(SGTT) - Ngày đầu tiên, đội cơn mưa đầu mùa tầm tã, tôi đến bệnh viện đúng 7 giờ để kịp nhận trực. Trước mặt tôi là cảnh 39 bệnh nhân F0 đang nằm la liệt trong phòng cách ly, bệnh nhân già có, trẻ có, đang thở oxy có, thở máy cũng có.
Các bài viết của tác giả cho Sài Gòn Tiếp Thị:
Nghe thông báo đã có thêm 3 đồng nghiệp nữa bị Covid dương, vậy là 4 đồng nghiệp dính đòn. Tôi tranh thủ làm test nhanh để bước vào công việc thường ngày.
Sau 20 phút có kết quả 1 vạch (âm tính: 1 vạch, dương 2 vạch). Tôi được lệnh di tản chỗ nghĩ, để chọn chỗ cách ly riêng và phải vừa khám bệnh vừa lưu trú trong 2 tuần, rồi tính tiếp.
Phòng tôi ở là 1 buồng bệnh còn trống, vì lúc này không còn bệnh nhân nào muốn bước vào. Tôi vội vã nhờ cô hộ lý kiếm cái drap gường phủ lên tấm nệm xậm màu, bụi phủ và mùi ẩm mốc. Thế là có chỗ an vị cho những ngày dài vừa đối đầu và vừac né đòn Covid.
Bước vào phòng hồ sơ hành chánh là cảnh tượng thật ồn ào, ngột ngạt, pha lẫn nỗi lo sợ lộ lên từng gương mặt mọi người vì không biết bao giờ Covid mới thò tay níu mình. Giờ này có động viên, có khích lệ, có an ủi đồng nghiệp cũng bằng thừa. Thôi thì cứ gạt văng nỗi sợ hãi mà bước tới. Nói vậy thôi chứ trong đầu vẫn còn mông lung, lo lắng lắm, liệu có điều gì xảy ra với mọi người ở nhà thì sao? Má già đã 85 tuổi rồi (chuối đã sắp rời buồng), nếu ai đó có mệnh hệ gì thì cũng đành nhìn qua Zalo hoặc Viber ư?
Không chủ quan, tôi trang bị rất kỹ để các em Covid không thể lọt và sờ mó mình.
Khoác lên mình bộ đồ chống dịch, mũ mão, khẩu trang đàng hoàng, tôi bước vào đối diện bệnh nhân F0 phủ đầy virus. Có lẽ do bản năng nghề nghiệp, do thiên chức mà bao nhiêu nỗi sợ hãi tan biến. Sau khi cấp cứu, đặt ống thở cho chị bệnh nhân trẻ tuổi bị hôn mê - suy hô hấp - test PCR Covid xong, tôi trở ra phòng đệm thay bỏ quần áo thì phát hiện cái dây kéo áo đã bị tụt xuống và lòi cái ngực gầy gò như người ốm đói, cũng may là cái khẩu trang N95 không bị tụt xuống.
Tất bật công việc, khám bệnh mới, phết họng, chuyển bệnh nhân nhẹ F0 vào bệnh viện dã chiến… thì đã 23:00 đêm.
Bước vào căn phòng nghỉ lưng và thầm nghĩ: “Đã mang cái nghiệp vào thân/ Cũng đừng nên trách trời gần, trời xa”.
2:00 sáng chuông điện thoại lại reo nhận bệnh F0 mới, rồi ngày mới lại bắt đầu.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đức
Khoa hồi sức tim mạch Bệnh viện Nhân dân 115