(SGTTO) - Mùa xuân ngắm hoa anh đào, mùa hè thủy tiên nở rộ, sang thu leo núi, mùa đông tắm suối nước nóng... Đó là những trải nghiệm bốn mùa của chị Nguyễn Thị Hoài Thu, vừa kết thúc khóa trao đổi sinh viên tại Nhật Bản một năm. 

Chị Hoài Thu (23 tuổi) là sinh viên ngành Nhật Bản học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM. Năm 2018, chị trúng tuyển chuyến trao đổi sinh viên ngành Văn hóa tại Trường Aoyama Gakuin, Nhật Bản, kéo dài từ ngày 21-3-2019 đến 21-3-2020.

Chị Hoài Thu trong chuyến đi ngoại khóa cùng trường, tìm hiểu quy trình chế biến trà xanh tại Saitama, Nhật Bản. Ảnh nhân vật cung cấp.

Khi đến Nhật Bản “mục sở thị” những gì đã học, chị Hoài Thu nhận thấy nước Nhật không chỉ quyến rũ theo từng mùa, mà còn đẹp bởi tính cách con người nơi đây.

“Taxi khá đắt đỏ, vì vậy, người bản xứ thường đi tàu điện, chỉ khi tàu dừng hoạt động hoặc gặp sự cố mới cần đi taxi”, chị Hoài Thu chia sẻ. Đôi lúc, chị cùng nhóm bạn sẽ thuê xe riêng để tiện đi lại. Ảnh: nhân vật cung cấp

Một năm sinh sống tại Nhật, chị Hoài Thu đã có những kinh nghiệm khám phá nước Nhật từ những chuyến đi ngẫu hứng cùng bạn bè.

Đến Tokyo, tôi chắc chắn bạn sẽ không cần lo sợ bị lừa gạt. Bạn sẽ được người Nhật hướng dẫn nhiệt tình các điểm đến, đường đi dù hỏi bất cứ người lạ nào trên đường

Hoài Thu học tập tại thủ đô Tokyo, thuộc vùng Kanto. Chị đã đi hầu hết những địa danh ở Tokyo, rồi đến khu vực lân cận: Kamakura, Hakone, Saitama, Chiba, Ibaraki, Nikko, Gonna. Ra khỏi vùng Kanto, chị khám phá Osaka, Kyoto, Nara, Shirakawago, Kawaguchiko, Atami, Oshino Hakkai và Fujisan.

Được miễn học phí nhưng để trang trải cho những chuyến đi và sinh hoạt hàng ngày, chị Hoài Thu làm phụ bếp một nhà hàng nhỏ tại Shibuya. Mỗi giờ, chị được trả 1.100 yên (khoảng 120.000 đồng). Mỗi tuần, du học sinh được phép làm thêm tối đa 28 tiếng.

Chị Thu cho biết, du lịch tự túc tại Nhật Bản cũng không quá đắt đỏ. Ví dụ, một ngày khám phá thành phố Tokyo sẽ cần khoảng 5.000 yên (hơn một triệu đồng), chưa tính tiền mua sắm. Chốn đầu tiên chị khám phá là Shibuya - nơi mua sắm, vui chơi sầm uất ở Tokyo mà hầu như ai đến Nhật cũng ghé qua.

Từ sân bay Narita, mất khoảng một giờ để tới Shibuya. Chị đi qua 2 trạm tàu: tàu Sky Liner giá vé 1.520 yên (tàu nhanh đặc biệt) đến ga Nippori; tại Nippori, đón thêm một chuyến tàu 200 yên (tàu thường) đến Shibuya.

Ẩm thực Tokyo đa dạng, hầu hết các món ăn đặc trưng của Nhật đều có tại đây: udon, ramen, soba, sushi, thịt nướng, cơm lươn... Chi phí cho mỗi món khoảng 700 yên (150.000 đồng), nếu gọi thêm món ăn kèm sẽ cao hơn, khoảng 1.000 yên.

Mùa anh đào, chị Thu chỉ cần đến công viên Inokashira gần nhà là có thể ngắm. “Hoa anh đào trong truyền thuyết được cho rằng rơi ở vận tốc 5cm/s, tôi thấy đúng nhưng... chỉ khi không có gió thổi qua. Khi có gió, anh đào rơi hàng loạt, đẹp như trong tiểu thuyết, khiến nhiều người xao xuyến”, chị kể.

Độc đáo hơn, cả bánh kẹo cũng được thay đổi bao bì, hương vị theo mùa. Ví dụ mùa hoa anh đào thì sẽ có bánh kẹo vị hoa anh đào.

Mùa hè, Nhật Bản sẽ vào mùa hoa hướng dương, hoa thủy tiên rực rỡ. Đặc biệt, người Nhật thường đi xem lễ hội bắn pháo hoa ở nhiều nơi khắp đất nước trong mùa này.

Qua quan sát của chị Thu, pháo hoa ở Nhật Bản độc đáo, có nhiều hình dạng và màu sắc. Đôi lúc, chúng còn được phối hợp với nhạc, nước thành những màn trình diễn hoành tráng. Những lễ hội thế này sẽ diễn ra từ 20:00 các buổi tối. Người dân Nhật Bản cùng nhau trải thảm, mua đồ ăn vặt gần khu vực lễ hội để ngắm pháo hoa.

Vào mùa thu, chị leo núi Takao để ngắm lá đỏ, lá vàng rợp trời, lãng mạn nhưng cũng đượm buồn. Để đến được đây, chị phải đi qua 2 trạm tàu điện. Vào mùa xuân, loại cây này cho lá xanh mơn mởn và mùa đông thì lại khẳng khiu, ảm đạm vì gió, tuyết.

Mùa đông Nhật Bản kéo dài khá lâu, với những đợt gió rét và tuyết rơi. Khoảng thời gian này, chị cùng nhóm bạn tự thuê xe đi ngắm núi Phú Sĩ.

Theo chị Thu, chỉ cần đến tỉnh lân cận cũng có thể chiêm ngưỡng được sự hùng vĩ của ngọn núi quanh năm tuyết phủ này. Những tưởng những bông tuyết sẽ lãng mạn và tơi xốp như phim truyền hình, chị Hoài Thu nhận ra: “Tuyết mà tôi thấy là lúc nó đã rơi xuống đóng thành băng, dễ bị trượt ngã. Còn trong tưởng tượng của tôi là cảnh tuyết rơi trắng xóa, mềm xốp. Nhưng tôi vẫn thấy rất thú vị”, chị kể.

Khi nhiệt độ xuống thấp, người dân Nhật Bản sẽ rủ nhau đi tắm suối nước nóng. Ở Nhật có nhiều dạng suối nóng: bồn tắm trong nhà, suối nhân tạo, suối nước nóng tự nhiên. Chị đặc biệt ấn tượng với suối nóng tự nhiên có mùi đặc trưng và màu xanh huyền ảo Kusatsu ở tỉnh Gunma. Sẽ mất khoảng 3.000 yên cho tàu một chiều đến đây.

Ngoài ra, khu suối nóng Hakone thuộc tỉnh Kanagawa là điểm du lịch cũng khá nổi tiếng gần Tokyo. Ở đây có trứng được nấu chín bằng nguồn nước này, vỏ trứng biến thành màu đen lạ mắt.

Ngoài khám phá phong cảnh và điểm đến, cuộc sống ở Nhật Bản còn giúp chị Thu tìm hiểu tính cách người Nhật. Đó là những con người hiền hòa, hiếu khách, không có tâm lý sống cá nhân và đáng khâm phục về sức chịu đựng. Chị luôn nhận được sự giúp đỡ tận tình từ những người ở chỗ làm thêm và tình cảm của bạn bè, chủ nhà trọ. “Tôi đã có một năm học tập và trải nghiệm văn hóa thật khó quên ở Nhật", chị nói.

Yến Nhi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây