(SGTTO) - Nhằm ghi nhận những sáng kiến, đóng góp cho công tác bảo tồn các loài hoang dã giai đoạn 2010-2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường giới thiệu chương trình vinh danh tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác này.
- Thể hiện tình yêu môi trường với dự án cho mượn ly làm từ bột sắn
- Những sáng kiến kết hợp du lịch và bảo vệ môi trường trên thế giới
Theo TTXVN, chương trình vinh danh tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn các loài hoang dã nhằm khích lệ tinh thần đóng góp, nghiên cứu đa dạng sinh học cũng như đánh thức niềm tự hào về đa dạng sinh học Việt Nam trong cộng đồng, tiến tới đưa bảo tồn đa dạng sinh học thành nhiệm vụ toàn xã hội.
Chương trình hướng đến mọi cá nhân, tổ chức đang hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam. Thời gian nhận hồ sơ tham dự đến hết ngày 31-12-2020. Trong đó, 5 cá nhân và 10 tổ chức có thành tích xuất sắc nhất cho công tác bảo tồn loài hoang dã sẽ được lựa chọn để vinh danh. Dự kiến, lễ vinh danh sẽ được tổ chức trong quý 2 năm 2021, nhân dịp kỷ niệm Ngày quốc tế về đa dạng sinh học.
Việc vinh danh này xuất phát từ mục tiêu chung về đa dạng sinh học theo kế hoạch chiến lược về đa dạng sinh học giai đoạn 2011-2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, Việt Nam đã nỗ lực nhằm đạt được các mục tiêu về bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, loài sinh vật và các nguồn gen phong phú, đặc hữu, quý hiếm. Đến nay, diện tích rừng ở Việt Nam đạt trên 13,8 triệu ha, tỷ lệ che phủ là 41,89%.
Theo thống kê, cả nước hiện có 173 khu bảo tồn với tổng diện tích hơn 2,5 triệu ha gồm 33 vườn quốc gia, 66 khu dự trữ thiên nhiên, 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh và 56 khu bảo vệ cảnh quan. Nhiều khu bảo tồn thiên nhiên và khu vực đã được công nhận các danh hiệu quốc tế như 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 3 khu di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, 9 khu Ramsar (đất ngập nước), 10 khu vườn di sản ASEAN.
Theo báo cáo quốc gia về đa dạng sinh học lần thứ 6, hiện có khoảng 51.400 loài sinh vật đã được xác định, bao gồm khoảng 7.500 chủng vi sinh vật, khoảng 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước, khoảng loài 10.900 động vật trên cạn, khoảng 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt, hơn 11.000 loài sinh vật biển khác. Hàng năm, các loài mới tiếp tục được ghi nhận và công bố. Bên cạnh đó, công tác điều tra, giám sát đa dạng sinh học, cứu hộ, bảo tồn tại chỗ các loài hoang dã đã đóng góp quan trọng cho bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, góp phần giảm nguy cơ tuyệt chủng của các loài nguy cấp.
Việt Nam xếp thứ 16/25 quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới, tuy nhiên đa dạng sinh học đang chịu áp lực ngày càng tăng do các hoạt động của cuộc sống và biến đổi khí hậu. Để bảo tồn hiệu quả cần sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan và cộng đồng. Hơn nữa, năm 2020 Việt Nam là Chủ tịch cộng đồng ASEAN, đo đó việc kết nối giới thiệu những hình ảnh đẹp, những đóng góp của các cá nhân, tập thể mang nội hàm bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn loài hoang dã ở Việt Nam với bạn bè quốc tế, với các nước trong khối ASEAN lại càng có ý nghĩa.
N.K. tổng hợp