Đào Loan -
Với một số du khách, du lịch không chỉ là nghỉ ngơi, giải trí mà còn là những chuyến đi để chia sẻ những giá trị của cuộc sống, để làm việc thiện nguyện và đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng. Có người gọi đó là những chuyến du lịch vì tương lai, góp phần làm cuộc sống tốt đẹp hơn.
Du lịch không chỉ để chơi
Du khách Nhật Bản đang trồng cây đước ở huyện Cần Giờ (TPHCM). Ảnh: Minh Duy
Gần 11 giờ trưa, trời nắng gắt, ở một bãi đất ngập mặn rộng lớn, hàng chục du khách Nhật Bản vẫn chăm chú lắng nghe nhân viên Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ (TPHCM) hướng dẫn cách đào hố trồng những cây đước đã ươm sẵn trong bồn, cách cắm những chồi cây đước xuống đất sình sao cho cây dễ sống. Sau đó, mỗi người cầm 25 chồi cây cẩn thận cắm xuống đất ngay hàng thẳng lối.
“Việc trồng cây đước khá khó khăn, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết nắng nóng và đất thì sình lầy như thế này”, cô Nao Ogata, một người trong nhóm khách đến từ Fuji Film của Nhật, nói.
Đoàn khách này đến TPHCM trong một chương trình tour bốn ngày, trong đó hoạt động được chú trọng nhất là đến Cần Giờ để tìm hiểu về hệ sinh thái rừng, về chuyện phủ xanh rừng ngập mặn sau chiến tranh và trồng rừng.
“Năm nào chúng tôi chúng cũng có những chương trình du lịch kết hợp các hoạt động như thế này. Chúng tôi đã trồng rừng ở các vùng sa mạc, ở Trung Quốc, và đây là lần đầu tiên chúng tôi trồng rừng ở Việt Nam”, ông Yohei Suzuki, Phó chủ tịch công đoàn của Fuji Film, nói với Sài Gòn Tiếp Thị trong lúc trồng đước ở Cần Giờ ngày 31-7.
Loại tour mà ông Suzuki và cô Ogata vừa trải nghiệm gọi là tour du lịch thiện nguyện. Tuy chưa phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, nhưng ngày càng có nhiều du khách nước ngoài tham gia, đặc biệt là các sinh viên học sinh, những người lớn tuổi, các tổ chức phi chính phủ và nhân viên từ các công ty. Có đoàn chọn tour du lịch kết hợp trồng rừng; có đoàn sinh viên học sinh chọn tour dạy thêm tiếng Anh cho một số học sinh địa phương, tặng quà, sơn sửa hoặc xây trường học, xây nhà vệ sinh cho một số trường học ở vùng xa thành phố; có đoàn xây nhà tình thương hoặc giúp đỡ một số phụ nữ nghèo của địa phương.
Ông Trần Thế Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty du lịch Fiditour, đơn vị tổ chức tour cho Fuji Film, cho biết lượng khách tham gia tour thiện nguyện của công ty thường đến từ Nhật Bản, Singapore và Úc. Trong đó, các trường học ở Singapore chiếm lượng khách lớn, có trường đã có những chương trình thường niên kéo dài đến 6, 7 năm liên tục. Với Nhật Bản, lượng khách chính cũng đến từ các trường học.
“Lượng khách mua tour thiện nguyện chiếm khoảng 15% trong tổng cơ cấu khách của chúng tôi và tăng cũng khoảng 15%/năm. Có đoàn chỉ đóng góp khoảng 1.000 đô la Mỹ, có đoàn 5.000 đô la, tuy không nhiều nhưng thực hiện được nhiều hoạt động có ý nghĩa”, ông Dũng cho biết.
Tuy không rầm rộ, nhưng một số công ty khai thác thị trường châu Âu, Mỹ cũng đang bán các sản phẩm tương tự và đã có nhiều sinh viên từ Mỹ, châu Âu tham gia các tour du lịch kết hợp làm thiện nguyện tại ĐBSCL và một số tỉnh, thành phía Bắc.
Bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc điều hành Công ty du lịch Asian Trails, cho biết tuy không khai thác sản phẩm này thành dòng sản phẩm chuyên biệt, nhưng công ty vẫn tổ chức khi có yêu cầu. Thực tế, ngày càng nhiều khách muốn đi du lịch kết hợp nhằm đem lại lợi ích cho người dân tại điểm đến. Do đó, công ty hướng khách đến những loại hình như ở homestay tại những nhà dân hay mua quà lưu niệm do người khuyết tật làm.
“Việc này cũng hỗ trợ người dân địa phương phát triển kinh tế và những người kém may mắn cải thiện cuộc sống nên nhiều khách hưởng ứng”, bà Tiên nói.
Tour truyền cảm hứng
Ông Dũng ở Fiditour là người có hơn 15 năm kinh nghiệm tổ chức tour thiện nguyện. Theo ông, nếu chỉ xét về lợi nhuận thì loại tour này không đủ hấp dẫn để ông và đồng sự phải đầu tư nhiều công sức, vì lợi nhuận tour này chỉ bằng phân nửa so với các sản phẩm khác. Tuy nhiên, xu hướng du lịch vì cộng đồng ngày càng phát triển. Nếu doanh nghiệp tạo được thương hiệu trong lĩnh vực này và kết nối được các kênh bán hàng có uy tín thì sẽ có một lượng khách. Thêm vào đó, đây là loại tour “truyền cảm hứng” cho người tổ chức vì thấy mình đã làm được việc có ý nghĩa.
Theo ông, làm tour này không dễ, không chỉ đơn giản có tiền là khách có thể mang đến để xây trường, xây nhà ở đâu tùy thích, đặc biệt là với du khách nước ngoài. Chẳng hạn, khi muốn kết nối cho sinh viên nước ngoài đến giao lưu, tặng quà, công ty phải xin phép từ trường, sở giáo dục đào tạo và cả ủy ban nhân dân rồi mới được thực hiện. Tiếp đó, ông phải theo sát từng hoạt động, vì với tour thiện nguyện thì những hoạt động này mới là điểm nhấn chứ không phải là các chương trình du lịch đơn thuần.
Theo ông Dũng, làm tour này tốn thời gian, vất vả nhưng lại dễ “nghiện”. Có những trường ở Singapore đã liên tục đưa học sinh sang một trường ở TPHCM trong mấy năm liền. Khi xong việc, những đứa trẻ này đã ghi lại cảm xúc trong sổ lưu bút. Sau đó, lứa học sinh sau lại đến rồi đọc, chia sẻ và lại tiếp tục ghi lại những cảm xúc. “Chúng tôi không bỏ tiền ra để làm việc đó, chỉ đóng góp công sức nhưng lại làm được việc có ích nên thấy rất vui”, ông Dũng nói.
Một số doanh nghiệp khác cho rằng, tuy loại tour thiện nguyện không thể có lượng khách lớn và lợi nhuận cao nhưng cũng là một thị phần cần được quan tâm vì đây là xu hướng mới. Du khách ngày càng coi trọng những giá trị của doanh nghiệp, của du lịch đem đến cho cộng đồng. Vì thế, nếu doanh nghiệp xây dựng được hình ảnh này thì sẽ không chỉ thu hút được khách mua tour thiện nguyện mà sẽ tác động đến việc bán các sản phẩm khác.
Ông Trần Hoàng Anh, Giám đốc Công ty du lịch Footsteps Indochina, cho biết khoảng một năm nay, công ty đã khảo sát nhu cầu của khách hàng và nhu cầu ở một số địa phương để chuẩn bị đưa ra dòng sản phẩm du lịch thiện nguyện. Dự kiến, sẽ có 3-4 sản phẩm cho loại hình này. Ông cho biết, công ty đã nhận được khá nhiều yêu cầu tổ chức tour, nên cũng đang định dùng kinh phí từ quỹ công ty để cùng làm thiện nguyện với khách.
Ông Suzuki của Fuji Film cho biết, nhiều doanh nghiệp ở Nhật Bản cũng có xu hướng cho nhân viên đi du lịch hàng năm kết hợp với những hoạt động có ích cho cộng đồng. Ở công ty này, đã có những nhân viên đi tour thiện nguyện đến 20 lần.
“Các bạn nên quảng bá nhiều hơn để khách hàng biết đến. Chúng tôi rất hài lòng với chuyến đi và chắc chắc sẽ trở lại trong những năm tới vì muốn thấy thành quả của mình, muốn thấy những cây đước mà chúng tôi trồng đã phủ xanh rừng như thế nào”, ông Suzuki nói.