Thứ ba, Tháng mười một 5, 2024

Nhật Bản đề xuất bỏ chương trình thực tập sinh kỹ thuật dành cho lao động nước ngoài

Nhật Bản nên xem xét bãi bỏ chương trình thực tập sinh kỹ thuật dành cho người nước ngoài, thường được sử dụng như công cụ trá hình để thu hút lao động nhập cư giá rẻ, và thay thế nó bằng một hệ thống thực tế hơn, một ban chuyên gia cố vấn của chính phủ đề xuất.

Ban chuyên gia cố vấn của chính phủ Nhật Bản thảo luận về chương trình thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài tại trụ sở của Bộ Tư pháp ở Tokyo hôm 10-4. Ảnh: Yomiuri Shimbun

Chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ thuật (TITP) của Nhật Bản được thành lập vào năm 1993 như một giải pháp để nước này đóng góp quốc tế thông qua việc chuyển giao kỹ năng và chuyên môn cho các nước đang phát triển. TITP được thiết kế để cho phép người nước ngoài học kỹ năng công việc khi làm việc tại Nhật Bản trong thời gian tối đa là 5 năm. TITP có 86 loại hình công việc, bao gồm xây dựng, gia công kim loại sản xuất thực phẩm.

Tuy nhiên, chương trình bị chỉ trích là công cụ tìm kiếm công nhân nước ngoài cho những công việc nặng nhọc, lương thấp mà người Nhật Bản không muốn làm. Ngoài ra, chương trình cũng bị nhiều tai tiếng liên quan đến tình trạng ngược đãi thực tập sinh. Chẳng hạn, có những thông tin cho hay các nữ thực tập sinh đang mang thai vẫn bị ép tiếp tục làm việc. Hoặc nhiều trường hợp thực tập sinh chạy trốn khỏi công ty để thoát khỏi các điều kiện làm việc khắc nghiệt. Báo cáo nạn buôn bán người của chính phủ Mỹ chỉ trích chương trình TITP đã dẫn đến các vụ cưỡng ép lao động, bao gồm một số trường hợp người lao động nước ngoài phải làm việc cực khổ ở Nhật Bản để trả những khoản nợ lớn cho các nhà môi giới lao động ở quê nhà.

Cơ quan Dịch vụ nhập cư Nhật Bản cho biết tính đến cuối tháng 6 năm ngoái, số lượng thực tập sinh kỹ thuật ở nước này là khoảng 330.000 người. Hơn 50% trong số họ là người Việt Nam, theo đài truyền hình NHK.

Thực tập sinh kỹ thuật đang có nhu cầu cao ở khu vực nông thôn và tại các công ty vừa và nhỏ, nơi thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhiều thực tập sinh kỹ thuật cáo buộc họ bị ép làm nhiều giờ với mức lương thấp hơn so với quy định hoặc bị bạo hành tại nơi làm việc.

Ngoài ra, hơn 50% thực tập sinh đã phải vay tiền để trả cho các cơ quan tuyển dụng và môi giới ở quê nhà trước khi sang Nhật Bản.

Về nguyên tắc, thực tập sinh kỹ thuật không được phép chuyển công việc hoặc chuyển sang công ty khác. Tuy nhiên, trong năm 2021, có 7.000 thực tập sinh đã rời khỏi nơi làm việc của họ.

Tháng 11 năm ngoái, một ban chuyên gia cố vấn của chính phủ Nhật Bản được thành lập để xem xét lại TITP.  Ban này, có 15 thành viên gồm các học giả và người đứng đầu các chính quyền thành phố, đã tổ chức 4 cuộc thảo luận kể từ tháng 12.

Một số thành viên của ban chuyên gia muốn tiếp tục chương trình TITP vì cho rằng đào tạo thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài là đóng góp quốc tế quan trọng của Nhật Bản.

Nhưng nhiều thành viên khác kêu gọi cải cách hoặc bãi bỏ chương trình. Họ cho biết có khoảng cách rõ ràng giữa mục đích và tình trạng thực tế của chương trình có thể dẫn đến các vi phạm nhân quyền. Họ nhấn mạnh tốt nhất là nên bỏ chương trình và thiết lập một hệ thống tuyển dụng lao động nhập cư mới nhằm đảm bảo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp trong nước, chứ không chỉ hỗ trợ các nước đang phát triển đào tạo nhân lực.

Hệ thống mới cần phải khẳng định rõ mục đích “bảo đảm lẫn phát triển nguồn nhân lực”, theo báo cáo dự thảo của ban chuyên gia cố vấn công bố hôm 10-4.

“Việc tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài để làm công nhân, trong khi nói rằng chương trình chỉ theo đuổi mục tiêu phát triển nguồn nhân lực là điều không nên”, báo cáo cho hay.

Ở một quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng dân số già và thiếu lao động trầm trọng như Nhật Bản, việc ra mắt hệ thống tuyển dụng lao động nước ngoài có thể đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cách nhìn nhận nguồn nhân lực nước ngoài. Nhật Bản có thể thiếu hơn 11 triệu lao động vào năm 2040, theo Viện nghiên cứu Recruit Works. Nhật Bản cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh thu hút lao động nhập cư ngày càng gay gắt từ các nước phát triển có dân số già khác.

Báo cáo dự thảo của ban chuyên gia cố vấn cũng kêu gọi tạo điều kiện thuận lợi, cho phép thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài dễ dàng chuyển nơi làm việc sang các công ty có cùng loại hình kinh doanh.

Báo cáo ghi nhận nhiều tổ chức giám sát lao động ở Nhật Bản đã không ngăn chặn được vấn đề lạm dụng thực tập sinh kỹ thuật. Vì vậy, các chuyên giao kêu gọi xóa bỏ hoặc chỉnh đốn các tổ chức này.

Theo Kyodo News, NHK, Bloomberg

Lê Linh

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Canada giảm nhập cư vì kinh tế gặp khó

0
(SGTT) - Nhiều sinh viên quốc tế chọn Canada làm điểm đến vì nước này có chính sách nhập cư tương đối dễ thở;...

Người lao động từ chức có đồng nghĩa với xin nghỉ...

0
(SGTT) - Tranh chấp lao động giữa doanh nghiệp với người lao động giữ các chức vụ quản lý trong doanh nghiệp thường rất...

Hàng ngàn đoàn viên, người lao động tham gia Hội diễn...

0
(SGTT) - Ngày 21 đến 24-8, tại Nhà hát Thanh niên TPHCM, Công đoàn Viên chức TPHCM phối hợp Sở Văn hóa và Thể...

Giao lưu trà đạo Nhật Bản và trà thức Việt Nam

0
(SGTT) - Ngày 6-7, chương trình “Giao lưu trà đạo Nhật Bản – trà thức Việt Nam” nằm trong khuôn khổ Lễ hội Việt...

Adecco: Ngày càng nhiều chuyên gia quốc tế tìm cơ hội...

0
(SGTT) - Thị trường Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho lao động quốc tế, với ngày càng nhiều chuyên gia...

Nghiên cứu quy định giảm giờ làm việc xuống dưới 48...

0
(SGTT) - Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động đề nghị Chính phủ giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp...

Kết nối