Linh Nguyễn -
Nhạc kịch, loại hình nghệ thuật đã quá quen thuộc với thế giới nhưng vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam và đang dần khẳng định vị thế của mình khi liên tiếp có nhiều sô diễn nhạc kịch từ trong nước đến nước ngoài.
Những viên gạch đầu tiên
Một số hình ảnh của vở nhạc kịch Thằng gù Nhà thờ Đức Bà của nhóm kịch Magik diễn trong quán cà phê.
Cuối năm ngoái, khán giả yêu nghệ thuật trong nước liên tiếp được thưởng thức những sô diễn nhạc kịch quy mô lớn và được dàn dựng bài bản như vở Đêm hè sau cuối và Góc phố danh vọng, đã mang đến cho khán giả những cung bậc cảm xúc mới và phá kỷ lục phòng vé. Trong khi vở Chuyện tình nàng Giáng Hương là một phiên bản nhạc kịch thuần Việt do một ê kíp người Việt sản xuất và dàn dựng lấy cảm hứng từ câu chuyện Từ Thức gặp tiên, tuy có nhiều ý kiến khen chê khác nhau nhưng vở diễn này cũng đã góp phần vào sự phong phú của nhạc kịch thuần Việt.
Vở Cuộc sống Paris đầy sắc màu nghệ thuật khiến công chúng ngạc nhiên. Đặc biệt vở nhạc kịch The Secret Garden từng khiến nhiều khán giả trên thế giới rung động được nhạc sĩ Thanh Bùi mang về Việt Nam “cháy vé” trong cả năm buổi công diễn, tuy chỉ trình diễn trong khoảng thời gian 90 phút ngắn ngủi nhưng vở diễn đã tái hiện được thế giới nhạc kịch Broadway đầy màu sắc tại sân khấu SOUL Live Project. Đây là vở nhạc kịch cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam diễn hoàn toàn bằng tiếng Anh với sự dẫn dắt của đạo diễn Brian Riedlinger (giám đốc nghệ thuật kiêm ca trưởng của dàn hợp xướng quốc tế ICO), chỉ huy dàn nhạc Ian Alexander và trợ lý đạo diễn Nguyễn Đỗ Anh Tuấn (cựu sinh viên trường Đại học Âm nhạc Berklee danh tiếng Boston, Mỹ).
The Secret Garden đã diễn 700 suất diễn trên sân khấu Broadway (Mỹ) và West End (Anh), chiến thắng ba giải Tony Award (giải thưởng danh giá dành cho nghệ thuật sân khấu) và là một trong những tác phẩm kinh điển được yêu thích trong cộng đồng yêu nghệ thuật sân khấu thế giới.
Việc đưa một tác phẩm nhạc kịch danh tiếng thế giới về Việt Nam là những viên gạch nền móng đầu tiên của Thanh Bùi và các cộng sự nhằm đem đến một sân chơi cho những nghệ sĩ trẻ Việt Nam có cơ hội học hỏi cách làm nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp và một không gian chia sẻ niềm đam mê nghệ thuật chính thống của những khán giả yêu nhạc kịch Broadway.
Cho đến nhạc kịch nơi dân dã
Ngoài những viên gạch lớn cũng có thêm những viên gạch nhỏ góp phần xây dựng thói quen thưởng thức nghệ thuật cộng đồng đối với những tác phẩm kinh điển, đó chính là những nhóm nhạc kịch nhỏ diễn trong không gian quán cà phê, trong đó một nhóm nhạc kịch có tên Magik hiện đang được khán giả yêu thích và ủng hộ. Nhóm Magik gồm các bạn trẻ xuất thân từ những ngành nghề khác nhau như diễn viên, ca sĩ… có chung niềm đam mê nhạc kịch đã tập hợp lại và đem đến luồng gió mới cho khán giả.
Tuy không gian sân khấu chỉ là tầng 2 của một quán cà phê được trang trí lại theo phong cách châu Âu cổ nhưng với vở diễn Thằng gù Nhà thờ Đức Bà và vở Những hồn ma không mời cuối năm ngoái đã mang đến cho khán giả hành trình xuyên thời gian đến với Paris thế kỷ 14, cùng hòa mình vào dòng chảy của hai tác phẩm văn học kinh điển, cùng khóc cùng cười với từng nhân vật. Những vở diễn của nhóm vẫn bám sát tác phẩm gốc nhưng được kể bằng ngôn ngữ Việt theo cách hóm hỉnh mang hơi thở thời đại đồng thời chuyển tải những bi hài kịch của quá khứ lẫn hiện tại.
Bạn Băng Tâm (26 tuổi, quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Là thể loại vốn quen thuộc với không gian trang trọng như nhà hát, việc biểu diễn nhạc kịch tại quán cà phê đã tạo ra sự tương tác, giao thoa thú vị giữa người xem và nghệ sĩ vì diễn viên gần khán giả, không gian nhỏ ấm cúng”. Còn diễn viên của nhóm nhạc kịch Magik là Duy Trần cho biết: “Tuy còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí và không có được nguồn tài trợ nào nhưng với niềm đam mê nhạc kịch, nhóm đã tự đầu tư, thiết kế, may đo trang phục cho các vở diễn. Chúng tôi cùng nhau tự mình dàn dựng tác phẩm nhằm đem lại cho khán giả những vở nhạc kịch thật sự chất lượng và tâm huyết”.
Ngoài ra, nhóm nhạc kịch Buffalo cũng đang dần khẳng định vị thế trên thị trường sân khấu với nhiều vở nhạc kịch như Chicago, Tuyết đỏ, Tấm Cám, nhóm cũng đoạt giải trong gameshow Cười Xuyên Việt – Tiếu lâm hội 2016 với những vở nhạc kịch chính nhóm dàn dựng.
Và hiện nay, nhiều sân khấu kịch có thương hiệu như Thế Giới Trẻ, Idecaf… cũng đang dần bước vào loại hình nhạc kịch.
Đường dài cho nhạc kịch
Nhạc kịch là loại hình tổng hợp nhiều môn nghệ thuật khác nhau như kịch, âm nhạc, vũ đạo… thỏa mãn cả phần nghe và nhìn, phù hợp với thị hiếu của khán giả mọi lứa tuổi. Và cũng chính vì thế nên nhạc kịch có những đòi hỏi khắt khe về sân khấu, âm thanh, ánh sáng mà phần lớn các sân khấu tại Việt Nam chưa đáp ứng được. Diễn viên nhạc kịch phải là những người đa năng và hội tụ nhiều kỹ năng như ca hát, diễn xuất, vũ đạo trong khi Việt Nam vẫn chưa có chuyên ngành đào tạo diễn viên nhạc kịch, mà đa số là những ca sĩ, diễn viên vì đam mê nhạc kịch nên tham gia vào các vở diễn.
Nhạc kịch rất chú trọng phần nhạc thế nhưng chi phí để mời những nhạc sĩ tên tuổi sáng tác vẫn còn quá lớn trong khi việc sáng tác những bản nhạc cho một vở nhạc kịch không hề đơn giản. Ngoài ra còn những khó khăn khác cho nhà đầu tư nhạc kịch như tiền bản quyền cao, chi phí trang thiết bị, nhân lực…
Trong thời gian tới có nhiều vở nhạc kịch Broadway hàng đầu thế giới như Les Miserables, The Lion King, Phantom of the Opera chuẩn quốc tế sẽ được trình diễn tại Việt Nam. Dự án nhạc kịch Majorin, cô bé phép thuật với sự hợp tác của Nhà hát Tuổi Trẻ và Nhà hát kịch Shiki (Nhật Bản) đang trong quá trình luyện tập sẽ ra mắt công chúng vào năm 2018.
Ngoài ra Nhà hát Tuổi trẻ cũng đang ấp ủ thực hiện những dự án nhạc kịch thuần Việt như Dế mèn phiêu lưu ký… Gần nhất trong năm nay là vở Ben Hur – Trái tim rực lửa dựa trên tiểu thuyết A Tale of Chris (William Wyler) quy tụ những tên tuổi lớn trong làng giải trí Việt với kinh phí đầu tư 10 tỉ đồng.