Sau khi Bộ Y tế đề nghị các địa phương rà soát số lượng trẻ em từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi để chuẩn bị kế hoạch mở rộng đối tượng tiêm vắc-xin phòng Covid-19, nhiều phụ huynh bày tỏ lo ngại về các phản ứng có thể xảy ra với trẻ ở độ tuổi quá nhỏ sau khi tiêm vắc-xin.
- TPHCM: Các trường không quy định học sinh tiêm vắc-xin trước khi đến trường
- Hàng triệu liều vắc-xin Covid-19 bị loại bỏ vì quá hạn sử dụng
Vừa qua, Bộ Y tế đã có đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát số lượng trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi để chuẩn bị kế hoạch mở rộng đối tượng tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ khi có đủ điều kiện, cơ sở khoa học.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lo ngại về tác dụng phụ khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ ở độ tuổi quá nhỏ, có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ. Họ cho rằng một số trẻ đã từng mắc Covid-19 có biểu hiện bệnh còn nhẹ hơn cả cúm, nên không nhất thiết phải tiêm vắc-xin.
Dù chưa biết chính xác thời điểm và loại vắc-xin phòng Covid-19 nào sẽ được sử dụng để tiêm chủng nhưng anh Nguyễn Quốc Sơn (ở quận Bình Tân) có con 4 tuổi đang học tại trường mầm non trên địa bàn TPHCM cho biết, hiện việc tiêm vắc-xin được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, nếu nhà trường hoặc địa phương yêu cầu trẻ dưới 5 tuổi tiêm vắc-xin, anh vẫn chưa cho con tham gia ngay đợt tiêm đầu tiên. Anh cho biết sẽ chờ thêm thời gian khi có nhiều kết quả nghiên cứu thực tế về tác dụng của vắc-xin dành cho trẻ, cũng như các loại vắc-xin được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp nhận.
Chị Hoài Lan (ở quận Tân Phú) cũng bày tỏ e ngại rằng sẽ có thể xảy ra những phản ứng phụ khi trẻ đang ở độ tuổi quá nhỏ, vắc-xin chưa được thử nghiệm đầy đủ theo quy trình truyền thống. Ngoài ra, con gái 3 tuổi của chị đã từng mắc Covid-19 cách đây hai tháng nên không nhất thiết phải tiêm vắc-xin.
Về vấn đề này, bà Lê Thị Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), cho biết việc Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố chuẩn bị và rà soát số lượng trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi là một công tác bình thường. Thông thường, ngành y tế muốn chuẩn bị một hoạt động cho cộng đồng, phải có số lượng để chuẩn bị. Đặc biệt với công tác tiêm chủng không phải đơn giản, cần dự trù đủ vắc-xin, vật tư và thuốc men. Đây chỉ là một bước để chuẩn bị.
Vì vậy thời điểm tiêm và tiêm loại vắc-xin nào, Bộ Y tế cũng đã nói rất rõ là phải chờ có đầy đủ tài liệu và cơ sở khoa học. Việc tổ chức tiêm vắc-xin sẽ có một hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế; sau đó cân nhắc đặc điểm vắc-xin, mô hình dịch bệnh của cả nước để có quyết định về phác đồ tiêm, loại vắc-xin và nhóm đối tượng. Do đó, người dân không cần quá lo lắng. Khi có kế hoạch cụ thể, Sở Y tế thành phố sẽ triển khai tiếp.
Hiện nay, trên thế giới cũng đã có không ít quốc gia triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ ở tuổi từ 16 đến dưới 5 tuổi. Một số nước như Mỹ, Canada, Anh… đã có những khuyến cáo tiêm vắc-xin cho trẻ em.
Giải đáp thắc mắc về việc tiêm vắc-xin cho trẻ ở độ tuổi quá nhỏ có thể ảnh hưởng cho đến sức khoẻ, bà Nga cho biết khi vắc-xin được đưa vào sử dụng, đã trải qua quá trình theo dõi, đánh giá và thử nghiệm lâm sàng trên người tình nguyện. Các loại vắc-xin đảm bảo an toàn, mới thực hiện tiêm chủng rộng rãi. Vì vậy, tính an toàn của các loại vắc-xin là được đảm bảo.
“Dù có một tỷ lệ nhất định về một số sự cố không mong muốn, nhưng con số này là rất nhỏ và so với hiệu quả bảo vệ cho cộng đồng thì không đáng kể”, bà Nga cho hay.
Ngoài ra, bệnh truyền nhiễm có phổ lâm sàng rất rộng, có những bệnh tưởng chừng không có triệu chứng. Tuy nhiên, tuỳ vào cơ địa của mỗi người nên không thể biết được thời điểm nào bệnh sẽ chuyển nặng, có những người không thuộc nhóm nguy cơ vẫn có thể trở bệnh nặng. Do đó, lợi ích của tiêm chủng là cần thiết.
Cho đến thời điểm hiện tại, việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 vẫn cần có sự đồng thuận của phụ huynh. Vì vậy, nhân viên y tế sẽ tư vấn đầy đủ cho các bậc phụ huynh, người giám hộ để họ đưa ra quyết định tiêm vắc-xin cho trẻ em.
Minh Thảo
Theo Kinh tế Sài Gòn Online