân.
Ngoài ra, nếu chứng bệnh trở nên quá nặng, người bệnh có thể cân nhắc đến các phương pháp điều trị hiện đại như liệu pháp xơ cứng mạch máu, liệu pháp đóng nhiệt laser, phương pháp đóng mạch sinh học giúp giảm “gánh nặng” cho đôi chân và tăng hiệu quả điều trị.
Các phương pháp phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch:
- Tránh đứng hoặc ngồi quá lâu: Khi đứng, thực hiện động tác nâng và hạ gót chân để kích thích cơ bắp chân và thúc đẩy tuần hoàn máu. Khi ngồi, thường xuyên duỗi thẳng chân và di chuyển mắt cá chân để giảm áp lực lên tĩnh mạch.
- Kiểm soát cân nặng và tập thể dục đều đặn: Duy trì cân nặng hợp lý và thực hiện các bài tập phù hợp với thể trạng như đi bộ, đạp xe để ngăn ngừa béo phì và tăng cường cơ bắp chân. Các hoạt động này giúp cải thiện tuần hoàn máu và hỗ trợ sức khỏe tổng thể của tĩnh mạch.
- Kê cao chân khi nằm: Khi nằm, kê cao chân bằng một gối giúp giảm áp suất trong các tĩnh mạch chân và cải thiện tuần hoàn máu.
- Tránh mặc quần áo bó sát: Mang quần áo bó sát, đặc biệt ở đùi và bụng có thể cản trở tuần hoàn máu và làm gia tăng nguy cơ giãn tĩnh mạch.
- Sử dụng vớ áp lực: Khi phải đứng hoặc ngồi lâu, sử dụng vớ áp lực giúp máu tĩnh mạch chảy về tim dễ dàng hơn, từ đó ngăn ngừa giãn tĩnh mạch và giảm nguy cơ mắc phải các vấn đề liên quan.
Theo Medifonews, Health Chosun, Hidoc