Chánh Tài -
Thay vì mua sắm quần áo mới, nhiều bạn trẻ Mỹ thích lên các chợ online để rao bán các bộ đồ đã sử dụng, rồi dùng số tiền thu được để mua quần áo cũ mà mình yêu thích.
Thiết kế lại đồ cũ để bán kiếm lời
Kaimi Quipotla, một học sinh trung học, ở Las Vegas, bắt đầu bán áo quần cũ của mình từ năm 13 tuổi. Ảnh: Wall Street Journal
Kaimi Quipotla hiếm khi xin tiền bố mẹ mua quần áo. Cô học sinh trung học 18 tuổi, sống ở Las Vegas, bang Neveda (Mỹ) này chủ yếu làm mới tủ đồ của mình bằng cách săn áo quần cũ giá rẻ tại các trang mua bán online.
“Tôi chỉ mặc đồ mới mua của mình 2 lần rồi bán nó đi để mua đồ khác. Nếu bạn khéo tay, biết cách thiết kế lại áo quần đã dùng và bán chúng, bạn cũng có thể kiếm đựợc bộn tiền”, Quipotla nói với Wall Street Journal.
Quipotla cho biết cô bắt đầu bán các món đồ từ tủ áo quần của mình từ khi 13 tuổi. Hiện nay cô chuyển sang thiết kế lại áo quần đã dùng để bán lại kiếm lời. Gần đây, cô bán một chiếc quần jean cũ với giá 75 đô la Mỹ say khi cắt ống, nhuộm thành màu hồng, làm xơ tua đường viền và gắn đinh tán trang trí. Cô mua chiếc quần jean này chỉ với giá 10 đô la Mỹ từ một trang đấu giá.
“Khi tôi thấy các cô gái mặc món đồ nào đó, tôi cũng muốn có một cái tương tự nhưng tôi không có tiền. Vậy nên, tôi phải tự xoay xở giải quyết”, cô nói.
Sổ sách ghi chép của cô cho thấy kể từ năm 2013 đến nay, cô đã bán hơn 300 món đồ với giá trị tổng cộng gần 4.000 đô la Mỹ thông qua Poshmark, một ứng dụng trên điện thoại di động chuyên về dịch vụ mua bán quần áo đã sử dụng.
Trong khi nhiều chuỗi cửa hàng bán lẻ hàng thời trang như Abercrombie & Fitch, Gap phải vật lộn trong những năm gần đây vì doanh số sụt giảm, lượng áo quần cũ được mua bán trên mạng đang tăng. Doanh số áo quần và các món đồ phụ kiện thời trang khác được bán qua các chợ online của các công ty như Vinted, ThredUP và các dịch vụ bán đồ cũ khác đã tăng gấp đôi kể từ năm 2013. Thị trường này đang có giá trị hơn 2 tỉ đô la Mỹ/năm, theo ước tính của công ty phân tích dữ liệu tài chính PrivCo (Mỹ) dựa vào kết quả phân tích dữ liệu từ 15 trang bán hàng thời trang cũ. Công ty Vinted có các ứng dụng miễn phí chạy trên hệ điều hành Android và iOS với khoảng 15 triệu thành viên, phần lớn ở độ tuổi 14-25. Vinted đặt ra sứ mệnh “biến quần áo cũ trở thành sự lựa chọn số một trên toàn cầu”.
Nhiều công ty bán hàng thời trang cũ đã thiết kế các ứng dụng trực tuyến nhắm đến những người sử dụng điện thoại di động, giúp họ dễ dàng chụp và đăng ảnh các món đồ.
Mua bán và thanh toán dễ dàng
Từ năm 2013 đến nay, Quipotla đã bán hơn 300 món đồ với giá trị tổng cộng gần 4.000 đô la Mỹ thông qua ứng dụng Poshmark. Ảnh: Wall Street Jozurnal
“Các cô gái trẻ thích lên mạng tìm kiếm lời khuyên về thời trang cũng như chia sẻ phong cách thời trang của mình với bạn bè. Vì lý do đó, chúng tôi xây dựng ứng dụng của mình giống như một mạng xã hội và khiến nó trở thành một nơi cực kỳ đơn giản cho giới trẻ mua bán hàng và xử lý các thanh toán”, Manish Chandra, giám đốc điều hành của Poshmark, nói.
Genevieve Stunkard, 17 tuổi, cho biết cô tìm đến Poshmark vì cô có thể bán áo quần và phụ kiện để kiếm tiền trực tuyến sau đó dùng nó để mua các món đồ khác. “Nó cho phép tôi độc lập về tài chính, ít nhất là trong chuyện mua sắm áo quần”, cô nói.
Khu mua sắm ở thị trấn Albany, bang Texas, nơi Stunkard sinh sống, có một vài cửa hàng thời trang nhưng cô cho biết áo quần bán ở đó không hợp với phong cách của cô. “Tôi không muốn trông giống như mọi người xung quanh tôi”, cô nói.
Gần đây, Stunkard bán một chiếc áo thun có in hình ca sĩ kiêm nhạc sĩ Tori Amos với giá 15 đô la Mỹ cho một người hâm mộ nữ ca sĩ này.
Theo một cuộc khảo sát gần đây do hãng nghiên cứu Cassandra thực hiện, 36% số người được hỏi, có độ tuổi 16-19 ở Mỹ, cho biết họ có mua hoặc bán đồ cũ chẳng hạn áo quần và đồ đạc thông qua các nền tảng bán hàng cũ trực tuyến.
“Các bạn trẻ tuổi teen (13-19 tuổi) rất giỏi tiếp thị, không chỉ bản thân chúng mà còn những món đồ cũ được bán lại”, Melanie Shreffler, giám đốc cấp cao ở Cassandra, nhận định.
Tyler Rose, 17 tuổi, bắt đầu bán áo quần trên các chợ online từ cách đây 2 năm để kiếm tiền mua sắm bộ sưu tập giày sneaker. Trong giao dịch thành công đầu tiên của mình, Rose đã bán chiếc áo thun hiệu Supreme với giá 88 đô la Mỹ sau khi mua nó trên Ebay với giá 32 đô la Mỹ. Rose, dùng số tiền lãi để mua một đôi giày hiệu Vans. Sau đó, Rose bán lại đôi giày này rồi dùng số tiền thu được để mua 2 đôi giày sneaker khác.
Theo Wall Street Journal