Đoàn Xá
Ở nhiều khu vực ngoại thành TPHCM đang xuất hiện ngày càng nhiều những khu chợ dành cho công nhân mà lịch họp chỉ bắt đầu từ sáng Chủ nhật cho tới giữa trưa. Chợ lúc nào cũng nhộn nhịp kẻ bán người mua bởi đó là quãng thời gian hầu hết công nhân được nghỉ ngơi sau một tuần làm việc vất vả.
Khoảng 8 giờ sáng Chủ nhật, tại góc đường Võ Văn Vân (xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh), rất đông những người bán hàng đang bày sản phẩm ra một khu đất trống. Chị Nhàn, một người bán đồ nhựa gia dụng, cho biết bình thường chị bán buôn ở chợ Bình Thành nằm trên đường Nguyễn Thị Tú (xã Vĩnh Lộc) nhưng cuối tuần lại dùng xe ba gác chở hàng đến đây bán thêm.
Theo chị Nhàn, lịch làm việc của hầu hết công nhân hiện nay là từ khoảng 7 giờ sáng tới 4-5 giờ chiều nhưng sau đó, đa phần đều phải tăng ca làm cho tới tận 7-8 giờ tối. Ngày Chủ nhật vừa là ngày nghỉ, vừa là thời gian để công nhân mua sắm nên chợ tạm này hoạt động giống như chợ phiên. “Bắt đầu diễn ra chừng hơn một năm nay nhưng gần đây chợ hoạt động khá nhộn nhịp. Các mặt hàng bán ở chợ khá đơn giản, chỉ có đồ gia dụng, quần áo, giày dép hay mỹ phẩm giá rẻ”, chị nói.
Còn theo chị Hằng, quê ở Tam Nông, Đồng Tháp, công nhân giày da làm việc ở khu công nghiệp Tân Tạo (huyện Bình Chánh), thời gian rảnh rỗi của công nhân rất ít. Hơn nữa, cuối năm là lúc nhu cầu sản xuất tăng cao, người lao động phải tăng ca liên tục nên rất mệt. Ra khỏi nhà xưởng là ai cũng muốn về nhà nghỉ ngơi để ngày mai đi làm tiếp. Vì vậy, chỉ có ngày Chủ nhật để đi mua những đồ dùng cần thiết cho gia đình.
Ngoài Bình Chánh, các khu vực ở các quận, huyện khác như Bình Tân, Hóc Môn, Thủ Đức... cũng xuất hiện nhiều khu chợ dành cho công nhân. Các chợ này đều có chung một đặc điểm là giá bán rẻ hơn các sản phẩm cùng chủng loại ở những khu chợ bình thường khác. Giải thích điều này, một người bán hàng cho biết, do khách hàng hầu hết là công nhân, thu nhập thấp nên giá phải rẻ mới có thể bán được hàng.
Theo tìm hiểu của người viết bài này, do chợ họp ở những bãi đất trống gần khu dân cư tập trung đông công nhân nên người bán tiết kiệm được khá nhiều chi phí. Điều này giúp giá bán của nhiều mặt hàng giảm đi đáng kể. Và nhờ đó, chợ không chỉ thu hút công nhân mà cả một số khách hàng là giáo viên, nội trợ... cũng tìm đến.
Chị Phạm, một giáo viên dạy cấp 3 ở quận Tân Phú, cho biết nhà chị ở gần khu chợ phiên cho công nhân nên thường ra mua một số đồ đạc với giá phải chăng. Ví dụ, một bộ quần áo dành cho bé gái 6 tuổi của chị giá chỉ 30.000-50.000 đồng hay bộ đồ ngủ người lớn giá cũng chỉ khoảng 50.000-100.000 đồng, rẻ hơn rất nhiều so với mua ở chợ bình thường hay siêu thị.
Nếu bỏ qua yếu tố mỹ quan đô thị, an ninh trật tự... thì chợ cũng có những nét thú vị. Một số người cho biết vào cuối năm, có những đơn vị thưởng tết cho công nhân bằng sản phẩm nên họ tập trung lại thành nhóm đưa ra chợ bán lại cho các công nhân khác. Công nhân vừa là người bán, vừa là người mua hàng nên có sự đồng cảm, chia sẻ lẫn nhau.
Những ngày cuối năm này, các khu chợ phiên cho công nhân trở nên nhộn nhịp hơn thường thấy. Đây là lúc nhiều công nhân bắt đầu mua hàng để mang về quê sử dụng trong dịp tết hay biếu người thân. Càng gần tết thì giá các mặt hàng thiết yếu càng tăng mạnh. Vì vậy, khi có tiền dành dụm thì mình mua luôn, để tết không bị thiếu thốn.