Các doanh nghiệp sản xuất ô tô, xe máy kêu khó với quy định về tỷ lệ phải tái chế xe thải, trong khi Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng quy định đã cân nhắc rất nhiều yếu tố đặc thù ngành.
- Giảm phí trước bạ xe ô tô sản xuất lắp ráp trong nước có kích cầu, tăng thu ngân sách?
- Nguy hiểm vỏ xe tái chế
Doanh nghiệp nói tỷ lệ tái chế "cứng" chưa phù hợp
Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã làm việc với các Hiệp hội doanh nghiệp về xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành luật Bảo vệ môi trường. Tại cuộc họp, đại diện các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu ô tô - xe máy cho rằng, một số quy định tại dự thảo chưa phù hợp và khó khả thi. Trong đó đáng chú ý nhất là quy định “cứng” về tỷ lệ tái chế 2% số lượng xe bán ra.
Trả lời trên báo Giao thông, ông Lê Văn Vệ, Trưởng khối đối ngoại Honda Việt Nam, cho rằng, quy định này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. "Đây là điều không thể thực hiện được vì thiếu cơ sở pháp lý, thực tiễn và không có tiền lệ trên thế giới”, ông Vệ nói.
Theo đó, để tuân thủ Quyết định 16/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp đã thiết lập hệ thống các điểm tiếp nhận ô tô, xe máy thải bỏ để tái chế. Tuy nhiên thực tế chưa có bất cứ người tiêu dùng nào mang sản phẩm thải bỏ đến điểm tiếp nhận.
Trên thực tế khi chủ phương tiện không muốn sử dụng xe nữa thường sẽ chọn cách chuyển nhượng (bán, cho, tặng) cho người khác để tiếp tục sử dụng hoặc bán cho cơ sở thu mua phế liệu chứ không chuyển giao lại cho nhà sản xuất, nhập khẩu. Do đó, các doanh nghiệp đã kiến nghị xem xét bỏ yêu cầu trên.
Về cách tính tỷ lệ tái chế, hai Hiệp hội ô tô và xe máy đề xuất tương tự quy định của các nước trên thế giới. Theo đó, đối với phương tiện giao thông, tỷ lệ tái chế nên được hiểu là tỷ lệ giữa tổng khối lượng các bộ phận, vật liệu được thu hồi trên khối lượng của một sản phẩm thải bỏ.
Bộ nói quy định đã cân nhắc nhiều yếu tố
Trả lời trên báo Giao thông, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT) cho biết vụ cũng đã họp bàn với đại diện của hai hiệp hội ô tô và xe máy (VAMA và VAMM), các bên cũng đã nêu lên các vấn đề này và đã được tiếp thu. Với việc ô tô và xe máy có đặc thù riêng là sử dụng thời gian rất lâu nên tỷ lệ tái chế đã được ban soạn thảo giảm xuống thấp nhất so với các ngành hàng còn lại.
“Tỷ lệ tái chế đó hiện theo dự thảo Nghị định là so sánh với số lượng xe bán ra thị trường. Hiện tỷ lệ này đã được điều chỉnh xuống mức thấp nhất có thể, chỉ là 1% đối với mặt hàng ô tô, xe máy”, ông Hùng cho biết.
Một chuyên gia của Bộ TN&MT cũng cho biết, quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) đã có từ lâu, bao gồm cả sản phẩm ô tô, xe máy. Tuy nhiên từ năm 2005 đến nay vẫn chưa làm được.
“Các hiệp hội hiện nay nói là không có cơ chế nào để thu gom. Tuy nhiên việc thu gom ô tô, xe máy là giao dịch dân sự và kinh tế của người sử dụng với bên tái chế hoặc tái sử dụng, theo giá thị trường. EPR quy định ngoài cơ chế buộc người sử dụng thải bỏ sản phẩm đưa đi tái chế theo cơ chế giá còn quy định trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu trong việc tái chế sản phẩm mình sản xuất ra. Doanh nghiệp khi bắt tay sản xuất các loại linh kiện sẽ phải tính đến khả năng dễ dàng tái sử dụng, tái chế”, vị chuyên gia nói.
Cũng theo vị này, luật Bảo vệ môi trường chỉ quy định tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất phải có trách nhiệm tái chế, không có yêu cầu việc thu gom. Khái niệm “thu gom” ở đây chỉ áp dụng cho các mặt hàng không thể tái chế được. Các doanh nghiệp ô tô, xe máy nói không thu gom được vì ô tô, xe máy có đặc thù, quyền tài sản tổ chức, cá nhân, được quy định ở bộ luật Dân sự.
Tuy nhiên, chính vì có quy định đặc thù nêntỷ lệ tái chế được quy định rất thấp. Ở nước ngoài có thể 5%, còn dự thảo ban đầu là 2% nhưng đã giảm xuống 1%. Trong khi các sản phẩm như chai nước lên tới 20%. Để có thời gian tổ chức thực hiện, quy định này cũng đã cho giãn tới năm 2027.
Theo báo Giao thông điện tử