Đăng Nam-
Sau hai tuần giám sát, kiểm tra thực tế các khoản thu chi quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh tại một số trường học, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQ) TPHCM thấy nhiều nơi vẫn còn lúng túng, nhầm lẫn trong quy định thu và sử dụng các nguồn tiền này.
Ấn định các khoản thu tự nguyện
Sau buổi giám sát về các khoản đóng góp theo quy định và quỹ do Ban đại diện cha mẹ học sinh tại trường THPT Nguyễn Hiền hồi đầu tuần, đoàn giám sát của UBMTTQ Việt Nam TPHCM đã kết thúc đợt giám sát, kiểm tra với tám trường phổ thông. Dù chưa phát hiện sai phạm nghiêm trọng trong thu chi, quản lý tài chính và quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh, nhưng đoàn nhận thấy nhiều trường làm sai Thông tư 55 quy định điều lệ hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Cụ thể, trong năm học 2017-2018, phụ huynh trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1) đóng 250.000 đồng tiền quỹ phụ huynh. Đây là khoản thu tự nguyện, không bắt buộc. Theo Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường, các khoản thu này dùng để chăm lo cho học sinh trong các hoạt động phong trào, tặng phần thưởng cho học sinh vào cuối học kỳ, cuối năm học.
Hiệu trưởng trường này cho biết, ở các lớp đều trang bị bảng cường lực, lót sàn gỗ, lắp tủ cá nhân và tủ đựng mũ bảo hiểm… từ tiền cơ sở vật chất dành cho loại hình tiên tiến. Ngoài ra, nhiều phụ huynh là mạnh thường quân còn đóng góp để lắp bảng thông minh với 90 triệu đồng/lớp, nhiều lớp thường cũng được trang bị tương tự nếu có nguồn hỗ trợ từ phụ huynh.
Tuy nhiên, đoàn giám sát đã chất vấn: “Trường ấn định mức đóng 250.000 đồng quỹ phụ huynh, sao gọi là tự nguyện? Thông tư 55 của Bộ Giáo dục về điều lệ hoạt động Ban đại diện cha mẹ thì không được đưa ra mức cụ thể, không ấn định khung nào hết”.
Tương tự, tại trường THPT Thủ Thiêm (quận 2), Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng ấn định mức thu 300.000 đồng mỗi học sinh, trong đó 100.000 đồng là quỹ hoạt động cha mẹ học sinh, còn lại là quỹ tài trợ trường. Dù trường này giải thích các khoản thu này là không bắt buộc nhưng đoàn giám sát không đồng ý, đề nghị trường chấn chỉnh bởi cách làm này không đúng quy định khi “chia bình quân đầu người” để ai cũng phải đóng.
Bà Triệu Lệ Khánh, Phó chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP HCM, trưởng đoàn giám sát cho rằng vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh rất lớn vì có nhiều hỗ trợ cho nhà trường trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, việc thực hiện các khoản đóng góp vẫn thực hiện ấn định mặc dù thu trên tinh thần tự nguyện. Nhiều trường chưa phân biệt rạch ròi nội dung, mục đích, yêu cầu của Thông tư 55 về điều lệ Ban đại diện và Thông tư 29 về vận động tài trợ, quản lý sử dụng tài trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dẫn đến sử dụng quỹ vận động, tài trợ chưa đúng mục đích.
Năm học này, Ban đại diện cha mẹ học sinh trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11) đưa ra mức đóng góp cho quỹ là 3 triệu đồng/lớp và không cào bằng. Theo đó, ủy quyền cho thủ quỹ nhà trường thu và quản lý, còn hội phụ huynh chỉ quyết định các khoản chi, riêng quỹ tài trợ, nhà trường không thực hiện vận động.
Bà Khánh cho rằng, việc đưa ra mức đóng góp quỹ phụ huynh 3 triệu đồng/lớp là không đúng. “Ban đại diện nên dựa theo kế hoạch đã xây dựng trước khi vận động phụ huynh, đưa ra những khoản chi tiêu chăm lo, khen thưởng cho học sinh để phụ huynh tham gia đóng góp. Quỹ của phụ huynh chỉ sử dụng chăm lo cho học sinh”, bà Khánh khẳng định.
UBMTTQ Việt Nam TPHCM cho biết vẫn còn nhiều trường làm sai Thông tư 55 quy định điều lệ hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Ảnh: Thành Hoa
Sẽ điều chỉnh quy định
Tại trường mầm non Họa Mi (huyện Nhà Bè), phụ huynh phải đóng nhiều khoản tiền để con theo học mô hình trường tiên tiến, như lớp mầm và chồi mỗi tháng phải đóng gần 3 triệu đồng tiền học. Trong đó, ngoài các khoản thu theo quy định khoảng 1,4 triệu đồng, mỗi phụ huynh phải đóng thêm 1,496 triệu đồng/tháng cho lớp tiên tiến. Trường cho rằng, các lớp này chỉ từ 20-22 trẻ/lớp, chương trình học nhiều hơn nên mức thu cao hơn.
Trong khi đó, Ban đại diện cha mẹ học sinh trường cho biết họ không có chủ trương thu quỹ nhưng việc đóng góp chủ yếu do phụ huynh các lớp tự tính toán trên tinh thần tự nguyện, theo nhu cầu như làm rèm cửa, mua đồ chơi, lắp máy móc, sửa sân chơi cho trẻ.
Ban giám sát UBMTTQ Việt Nam TPHCM cho rằng các mức thu này đã ở ngưỡng tối đa theo quy định của thành phố. Với bậc mầm non, trẻ đến trường đương nhiên phải được trang bị cơ sở vật chất, học thể thao, hoạt động,... nhưng phải đóng thêm nhiều khoản nữa là chưa hợp lý.
Qua đợt khảo sát hai tuần qua, ông Vũ Thanh Lưu, Phó chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TPHCM, nhận định việc kiểm tra, hướng dẫn quỹ hội phụ huynh ở các quận, huyện hiện bỏ trống khá nhiều. Theo ông Lưu, nhiều trường làm đúng cũng không biết mình làm có đúng không, nhiều trường làm sai cũng không biết mình sai các quy định thu chi, quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh. “Thông tư 55 về Ban đại diện cha mẹ, nhiều đơn vị không nắm hết được, vẫn thu cào bằng”, ông Lưu nói.
Sắp tới, UBMTTQ Việt Nam TPHCM sẽ kiến nghị lên các cấp liên quan để có sự điều chỉnh và hướng dẫn cụ thể về việc giữ và chi tiền phụ huynh khi đóng góp cho trường. Bởi hầu hết các trường đều lúng túng và thực hiện chưa đúng, gây nhập nhằng trong quản lý thu chi. Về phía Ban đại diện cha mẹ học sinh, UBMTTQ cho rằng ban chỉ lên kế hoạch, còn đóng góp bao nhiêu là tùy từng phụ huynh, tuyệt đối không đưa ra mức thu chung và đồng thời phải công khai, minh bạch các khoản thu, chi để phụ huynh nắm rõ.
Trong khi đó, nói về dư luận gần đây dấy lên đề xuất bỏ hội phụ huynh, bà Khánh cho rằng đó chỉ là ý kiến của số ít cha mẹ học sinh. Theo bà, công tác giáo dục phải có ba nhân tố nhà trường, gia đình và xã hội. Ban đại diện cha mẹ học sinh chính là cầu nối giữa nhà trường và gia đình.