(SGTTO) - Thời gian gần đây, nhiều nơi tại TPHCM, trong đó có những bệnh viện, các tòa nhà cao tầng, ký túc xá sinh viên xuất hiện nhiều kiến ba khoang, trong đó nhiều trẻ nhỏ, người lớn bị viêm da nặng.
Anh Lê Hoài An ngụ tại Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM vừa bị kiến ba khoang bò lên người, theo phản xạ, Hoài An đã lấy tay đập kiến, ngay sau đó nơi vùng da tiếp xúc với kiến ba khoang ngứa nóng ran, xuất hiện những vệt đỏ, cảm giác bỏng rát và da rộp lên như bỏng nhẹ. Một ngày sau, vết thương bắt đầu lan rộng và ăn sâu gây cảm giác ngứa, đau rát nhiều hơn.
Tưởng rằng mình bị zona thần kinh, anh Lê Hoài An đi khám bác sĩ và được biết vết ngứa rát, phồng rộp do nọc độc của kiến ba khoang gây viêm, nhiễm trùng da.
Tại các bệnh viện như Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức TPHCM, bệnh nhân liên tục phát hiện kiến ba khoang bò vào phòng bệnh, giường bệnh cắn vào cổ, mặt… gây viêm ngứa, phồng rộp da.
Nguyên nhân bác sĩ cho rằng kiến ba khoang sinh sống nhiều là do khuôn viên bệnh viện có nhiều cây cối um tùm, rậm rạp đã tạo điều kiện cho kiến phát triển.
Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo, trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn.
Theo PGS. TS. Lê Thành Đồng, Viện Trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TPHCM, biểu hiện viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang thường xuất hiện ở những vùng da hở như: cổ, mặt, lưng, tay, chân... Kiến có thể gây viêm da từ mức độ nhẹ đến nặng, tùy theo độc chất xâm nhập qua da. Ban đầu người bệnh thấy hơi ngứa rát, căng da, biểu hiện đỏ một vùng da, sau 6 - 12 giờ, đỏ cộm thành vệt, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ không đều từ 1 - 5mm, 1 đến 3 ngày sau thành phỏng nước, phỏng mủ. Lúc này thấy cảm giác đau, rát càng tăng. Người bệnh có thể bị kèm theo sốt, khó chịu, nổi hạch, đau vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với tổn thương. Nếu tay bị dính chất độc khi đập kiến, chà xát và sờ vào mắt có thể làm bỏng mắt.
Nếu tổn thương ở gần mắt có thể sưng húp cả hai mắt, 2-3 ngày mới đỡ, ở bẹn có thể nổi hạch bẹn sưng đau khó đi lại. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng viêm da sẽ tiến triển sang dạng loét. Các vết loét có nhiều hình dạng khác nhau tùy theo động tác khi ta đập, giết và chà xát kiến trên da. Cũng có ít trường hợp chỉ nổi vết đỏ, lấm tấm mụn nước nhỏ hơi ngứa, lặn sau 3 - 5 ngày, không thành phỏng.
BS. Đồng khuyên, nếu có một con kiến ba khoang đang bò trên người, hãy lấy nó ra khỏi người bằng cách thổi hoặc để một tờ giấy vào cho nó bò lên và lấy nó ra khỏi người. Sau đó rửa sạch vùng da đã tiếp xúc với loài côn trùng này. Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát chúng trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc để hạn chế chất độc. Đặc biệt, người tiếp xúc với kiến ba khoang cần đến cơ sở y tế để báo và thăm khám, điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Hoàng Nhung