(SGTT) - Công nghệ về trí tuệ nhân tạo (AI) đang tiến nhanh, tạo ra môi trường kinh doanh mới. Không chỉ ở thị trường quốc tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang bắt nhịp xu hướng, ứng dụng AI vào hoạt động của mình. Tuy nhiên, hành trình đầu tư AI hiện chỉ mới ở điểm khởi đầu.
- Trí tuệ nhân tạo lấn sâu vào nghề cà phê
- TPHCM có kế hoạch xây dựng hệ sinh thái AI để phát triển thành phố
Doanh nghiệp để ý đến ứng dụng AI
OpenAI, hãng sở hữu phần mềm chatbot tạo sinh AI nổi tiếng ChatGPT, mới đây tiếp tục làm dậy sóng cộng đồng khi giới thiệu thêm Sora, công cụ có thể tạo ra những video giả lập từ văn bản. Trước đó không lâu, Google cũng đã đổi tên Bard, ứng dụng tương tự ChatGPT, thành Gemini, được giới thiệu là có tính năng mạnh hơn trước đó, và còn mạnh hơn nhiều nếu trả thêm phí.
Cuộc đua về AI tiếp tục diễn ra ngày càng mạnh mẽ, trong bối cảnh công nghệ này được nhận định sẽ làm thay đổi hành vi đáng kể, không chỉ với những người dùng cá nhân mà còn cả các doanh nghiệp.
Theo ông James Cheo, Trưởng bộ phận đầu tư khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, Khối Dịch vụ ngân hàng tư nhân toàn cầu và quản lý tài sản của HSBC, sáng tạo AI sẽ trở thành xu hướng chính thống cần lưu ý. Theo đó, AI sẽ tự động hóa các tác vụ lặp lại, nâng cao trải nghiệm khách hàng và khuyến khích sáng tạo. Chẳng hạn, ngành chăm sóc sức khỏe đã bắt đầu sử dụng robot và AI trong phẫu thuật để thực hiện các thủ thuật phức tạp với độ chuẩn xác cao.
Báo cáo Khảo sát CEO toàn cầu thường niên lần thứ 27 khu vực châu Á Thái Bình Dương của PwC công bố đầu tháng 2-2024, đánh giá sự đột phá về công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI, Generative AI), là “đại xu hướng” yêu cầu các lãnh đạo phải đổi mới để bắt kịp.
Theo khảo sát, có hơn hai phần ba CEO khu vực châu Á Thái Bình Dương dự đoán GenAI sẽ tác động đáng kể đến công ty, lực lượng lao động và thị trường của họ trong 3 năm tới. Khoảng một nửa số CEO lạc quan về việc GenAI sẽ góp phần tăng doanh thu và lợi nhuận, khi công nghệ này giúp tăng đáng kể hiệu quả về thời gian của họ và nhân viên.
Tuy nhiên, dù đánh giá cao về triển vọng AI, có đến 41% CEO thừa nhận họ chưa áp dụng GenAI trên toàn công ty trong vòng 12 tháng qua vì nhiều lý do. Trong nhóm các quốc gia thì Úc dẫn đầu về áp dụng GenAI với tỷ lệ 63%, tiếp theo là Nhật Bản (50%), Ấn Độ và New Zealand (cả hai đều ở mức 39%). Tại Việt Nam, câu chuyện đầu tư theo trào lưu AI cũng đang nóng dần lên.
Doanh nghiệp Việt Nam cũng “mò mẫm” với AI
Theo ông Trần Trọng Đại, Tổng giám đốc KMS Technology (công ty sản xuất phần mềm quy mô trên 1.500 nhân viên), trên thực tế khái niệm AI đã có từ cách đây hàng chục năm, còn xu hướng đầu tư vào AI diễn ra nhiều vào cách đây khoảng 3-4 năm. Công nghệ AI nói chung được ứng dụng trong những công việc có thể thay thế con người tự động hóa được.
Nếu như ở lĩnh vực phần mềm, AI có thể giúp người viết dòng lệnh tiết kiệm thời gian đáng kể, thì ở khâu bán hàng và marketing, ứng dụng phổ biến được nhắc đến nhiều là việc phân tích dữ liệu người dùng.
Chẳng hạn, ngân hàng số Cake đặt mục tiêu trở thành “Next Gen AI Bank” trong 3 năm tới. Theo ông Nguyễn Hữu Quang, CEO của Cake, hướng đi là xác định nhóm khách hàng trọng tâm và dùng AI tạo sinh để cá nhân hóa trải nghiệm, tối ưu hóa chi phí.
Trong khi đó, đại diện tập đoàn Masan cho biết hiện đang thử nghiệm công nghệ AI vào hệ sinh thái tiêu dùng – công nghệ của mình. Lĩnh vực thử nghiệm đầu tiên là tập trung vào việc tìm hiểu kỹ hơn về 10 triệu hội viên khách hàng, sau đó phát triển các sản phẩm, ưu đãi và dịch vụ theo hướng cá nhân hóa.
Masan cũng đang thử nghiệm với Supra, đơn vị vận hành logistics cho tập đoàn này ra mắt đầu năm 2022. Các mảng thử nghiệm bao gồm khâu lên đơn hàng, giao nhận, chia chọn hàng hóa tại kho, kiểm soát tập trung chất lượng sản phẩm tại kho.
Thông qua cơ sở dữ liệu, Supra sẽ lên đơn, tính lộ trình giao hàng giúp tối ưu hóa chi phí vận chuyển. Hiện nhóm này chiếm khoảng 60% tổng sản lượng hàng hóa của WinCommerce với 10 cụm kho (bao gồm kho lạnh và kho khô) trên cả ba miền.
Theo đại diện Masan, việc đầu tư vào AI bước đầu có những tín hiệu lạc quan. Trong khi Supra giúp hỗ trợ giảm 13% chi phí logistics đối với hàng được giao qua hệ thống này, tỷ lệ chuyển đổi khách hàng qua các hoạt động tiếp thị thông qua AI cũng cao hơn các phương pháp khác. “Về dự báo nhu cầu, chúng tôi thấy rằng dựa vào công thức của mình, độ chính xác hiện tại cao hơn 10-20% so với cách chúng tôi làm trước đây”, đại diện Masan chia sẻ.
Dù ứng dụng A.I đang dần trở thành trào lưu và rõ nét hơn, thách thức chính vẫn còn rất nhiều, từ câu chuyện dữ liệu, nhân sự cho đến hiệu quả đầu tư vì đang ở trong giai đoạn “mò mẫm” công thức.
Đại diện Masan nói rằng hành trình đầu tư vào AI mới chỉ ở bước khởi đầu. Trong vòng vài năm tới, doanh nghiệp nào có thể ứng dụng AI vào toàn bộ công việc kinh doanh, thì có thể nắm bắt được xu thế và cách vận hành trong môi trường kinh doanh mới.
Còn theo đại diện KMS Technology, trên thực tế ứng dụng AI của doanh nghiệp đang ở mức thấp, chỉ mới dừng lại ở chỗ công cụ này đưa vào thì có xài được hay không. “Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, ai tìm ra cách thức ứng dụng AI trong hoạt động, giúp cắt giảm chi phí thì sẽ giành phần thắng”, ông Đại nói thêm.
Theo khảo sát của PwC, các trường hợp sử dụng GenAI ngày càng đa dạng do công nghệ này phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, tỷ lệ áp dụng GenAI phụ thuộc nhiều vào dữ liệu nền tảng và cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp, giá trị thực tế mà GenAI mang lại và mức độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro của ban quản lý. Trong khi đó, GenAI vẫn có những lo ngại khác liên quan đến rủi ro an ninh mạng đang gia tăng hay lan truyền thông tin sai lệch. Mặt khác, báo cáo cũng cho thấy trên bình diện xã hội, tác động của GenAI vẫn còn chưa rõ ràng. Một số lợi ích về hiệu quả có thể sẽ đến từ việc giảm biên chế nhân sự (26% CEO khu vực châu Á Thái Bình Dương dự đoán sẽ cắt giảm nhân sự do GenAI).Tuy nhiên, xu hướng cắt giảm có thể được cân bằng bằng việc tuyển dụng thêm ở những lĩnh vực khác. “GenAI có thể thay thế một số vai trò công việc nhưng đồng thời cũng tạo ra việc làm mới”, báo cáo nhận định.
Dũng Nguyễn