(SGTT) - Xu hướng thương mại điện tử và sự tiện lợi của kênh bán hàng này đang làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng ở hầu hết các ngành hàng và dịch vụ, đòi hỏi doanh nghiệp phải kịp thời thay đổi, đầu tư thích ứng. Thông tin này được ghi nhận tại sự kiện Vietnam Business Outlook 2020 được tổ chức tại TPHCM gần đây.
Theo ông Trần Ngọc Anh, Tổng giám đốc Công ty MGI Global, câu chuyện chuỗi nhà hàng Món Huế trên địa bàn TPHCM đóng cửa hàng loạt điểm bán vì thua lỗ trong thời gian gần đây có thể là một minh chứng cụ thể cho việc doanh nghiệp không bắt kịp sự thay đổi của khách hàng mà vẫn duy trì chiến lược kinh doanh kiểu cũ lấy mặt bằng kinh doanh, vị trí đắc địa làm lợi thế bất chấp khi giá thuê mặt bằng tăng cao dẫn đến việc không kham nỗi gánh nặng chi phí hoạt động. Trong khi xu hướng mua sắm của người tiêu dùng đã và đang thay đổi nhanh, họ tựa vào các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội để mua hàng hóa tiêu dùng, thức ăn… miễn là nhanh, tiện lợi và nếu được chất lượng tốt nữa thì rất tuyệt.
Đừng chỉ tập trung vào khuyến mãi
Theo bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Khu vực miền Bắc của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, kết cấu dân số của Việt Nam hiện nay cho thấy tỷ lệ người trẻ cao; tỷ lệ người sử dụng Internet, thiết bị di động đều ở mức cao và điều đáng nói là giới trẻ có hứng thú trải nghiệm với những sản phẩm mới. Điều này theo bà Hà đã thúc đẩy sự phát triển của các thương hiệu mới. Rất nhiều nền tảng hỗ trợ tìm kiếm và đặt chỗ ra đời, như dịch vụ giao đồ ăn nhanh, dịch vụ cho thuê nhà, đặt chỗ, khách sạn, khám bệnh trực tuyến… trở thành kênh giúp các doanh nghiệp sàng lọc, tiếp cận khách hàng tiềm năng và nâng cao sự tiện lợi cho khách hàng hiện hữu.
Tuy nhiên, bà Thúy Hà cũng lưu ý rằng đa số người tiêu dùng mua hàng qua kênh TMĐT dù dễ bị thu hút bởi nhiều chương trình khuyến mãi với giá bán tốt vẫn luôn đối chiếu với giá bán ở cửa hàng truyền thống trước khi quyết định mua hàng. Do đó, các doanh nghiệp cần thường xuyên đổi mới theo hướng mang lại giá trị cốt lõi, bản sắc riêng để gắn kết hàng hóa của mình với người tiêu dùng, nghĩa là chú trọng việc xây dựng về chất lượng hàng hóa và dịch vụ sao cho thuyết phục lòng trung thành của người mua. Những giá trị được bà Thúy Hà nhắc đến là các nhãn hiệu phải thực sự chân thành với người tiêu dùng, phải tạo ra nhiều lợi ích cho khách hàng và xã hội...
Tăng nhu cầu sản phẩm từ thiên nhiên
Tổng giám đốc Công ty tư vấn tinh hoa quản trị - IME Vietnam, ông Đỗ Hòa, nhận định “sống xanh” đang là xu hướng của người tiêu dùng mà các doanh nghiệp cần lưu ý quan tâm. Theo ông, người tiêu dùng quan tâm hoặc ưu tiên chọn dùng những sản phẩm tự nhiên, không sử dụng hóa chất hoặc với liều lượng ít hơn trong canh tác. Xu hướng sống xanh cũng thúc đẩy gia tăng nhu cầu dùng sản phẩm hữu cơ, áp dụng trong nhiều ngành chứ không chỉ dừng lại thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm… Ngay cả điều trị bệnh, theo ông Đỗ Hòa, xu hướng sử dụng liệu trình điều trị tự nhiên cũng tăng trưởng khi nhu cầu tìm đến tập yoga, bấm huyệt, ăn uống lành mạnh hỗ trợ chữa bệnh... ngày càng nhiều.
Tương tự, theo bà Đặng Thúy Hà, xu hướng sống lành mạnh tiếp tục được đề cao trong năm 2020. Các thành phần thiên nhiên trong ngành hàng sức khỏe và sắc đẹp được khách hàng đặc biệt quan tâm, đặc biệt trong các sản phẩm phổ biến trong xu hướng sống lành mạnh, “sống xanh” như dầu gội, kem đánh răng, sản phẩm chăm sóc mặt, sữa tắm, sữa dưỡng thể…
Một điểm quan trọng nữa trong bản khảo sát của Nielsen Việt Nam, đó là tầng lớp trung lưu – lực lượng nền tảng của thị trường tiêu dùng đang tăng nhanh và tỷ lệ người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm chất lượng cao chiếm đến gần 26% thị phần nhóm hàng tiêu dùng nhanh… “Nghiên cứu cho thấy người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng mua nhiều dòng sản phẩm cao cấp (có thành phần tự nhiên cao hoặc 100% tự nhiên), chịu chi tiền nhiều (từ 20% đến 50%) để mua các loại hàng có thành phần tự nhiên cao vì cho rằng sản phẩm thiên nhiên là tốt nhất”, bà Hà nói.
Theo Nielsen Việt Nam, có 65% số người tiêu dùng Việt Nam cho rằng hàng cao cấp thường đạt các tiêu chí chất lượng cao, 58% cho rằng phải có chức năng vượt trội, 55% nói hàng cao cấp phải được làm từ nguyên liệu bền vững, 50% nói có nguyên liệu tự nhiên và 49% số người nghiêng về tiêu chí độc đáo.
Ở Vietnam Business Outlook 2020, xu hướng thương mại điện tử và sự tiện lợi của kênh bán hàng này được cho là đang làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng ở hầu hết các ngành hàng và dịch vụ, đòi hỏi doanh nghiệp phải kịp thời thay đổi và có sự đầu tư thích ứng. Tuy nhiên, một sự thay đổi như thế nào cho phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới này cũng không thể gói gọn được trong một cuộc hội thảo và nếu có chăng cũng mới chỉ dừng lại ở vài điều nổi cộm theo góc nhìn của các chuyên gia thị trường, như đừng chủ quan mà thành lạc hậu, thay đổi theo hướng bền vững thay vì chạy theo bề nổi vì dễ làm mất lòng tin yêu của khách hàng.
Hùng Lê