(SGTT) – Thay vì sum vầy bên gia đình như mọi năm trong dịp hè, một số bạn trẻ ở TPHCM đã quyết định dành khoảng thời gian này để cống hiến, góp một phần công sức cho tuyến đầu chống dịch, tô thêm những gam màu rực rỡ cho bức tranh mùa hè đặc biệt của bản thân.
- Hai tình nguyện viên là chị em sinh đôi tham gia chống dịch
- Từng trở thành F0, tình nguyện viên khỏi bệnh vẫn tiếp tục tham gia hỗ trợ cộng đồng
- Một ngày đi chợ hộ cho người dân của tình nguyện viên trẻ
“Chia lửa” với lực lượng tuyến đầu chống dịch
Vừa kết thúc năm học, Hà Minh Thư, 16 tuổi, học sinh trường THPT An Nhơn Tây, huyện Củ Chi đã viết đơn tình nguyện tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19. Hằng ngày, Minh Thư phụ các anh chị tình nguyện viên trong xã Phú Mỹ Hưng nấu nướng, đi chợ và chuẩn bị những suất ăn, gian hàng 0 đồng gửi tặng các y bác sĩ, bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi và các khu vực phong tỏa.
Ngoài ra, nữ sinh còn hỗ trợ bà con khai báo y tế, chuẩn bị đơn hàng tại siêu thị Coopmart Củ Chi. Thế nên, dù trời nắng hay mưa, mỗi ngày Thư vẫn thức dậy vào lúc 6 giờ sáng và di chuyển hơn 30km bằng xe máy để đến nơi làm tình nguyện viên (loại xe 50 phân khối cho học sinh).
Đến đầu tháng 8, khi biết tin xã Phú Mỹ Hưng triển khai tiêm vắc-xin trong cộng đồng cho người dân, nữ sinh lớp 11 tiếp tục quay về địa bàn xã và có mặt trong đội ngũ tình nguyện viên điều phối, hỗ trợ công tác tiêm chủng.
“Từ khi nghe tin dịch bệnh lại tiếp tục bùng phát, trong lòng em đã rất mong muốn có được cơ hội để giúp đỡ mọi người. Nên khi thật sự mặc trên mình bộ đồ bảo hộ màu xanh, góp sức trẻ vào công tác phòng chống dịch thì em rất tự hào và xúc động. Mùa hè năm nay có lẽ là một dấu mốc khó quên và đặc biệt nhất của em vì bản thân đã làm được nhiều việc có ích cho xã hội”, Minh Thư bộc bạch.
Cũng giống như Minh Thư, nữ tình nguyện viên trẻ Nguyễn Minh Hà, 18 tuổi, sinh viên năm 1 Đại học Công nghiệp Thực phẩm, cũng tận dụng mùa hè của mình để “góp mặt” trong mặt trận chống dịch trên địa bàn thành phố.
Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, Minh Hà bắt đầu một ngày mới của mình với một loạt công việc như hỗ trợ lấy mẫu trực tiếp các F0, chuyển bình oxy, hỗ trợ nhập liệu, phát que test cho người dân trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh.
Hằng ngày, giờ làm việc của Hà bắt đầu vào lúc 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Hôm nào có công việc gấp Minh Hà sẽ cùng mọi người “tăng ca” làm đến tận 11 - 12 giờ đêm. Nhìn dáng người nhỏ nhắn nhưng luôn nhiệt tình, nhanh nhẹn, chủ động trong công việc của Hà, ít ai có thể nghĩ rằng trước đó một thời gian, nữ tình nguyện viên vẫn đang phải điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 4, huyện Bình Chánh suốt gần một tháng.
Theo Hà chia sẻ ngày 13-7, sau khi vừa hoàn thành kỳ thi THPT Quốc gia được 4 ngày, nữ sinh bỗng cảm thấy mệt mỏi, thân nhiệt cao nên đã chủ động đi lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính. Sau 28 ngày điều trị, Hà khỏi bệnh, trở về nhà tiếp tục cách ly 14 ngày rồi viết đơn xin tham gia hỗ trợ công tác chống dịch.
“Ở bệnh viện gần 1 tháng, em hiểu rõ tình trạng thiếu nhân lực phục vụ công tác chống dịch trong khi số ca nhiễm vẫn tăng cao trên địa bàn thành phố. Hơn nữa vì cũng từng là F0 nên hơn ai hết em hiểu được tâm lý của người bệnh. Chính vì thế, tận dụng khoảng thời gian rảnh rỗi còn sót lại của mùa hè này, em quyết định bản thân phải làm điều gì đó để cùng chung tay góp sức đẩy lùi đại dịch, khi tuổi và sức khỏe của mình cho phép mình làm điều đó”, Minh Hà tâm sự.
“Tiếp lửa” cùng thành phố theo cách riêng
Không có cơ hội trực tiếp ra nơi tuyến đầu, một số bạn trẻ đã tận dụng khả năng của bản thân cùng chống dịch, đồng hành với thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn này theo cách riêng.
Nữ sinh viên năm 3, Phan Ngọc Đăng Tâm, 21 tuổi, Đại học Luật TPHCM là một ví dụ điển hình. Tận dụng kỳ nghỉ hè của mình, Tâm cùng người nhà đã sản xuất gần 10.000 chiếc “tai giả” để gửi đến lực lượng tuyến đầu, làm giảm đi phần nào những "gánh nặng” trên đôi tai của những người tuyến đầu chống dịch.
“Khi nhìn thấy những hình ảnh đôi tai của các y bác sĩ, các bạn tình nguyện viên bị dây đeo khẩu trang cọ xát vào sưng đỏ rất khó chịu thì mình đã quyết định phải bắt tay vào làm ‘tai giả’. Với những nguyên vật liệu đơn giản như dây chun, cúc áo loại to cùng với kim, chỉ, nến đốt, bắt đầu từ giữa tháng 7 đến nay, mình cùng người nhà đã hoàn thành gần 10.000 chiếc để gửi cho lực lượng nhân viên y tế”, Tâm chia sẻ.
Trong suốt quá trình thực hiện, nữ sinh chia sẻ mình gặp khó khăn nhiều nhất ở khâu vận chuyển. Bởi vì nhà cũng nằm ngay trong vùng tâm dịch nên sau khi hoàn thành sản phẩm, Tâm khó có thể ra ngoài để trực tiếp gửi đến tận tay cho các y bác sĩ. Chính vì vậy, Minh Tâm đã đăng bài lên trang cá nhân và các hội nhóm mà lực lượng y bác sĩ, các bạn tình nguyện viên thường xuyên tương tác trên Facebook để nhờ mọi người ghé nhà mình lấy. Có những lần số tai giả làm ra không đủ, nữ sinh đành để mọi người đăng ký số lượng trước và khi nào làm xong thì liên hệ lại.
“Vì mình và các em nhỏ trong nhà cũng đều đang trong kỳ nghỉ hè nên tụi mình cũng có nhiều thời gian hơn để làm. Sau khi gửi đi những sản phẩm do tụi mình tự tay làm, thấy tin nhắn các y bác sĩ, các bạn tình nguyện viên cảm ơn thì mọi người vui và hạnh phúc lắm. Nhờ điều này mà mùa hè của mình và các em đã ý nghĩa và đặc biệt hơn rất nhiều”, Tâm kể.
Năm học mới đã bắt đầu, nhìn lại một mùa hè đã qua, hình ảnh của những màu áo xanh thanh niên năng nổ tham gia các hoạt động hỗ trợ công tác phòng, chống dịch với tinh thần nhiệt huyết và trái tim hăng say của tuổi trẻ đã trải đều và ghi nhiều dấu ấn trên một số khu vực của thành phố. Mỗi bạn trẻ là một chiến sĩ thực thụ, là nguồn cổ vũ to lớn, để mỗi người dân có thêm ý thức, cùng nhau chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Ánh Dương