Y Nguyên -
Nhà nuôi bò nhiều. Mỗi mùa gặt đến, ba mẹ nhọc nhằn gấp đôi nhà người ta. Gặt, đập, ra lúa hột xong, ba tất tả bảo mẹ: lúa giao mẹ con bà, tui với thằng Hai lo rơm… Gần mẫu ruộng, đống rơm to đùng như núi, rơm tươi nặng trình trịch, đập còn xanh phải rải phơi ngay không sẽ úa vàng. Rơm úa bị hôi, có phơi khô bò cũng chê, chỉ còn nước đem rải chuồng lợn, lót ổ gà hay... nhóm lửa!
Nói ba với anh Hai lo rơm là nói… đại khái, chứ khâu rải rơm tươi thì cả nhà phải nhào vô, chổng đầu phụ ôm, phụ rải cho nhanh. Muộn chừng vài giờ đồng hồ thôi, lòng “núi” rơm sẽ sinh nhiệt nóng hầm, thọc tay vô muốn bỏng. Người lớn ôm rơm trèo trẹo, mồ hôi nhễ nhại, riêng tôi với con Út thì vô tư: tha được vài cọng rơm đi rải tung tăng (cho có lệ) lại hè nhau nháy mắt vờ… ngã xoài, lăn lê nhún nhảy trên rơm. Rơm tươi thơm mùi đồng, nằm lên êm như đệm, mát rượi cả lưng, thích ơi là thích!
“Kiến tha lâu đầy tổ”, cái núi rơm to đùng thấy sợ vậy mà “gặm” hoài cũng tới lúc xong. Nhìn quanh: ngồn ngộn một “biển” rơm trải mênh mông từ nhà ra sân, sân ra vườn, phủ kín lối đi, tràn luôn xuống mấy vạt ruộng khô cạnh nhà vừa gặt xong còn trơ gốc rạ. Mệt phờ nhưng yên tâm được cái khoản cần làm ngay không thể trì hoãn. Ba thở phào, che tay ngoác miệng cười nhìn lên bầu trời trong veo hứa hẹn một ngày nắng đẹp. Phơi rơm mà thiếu nắng thì chỉ có chết. Rơm không đủ nắng để khô nhanh sẽ “ôi” không thơm, bị bò chê giống như rơm úa.
Nghỉ tay cơm nước trà lá xong, mặt trời lên cao. Giờ mới tới phần việc thực sự của ba với anh Hai. Mỗi người một chàng nạng (sào tre dài, đầu chia hai nhánh), dang nắng lụi hụi trở rơm (lật lên cho khô đều). Nắng to, rơm bắt đầu héo mặt, từng sợi khô cong. Tuần tự trở giáp vòng từ bên này sang bên trở kia. Việc chẳng mấy nhọc nhằn, nhưng “đau khổ” nhất là… dang nắng. Nắng chang chang đổ lửa. “Biển” rơm mênh mông, lớp lớp bồng bềnh xô như sóng, vàng lóa đến nhức mắt trong cái nắng lung linh theo từng luồng hơi nước bốc lên, hầm hập đến nung người. Nón lá che khuôn mặt đỏ lựng, đầm đìa mồ hôi, ba cần mẫn gạt, tung từng nạm rơm, khéo léo sao cho phần ướt lộn lên trên, phần khô xuống dưới mà nạm rơm vẫn bung xốp, sợi rời nhau. Phải vậy thôi, làm “lấy được” chiều rơm không khô đều là phải khổ công phơi thêm ngày nữa. Anh Hai quệt mồ hôi, vừa vung chàng nạng vừa rủa ông trời nắng chi nắng ác. Ba bật cười: cái thằng! Hông chịu nắng chẳng lẽ mày đòi… mưa? Anh Hai ngẩn ra, rồi cũng bật cười.
Rơm phơi khô chiều cuốn, vắt giồng đợi vun nọc. Tranh thủ bình minh hay đêm trăng ra làm cho mát. Ba lãnh chân trồng trụ, rải, dậm rơm. Anh Hai chuyển rơm từ giồng sang, ném lên nọc cho ba và chải, hốt rơm thừa xung quanh nọc. Khâu cực nhọc cuối cùng trong cuộc hành trình rơm rạ, dù gì cũng đỡ hơn bởi không phải chịu cái khổ hình dang nắng. Nhịp nhàng cần mẫn, cái nọc rơm càng lúc càng được vun cao chót vót, tương ứng với vồng rơm bên dưới càng lúc càng xẹp đi. Lên chót nọc ba rải rơm hẹp lại, vun tóm đầu. Mắt anh Hai sáng lên, hình như anh chỉ nhăm nhăm chờ có vậy. Những ôm rơm cuối cùng được anh hăng hái tha chạy, quăng thật lực lên đỉnh nọc cho ba với vẻ đầy hào hứng. Xong! mấy đứa nhỏ “khán giả” đồng thanh reo lớn khi ba giũ nắm rạ dài cột xoay tròn quanh đỉnh cột, đuôi rạ xòe, thõng ôm xuống chóp nọc như cái nón che mưa. Đỉnh cột, ba ụp thêm chiếc ấm đất sứt quai phòng nước mưa luồn vô thân cột. Xong! anh Hai cũng ngửa người ngắm cái nọc rơm sừng sững, tay giơ ngón cái lên trời, bật reo khoái trá. Lũ bò lịch kịch trong chuồng nghe tiếng anh dường cũng vui lây, phụ họa nghểnh cổ rống ò.