Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Nhân lực ngành du lịch – khách sạn: Bắt tay nhau cùng đi

“Sức khoẻ” ngành du lịch đang dần phục hồi, nhu cầu nghỉ dưỡng của khách hàng ngày càng tăng. Tuy nhiên, nguồn nhân lực hiện tại có đang đáp ứng được hay không là câu hỏi cần lời giải đáp xác đáng.
Nhân viên của một resort tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam thị phạm về phương pháp chăm sóc sức khỏe cho khách lưu trú. Ảnh: Nhân Tâm

Khi dịch bùng phát và kéo dài trong khoản thời gian 2 năm, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành hoặc lưu trú trên địa bàn Quảng Nam đa số đều tạm dừng hoạt động. Một số doanh nghiệp khác hoạt động cầm chừng nhằm duy trì hệ thống cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên với nguồn khách lưu trú hầu như không có thì việc trả lương cho nhân viên thật sự khó khăn cho các chủ đầu tư. Giải pháp mà các doanh nghiệp đưa ra lúc đó là cắt giảm gần 70-80% nhân sự, chỉ giữ lại những nhân sự chủ chốt.

Bài toán về nhân sự ngành du lịch

Đặt trong bối cảnh hiện nay, khi lượng khách nội địa và khách quốc tế du lịch tại Hội An, Quảng Nam bắt đầu tăng cao, nhiều nhà hàng, khách sạn đã hoạt động trở lại. Thế nhưng, các doanh nghiệp du lịch ở Quảng Nam phải đối mặt với vấn đề khác của nguồn nhân lực. Đó là thiếu hụt nhân lực, không đủ để đáp ứng nhu cầu hoạt động.

Sau dịch, đa số nhân sự đã rời khỏi ngành hoặc tạm thời chuyển đổi qua ngành nghề khác nhằm duy trì kinh tế bản thân, với những nhân sự còn gắn bó với nghề thì kỹ năng nghề nghiệp không còn như xưa.

Là người gắn bó với ngành du lịch tỉnh Quảng Nam trong nhiều năm, ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, cho rằng: “Hiện nay ngành du lịch thiếu hụt nhân sự hầu hết các bộ phận, đặc biệt là nhân sự cấp thấp, thật sự khó”.

Anh Sang Chu, Giám đốc đào tạo và phát triển của Four Seasons Resort The Nam Hai, Hoi An, chia sẻ một thông kê đáng chú ý, trước dịch Quảng Nam có khoảng 18.000 lao động. Tuy nhiên, sau dịch chỉ còn 6.000 lao động gắn bó với nghề. Vì vậy, hiện tại nguồn nhân lực tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng đang thiếu hụt kể cả cấp thấp đến cấp cao. Tuy nhiên nguồn nhân lực cấp thấp lại gặp khó khăn hơn.

Về vấn đề này, bà Huỳnh Thị Minh – Chủ nhiệm CLB Nhân sự du lịch Quảng Nam (Hiệp hội Du lịch Quảng Nam) – thì cho rằng, tình hình phục hồi thị trường khách du lịch trong những tháng đầu năm 2023 ở Hội An vượt ngoài mong đợi của nhiều doanh nghiệp. Từ đó dẫn đến nhân lực thiếu hụt bởi các đơn vị chỉ mới vận hành trở lại khoảng 60 – 70% lượng nhân sự so với trước Covid-19. Doanh nghiệp du lịch địa phương đang có nhu cầu tuyển dụng hàng trăm vị trí ở đủ các bộ phận, trong đó nhân sự quản lý cấp cao càng khan hiếm. Hiện nhiều doanh nghiệp, khách sạn đang bỏ trống hoặc phải kiêm nhiệm.

Thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú phải tuyển dụng nhân sự mới hoàn toàn, họ phải đào tạo lại nguồn nhân sự mới này. Điều này gây nhiều trở ngại cho các chủ đầu tư về mặt thời gian cũng như chi phí đào tạo. Vậy thì chất lượng nhân sự ngành du lịch hiện tại như thế nào?

Ông Thanh cho biết thêm để đánh giá chất lượng nhân sự du lịch hiện tại ở Quảng Nam rất khó, nhìn chung có thể chia thành hai nhóm. Nhóm nhỏ có trình độ chuyên môn cực kỳ tốt, được đúc kết từ những thay đổi trong suốt mùa dịch, có cái nhìn chuyên sâu. Nhóm đa số thì nhân sự đã bỏ nghề nhiều năm sau đó quay lại, đương nhiên kỹ năng sẽ không được như trước. Tuy nhiên họ nghĩ rằng mình vẫn đang ở vị trí như xưa, họ đàm phán một mức lương cao hơn trước dịch, điều này cũng gây khó khăn cho một số doanh nghiệp.

Trong khi đó, theo bà Minh để có nguồn nhân sự chất lượng trong ngành du lịch cần tiến trình đào tạo từ cơ sở giáo dục và thời gian thích ứng thực tiễn. Ngoài việc từng khách sạn tiếp nhận và có quy trình đào tạo riêng, CLB Nhân sự du lịch Quảng Nam hiện cũng có kế hoạch về việc kết nối, tập hợp đào tạo, nâng cao chất lượng chung trong mạng lưới doanh nghiệp du lịch. Chẳng hạn tùy theo tháng sẽ có khóa tập huấn, đào tạo về từng bộ phận riêng và các khách sạn có nhu cầu sẽ gửi nhân sự của mình đi đào tạo.

 

Khách du lịch đã quay trở lại Quảng Nam. Bài toán đặt ra lúc này cho ngành du lịch tỉnh miền Trung này là làm sao đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ về chất và lượng. Ảnh: Nhân Tâm

Nhìn chung, bài toán nhân sự ngành du lịch mà các doanh nghiệp ở Quang Nam đang gặp phải đó là sự thiếu hụt số lượng lớn nguồn nhân sự cấp thấp cũng như phải đào tạo lại từ đầu cho nguồn nhân lực này. Nếu như nhân sự cấp thấp thiếu về lượng thì nhân sự cấp cao thiếu về chất. Có thể nói, với mục tiêu phát triển du lịch xanh, yêu cầu về nâng cao chất lượng lao động ngành du lịch Quảng Nam hậu Covid-19 là thật sự cần thiết.

Hướng đi của các doanh nghiệp

Để ứng phó với vấn đề thiếu hụt nhân sự trên, anh Sang Chu chia sẻ khu nghỉ dưỡng của mình có chương trình tập huấn cho đội ngũ nhân viên “Đào tạo kỹ năng – Phát triển kỹ năng – Nâng cao kỹ năng” triển khai trong nội bộ.

Cụ thể, chương trình huấn luyện sẽ chia thành ba hạng mục. Thứ nhất là đào tạo kỹ năng. Khoá huấn luyện bậc 1 này kéo dài trong vòng 1 tháng, giúp nhân viên trau dồi kiến thức và kỹ năng cho vị trí công việc hiện tại. Từ đó tăng hiệu suất công việc của nhân viên. Thứ hai là phát triển kỹ năng, giúp nhân viên phát triển thêm kiến thức, kỹ năng ở vị trí công việc khác trong cùng bộ phận. Nhờ vậy, bản thân nhân viên đó sẽ đa chức năng hơn trong công việc của mình, hỗ trợ bộ phận mình tốt hơn. Khoá huấn luyện này sẽ kéo dài trong vòng 3 tháng. Cuối cùng, “Nâng cao kỹ năng” là hạng mục nâng cao, giúp các ứng viên phát triển bản thân cho vị trí tại một bộ phận khác và sẽ được đào tạo trong vòng 4 tháng. Đây cũng là nguồn nhân lực dự phòng cho các bộ phận khác khi cần.

Anh Sang Chu cho biết thêm khung chương trình sẽ được phân bổ thời gian thành 40-60. Trong đó 40% thời gian nhân viên vẫn làm ở vị trí công việc hiện tại, 60% thời gian nhân viên sẽ được huấn luyện ở một vị trí công việc khác hoặc ở tại một bộ phận khác. Việc phân bổ thời gian như vậy giúp nhân viên không bị quên các kỹ năng cũ khi làm ở vị trí mới, và sẽ có nhiều thời gian để thích ứng với công việc mới, bộ phận mới. Chương trình đào tạo này giúp Four Seasons linh hoạt hơn trong việc điều động nhân sự, vì sẽ có thời điểm bộ phận này có khối lượng công việc ít, nhưng bộ phận khác khối lượng công việc quá tải cần sự hỗ trợ.

Chị Trần Thị Cảnh, Quản lý tại Four Seasons The Nam Hải, cho hay khi mình tạo cơ hội cho các bạn được học tập và phát triển các kỹ năng, bản thân các bạn được lợi đó là nâng cao trình độ chuyên môn, đa nhiệm hơn, mà bản thân doanh nghiệp cũng được lợi từ khoá đào tạo này, tận dụng được nguồn nhân lực sẵn có, chuyên nghiệp hơn trong quản lý nhân sự.

Để đối phó với khó khăn về vấn đề nhân sự cấp thấp, khu nghỉ dưỡng đưa ra được giải pháp giúp họ linh động hơn trong khâu điều phối nhân sự, khoả lấp đi mặt hạn chế về số lượng.

Vậy khó khăn về nhân sự cấp cao được các nhà tuyển dụng giải quyết như thế nào? Đối với vấn đề này, chị Mai Bé, phụ trách nhân sự của VinWonders Nam Hội An, chia sẻ: “Đối với nhân sự cấp cao, từ vị trí tổ trưởng trở lên, chúng tôi hầu như phát triển nguồn nội bộ, ít tuyển dụng bên ngoài. Do đó, chúng tôi đưa ra chính sách phát triển cán bộ nguồn. Nếu các bạn nhân viên cảm thấy bản thân có kiến thức, kỹ năng chuyên môn đáp ứng được cho vị trí cán bộ cấp cao, họ sẽ đăng ký vào danh sách phát triển cán bộ nguồn. Trong thời gian này, ứng viên sẽ phải đạt được kỹ năng gì, đầu việc gì khi nhận công việc mới không chỉ ở Hội An, mà bất cứ cơ sở nào của Vingroup. Các bạn đều được tạo cơ hội để phát triển cấp bậc của mình.”

Ngoài ra, câu lạc bộ Nhân sự du lịch Quảng Nam là nơi kết nối giữa các nhà tuyển dụng trong ngành du lịch, là nơi họ có thể chia sẻ và giúp đỡ nhau liên quan đến vấn đề nhân sự. Tại một buổi nói chuyện gần đây của câu lạc bộ, chị Bích Vân, đại diện Anantara Hoi An Resort, chia sẻ khu nghỉ dưỡng khuyến khích các bạn phát triển tài năng để không chỉ phục vụ ơi này mà còn có cơ hội làm việc ở các khách sạn khác. Điều quan trọng là các ứng viên, nhân viên phải bộc lộ hết năng lực của mình để các trưởng bộ phận nhìn nhận được điểm mạnh và điểm yếu của các bạn.

Các thành viên CLB Nhân sự Du lịch Quảng Nam hằng quí ngồi lại với nhau để tìm cách hỗ trợ nhau cùng phát triển nguồn nhân lực. Ảnh: Quỳnh Như

Cụ thể, Anantara giúp các bạn phát triển các điểm mạnh của mình. Với các bạn có mong muốn phát triển ngoài khuôn khổ của khách sạn thì Anantara Hội An vẫn có chính sách giúp các bạn ứng viên và các nhà tuyển dụng của nhiều khách sạn khác kết nối với nhau. Tạo cơ hội mở cho các bên.

Có thể nói, ngành du lịch đang dần lấy lại được đà phát triển, cho nên việc thiếu hụt nhân sự hiện nay khiến các chủ đầu tư mảng du lịch, dịch vụ gặp nhiều trở ngại trong khâu đảm bảo chất lượng phục vụ tốt cho khách hàng. Các doanh nghiệp đang cố gắng tìm ra các hướng đi phù hợp hơn cho bản thân nhằm khắc phục về bài toán nhân sự.

Quỳnh Như

Theo KTSGO

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Liên ngành hàng không – du lịch cần ‘phối hợp ăn...

0
(SGTT) - Hai ngành du lịch, hàng không vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển, nhưng muốn phát triển hiệu quả thì...

Kinh doanh lưu trú qua ứng dụng tìm cách thích nghi...

0
(SGTT) -  Bước vào mùa hè 2024, giá vé máy bay nội địa ghi nhận vẫn còn mức cao ảnh hưởng nhiều đến kế...

Lễ 30-4, cơ sở lưu trú chờ khách ‘chốt’ phòng giờ...

0
(SGTT ) – Mặc dù kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 sắp tới kéo dài đến 5 ngày, nhưng nhiều cơ sở lưu trú...

Đến TTC Van Phong Bay Resort nghe chia sẻ kinh nghiệm...

0
Cuộc đời của mỗi doanh nhân được ví như “cuốn sách sống” truyền cảm hứng cho thế hệ kế tiếp. Những kinh nghiệm thực...

Du lịch toàn cầu có thể phục hồi hoàn toàn vào...

0
Theo dự đoán của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism), du lịch toàn cầu có thể sẽ phục hồi hoàn toàn...

Top 10 điểm du lịch có giá phòng thấp dịp cuối...

0
(SGTT) - Theo nền tảng đặt phòng khách sạn Agoda, trong khoảng thời gian từ ngày 22 đến 31-12, thành phố Đà Lạt của...

Kết nối