MINH ANH -
Nhằm nâng cao các tiện ích cung cấp cho khách hàng, đồng thời cũng hướng tới mục tiêu tăng thị phần bán lẻ, các ngân hàng ngày càng đầu tư nhiều hơn cho các ứng dụng giao dịch, thanh toán trực tuyến.
Tìm lợi thế cạnh tranh
Internet banking cho phép người dùng có thể ngồi ở nhà thanh toán các loại hóa đơn điện, nước, điện thoại, mua sắm qua mạng… Ảnh: Thành Hoa
Chị Nguyễn Ngọc Minh ở quận 9, TPHCM, cho biết hiện tại để thanh toán các loại hóa đơn điện, nước, tiền internet, điện thoại hoặc mua sắm qua mạng hay mua vé máy bay chị đều sử dụng Internet banking (ngân hàng điện tử). “Không phải đến tận nơi cung cấp dịch vụ hoặc qua đại lý như trước, chỉ cần ngồi ở nhà thanh toán trực tuyến vừa tiện lợi lại không tốn phí giao dịch”, chị Minh nói.
Về phía các ngân hàng cho biết, phương thức thanh toán khá đa dạng, trong đó giao dịch và thanh toán trực tuyến ngày càng có nhiều khách hàng sử dụng. Chẳng hạn, với Internet banking, Mobile banking, chỉ cần với một tài khoản ngân hàng khách hàng có thể sử dụng để thanh toán hóa đơn, dịch vụ mà ngân hàng có kết nối, từ thanh toán tiền điện, tiền nước, đến học phí, bảo hiểm hay mua vé máy bay…
Đầu tư vào công nghệ nhất là trên nền tảng ứng dụng ngân hàng điện tử và di động (Mobile banking, Internet banking) trở thành một chiến lược để hiện đại hóa và cũng để tăng lợi thế cạnh tranh giữa các ngân hàng. Mới đây, Eximbank đã ký kết hợp tác với Infoys triển khai giải pháp phần mềm Infosys Finacle core banking để dần thay thế hệ thống core banking (ngân hàng lõi) đang sử dụng hiện nay. Một lãnh đạo Eximbank nói rằng phần mềm này sẽ cung cấp khả năng xử lý giao dịch trực tuyến toàn diện và thời gian thực, rút ngắn tối đa thời gian xử lý cuối ngày, giúp ngân hàng dễ dàng làm chủ quá trình vận hành hệ thống và phát triển sản phẩm dịch vụ…
Tương tự, TPBank cũng vừa hợp nhất Internet banking và Mobile banking thành một phiên bản duy nhất sử dụng HTML5 với đầy đủ tính năng, chạy được trên nhiều nền tảng, trình duyệt, như iOS, Android. Đại diện TPBank phân tích, hiện hầu hết ngân hàng thương mại đều triển khai hệ thống ngân hàng điện tử ở nhiều cấp độ khác nhau, tùy vào đối tượng người dùng nhưng đều chú trọng đầu tư vào công nghệ bảo mật, an toàn dữ liệu, xác thực thông tin để giúp người dùng yên tâm khi thanh toán.
Xu hướng ứng dụng ngân hàng trên di động
Theo ông Huỳnh Song Hào, Giám đốc khối bán lẻ Vietcombank, các dịch vụ điện tử cũng như dịch vụ ngân hàng hiện đại đang trở thành xu hướng chủ đạo. Thống kê đến năm 2015, số lượng người sử dụng Mobile banking đã vượt mốc 1,8 tỉ trên toàn cầu, hơn cả người dùng máy tính để bàn. Đồng thời, 34% các giao dịch bán lẻ trên toàn cầu được thực hiện từ điện thoại di động.
Tại Việt Nam, đến nay có khoảng 45 ngân hàng cung cấp ứng dụng SMS banking, Internet banking và 25 ngân hàng cung cấp ứng dụng Mobile banking. Và cùng với việc người dân sử dụng smartphone ngày càng phổ biến, ông Hào cho rằng việc đầu tư cho công nghệ ngân hàng điện tử, trong đó tập trung cho Mobile banking là cần thiết.
Theo ông Cấn Văn Lực, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, những dịch vụ trên nền tảng Mobile banking do các ngân hàng thương mại trong nước cung cấp hiện khá tương đồng với quốc tế. Riêng về bảo mật, một số lãnh đạo ngân hàng thương mại đều chung nhận định trong n năm tới khả năng xảy ra các lỗ hổng bảo mật ngân hàng có thể tăng 30-40%.
“Mặc dù hệ thống ngân hàng chưa gặp những vấn đề lớn nhưng đã có nhiều sự cố nhỏ nên việc tăng cường phòng vệ, lập tường lửa, hợp tác với đối tác nước ngoài, để có thêm biện pháp an toàn là cần thiết”, ông Lực nhận định.