Bình An
Theo lộ trình, ngay năm nay, liên bộ Y tế-Tài chính tiếp tục điều chỉnh viện phí, trong đó cộng thêm yếu tố tiền lương cho nhân viên y tế. Đến năm 2018, viện phí sẽ tính thêm chi phí quản lý và năm 2020 tính theo giá thị trường.
Vì không muốn hai giá
Thông tin trên được ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính – Bộ Y tế, đưa ra tại hội nghị về điều chỉnh giá dịch vụ y tế gắn với lộ trình bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân và nâng cao chất lượng, khám chữa bệnh, do Bộ Y tế tổ chức tại thành phố Vũng Tàu ngày 14-4. Hiện nay giá dịch vụ y tế mới chỉ được tính ba trong bảy yếu tố trực tiếp gồm thuốc, vật tư trực tiếp; điện nước, xử lý chất thải; duy tu bảo dưỡng thiết bị. Ông Liên cho biết, bộ đang điều chỉnh giá dịch vụ y tế để tiến tới không còn tồn tại hai loại giá trong một bệnh viện như hiện nay.
Theo ông Liên, tại nhiều cơ sở y tế đang tồn tại cả giá dịch vụ công và giá dịch vụ y tế được quy định từ các hoạt động xã hội hóa. Trong đó, giá dịch vụ y tế từ các hoạt động xã hội hóa tính cao hơn do thêm các phần tiền lương, phụ cấp cho nhân viên, tiền khấu hao trang thiết bị y tế… Vì vậy, nếu giá dịch vụ y tế được thực hiện theo cơ chế giá thị trường sẽ tạo sự cạnh tranh, buộc cả bệnh viện công và tư phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
“Với việc tiến tới tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí, sẽ khuyến khích các bệnh viện phải nâng cao chất lượng dịch vụ, tuyển thêm nhân lực chăm sóc, thu hút bệnh nhân tốt hơn. Nếu không có bệnh nhân, Cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ không ký hợp đồng, không có kinh phí, bệnh viện sẽ phải đóng cửa”, ông Liên nói.
[box type="bio"] Nhiều người đặt câu hỏi, với việc tăng viện phí, người bệnh phải trả thêm tiền để trả lương cho nhân viên y tế thì có làm tăng chất lượng điều trị của bệnh viện, nhân viên y tế phục vụ bệnh nhân tốt hơn? Ông Khuê nói rằng, việc tăng viện phí lần này ngành y tế cũng phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng cách giảm tải bệnh viện, cải thiện giao tiếp, ứng xử với người bệnh, nâng cao cơ sở vật chất cho bệnh viện…[/box]
Lý lẽ tăng viện phí
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho rằng lý do của việc điều chỉnh viện phí lần này có tăng thêm cấu phần người bệnh trả lương cho bác sĩ vì ngành y cũng là ngành cung cấp dịch vụ y tế, cũng làm dịch vụ nhưng lại không được lấy lãi, thặng dư. Với giá cấu thành viện phí hiện nay, ngành y tế thu chưa đủ bù chi. “Một sinh viên trường y ra trường phải học thêm 18 tháng nữa mới được khám chữa bệnh, mới có chứng chỉ hành nghề, nhưng lương khởi điểm cũng như các ngành khác. Nhiều lần Bộ Y tế đã báo cáo với Quốc hội, với Chính phủ nên có mức lương khởi điểm xứng với công sức, tiền bạc và thời gian sinh viên bỏ ra”, ông Khuê nói.
Ông Khuê cũng cho rằng, hiện nay giá viện phí thu ở bệnh viện công và bệnh viện tư đang có một nghịch lý, vì bệnh viện công được tính theo hệ công chức, viên chức, còn bệnh viện tư hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nên thu giá cao và không có bệnh nhân. Như Bệnh viện Đa khoa Vinmec (Hà Nội) cả ngày chỉ khám được 20 bệnh nhân vì người bệnh sợ “bệnh viện 5 sao” vào khám sẽ rất tốn tiền. Do đó, bệnh viện này đã phải thay đổi, không còn quảng cáo bệnh viện quốc tế nữa thì bệnh nhân đến khám nhiều hơn. Nay bệnh viện đã có 150 giường bệnh duy trì đều đặn.
Theo ghi nhận của Sài Gòn Tiếp Thị, tại hội nghị này, nhiều ý kiến cho rằng, viện phí tăng trong thời gian sắp tới sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến những người cận nghèo, thậm chí những người có thu nhập trung bình nếu không mua BHYT; nhất là khi những người này chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo thì sẽ rất khó khăn trong chi trả viện phí, họ có thể bỏ điều trị khi không đủ tiền chữa bệnh.