Bước vào phòng ngủ, anh Tuấn bấm nhẹ vào dòng chữ “nghỉ ngơi”, ngay lập tức đèn trong phòng tắt hết, chuyển sang đèn ngủ, rèm cửa tự động khép lại, tiếng nhạc hòa tấu du dương trỗi lên... Đây là một phần trong kịch bản điều khiển tự động theo lịch trình hàng ngày cho ngôi nhà thông minh.
Giải pháp có giá 100 triệu đồng
Với số tiền đầu tư khoảng 100 triệu đồng, ngôi nhà của bạn sẽ trở nên “thông minh” hơn với các hoạt động tắt-mở đèn chiếu sáng, camera an ninh, máy lạnh, máy tắm nước nóng (loại gián tiếp)… đều có thể điều khiển từ xa hoặc tự động vận hành theo lịch trình.
Hiện tại, giải pháp nhà thông minh thuộc loại đắt tiền chủ yếu dành cho những người có mức thu nhập cao. Các hệ thống nhà thông minh do các công ty nước ngoài cung cấp thường có mức giá từ 5.000 đô la Mỹ trở lên. Các giải pháp này mang tính tổng thể, bao quát các hệ thống chiếu sáng, an ninh, thiết bị điện gia dụng… và đều có kịch bản riêng cho từng ngôi nhà.
Trong khi đó, các giải pháp nhà thông minh do một số công ty trong nước cung cấp tuy có giá thấp hơn nhưng thường không được hỗ trợ đầy đủ. Với số tiền khoảng 20-30 triệu đồng bạn cũng có thể đặt hàng “nhà thông minh” nhưng đó chỉ mới là tự động hóa một số hệ thống chiếu sáng, nhiệt độ, âm thanh đa vùng…
Hiện tại, giải pháp nhà thông minh của Schneider Electric có chi phí đầu tư thấp nhất, vào khoảng 5.000 đô la (hơn 100 triệu đồng) với một số thiết bị cơ bản. Còn mới đây, Công ty Bkav cũng giới thiệu giải pháp nhà thông minh SmartHome với đầy đủ trang thiết bị cần thiết, chi phí thấp nhất cũng vào khoảng 150-200 triệu đồng.
Theo các công ty cung cấp giải pháp nhà thông minh, số lượng thiết bị cảm biến, bộ điều khiển thiết bị điện… sẽ tùy thuộc vào diện tích ngôi nhà và số căn phòng. Thông thường, một phòng chung cư có diện tích 120 m2 sẽ cần gắn 40-50 thiết bị điều khiển.
Cung cấp theo nhu cầu
Bên cạnh các giải pháp lớn, yêu cầu phải trang bị nhiều thiết bị an ninh, cảm biến… cũng có một số giải pháp đơn giản áp dụng cho từng khu vực cụ thể. Ví dụ, chủ nhà chỉ cần trang bị hệ thống thông minh cho phòng khách và phòng ngủ; không cần trang bị cho cả nhà. Hoặc người tiêu dùng cũng có thể trang bị trước cho từng phòng, sau đó kết nối lại thành một hệ thống lớn.
Hiện Công ty Alec tại TPHCM đang cung cấp các hệ thống tự động theo từng giải pháp riêng biệt tùy theo yêu cầu của khách hàng như hệ thống chiếu sáng thông minh, hệ thống kiểm soát cổng ra vào, hệ thống quản lý nhiệt độ trong nhà… Khách hàng cũng có thể yêu cầu trang bị hệ thống tổng thể, bao gồm tất cả các giải pháp kể trên cho ngôi nhà của mình.
Đặc biệt, các hệ thống nhà thông minh đều hỗ trợ tốt việc kết nối với bất kỳ thiết bị điện tử gia dụng nào. Chủ nhà hầu như không cần thay thế các thiết bị điện khi trang bị hệ thống này.
Như hệ thống SmartHome của Bkav có thể điều khiển các thiết bị điện tử như ti vi, máy lạnh, dàn âm thanh... theo phương thức “học lại” cách điều khiển từ xa, sau đó dùng dữ liệu này để điều khiển thiết bị điện tử. Điều này cũng giống như việc sử dụng bộ điều khiển (remote) đa năng để “sao chép” các lệnh điều khiển từ xa trên remote của ti vi.
Có một số người tiêu dùng lại thích kết hợp nhiều hệ thống điều khiển thông minh trong nhà với nhau. Họ có thể vừa dùng giải pháp điều khiển hệ thống máy lạnh từ xa của hãng này, vừa sử dụng hệ thống camera an ninh giám sát qua mạng do đơn vị khác thực hiện…
Ông Nguyễn Đình Thắng, chủ căn biệt thự thuộc khu nhà ở cao cấp Phú Gia, Phú Mỹ Hưng, quận 7 chia sẻ kinh nghiệm kết hợp sử dụng nhiều hệ thống thông minh: “Thông qua mạng không dây Wi-Fi kết nối với hệ thống camera an ninh trong nhà, tôi có thể quan sát các khu vực phòng ngủ, phòng ăn, phòng khách… Đồng thời, cũng có thể điều khiển từ xa qua Internet để quản lý hệ thống máy lạnh, có thể bật-tắt máy lạnh ở nhà ngay cả khi đang trên đường đi công tác, tắt hệ thống đèn chiếu sáng từ xa…”.
Điều khiển qua iPad
Thông qua các ứng dụng di động, chủ nhà có thể điều khiển tất cả các thiết bị điện trong nhà bằng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng.
Nhạc sĩ Huy Tuấn hàng ngày quan sát, ra lệnh cho các thiết bị trong ngôi nhà thông minh của mình hoạt động bằng chiếc iPad quen thuộc. Chủ nhân của ngôi nhà thông minh ở khu căn hộ Phú Hoàng Anh, Nhà Bè nói về trải nghiệm hệ thống nhà thông minh SmartHome của Bkav: “SmartHome giúp gia đình tôi có thêm sự thoải mái trong sinh hoạt hàng ngày. Khi đi xa, tôi vẫn có thể quan sát ngôi nhà của mình qua mạng. Thú vị nhất là phần điều khiển thiết bị gia dụng từ xa trước khi về nhà. Ví dụ như có thể bật sẵn bình nước nóng khi chuẩn bị về đến nhà, không phải chờ đợi nước nóng như trước đây”.
Ông Vũ Thanh Thắng, Phó tổng giám đốc phụ trách dự án SmartHome của Bkav, cho biết hệ thống nhà thông minh SmartHome hỗ trợ ứng dụng di động cài đặt trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng của ba hệ điều hành Windows, iOS và Android, có thể sử dụng mạng không dây Wi-Fi trong nhà hoặc mạng di động 3G khi ở bên ngoài để kết nối-điều khiển các thiết bị trong nhà. Ngoài ra, chủ nhà cũng có thể sử dụng nhiều máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh để cùng điều khiển hệ thống.
Nhà thông minh, tuy nghe “to lớn” là thế nhưng trên thực tế vẫn có một số căn nhà chỉ cần bổ sung, lắp đặt thêm một số tính năng tự động hóa hoặc điều khiển từ xa qua mạng là có thể trở thành một ngôi nhà thông minh.
[box type="bio"] Bao nhiêu tiền cho nhà thông minh?
Phòng kinh doanh SmartHome thuộc Công ty Bkav cho biết gói giải pháp SmartHome cho nhà chung cư 120 m2 có chi phí khoảng 200-400 triệu đồng (tùy số lượng thiết bị). Đối với dạng nhà liền kề (nhiều phòng/lầu) sẽ có mức giá vào khoảng 400-600 triệu đồng. Còn gói đặc biệt dành cho các ngôi biệt thự cao cấp sẽ từ 600 triệu đồng đến 1 tỉ đồng.
Còn một số công ty như Alec, HomeTrend, An Gia Thịnh… đang cung cấp giải pháp tự động hóa-nhà thông minh với nhiều mức giá khác nhau: 35-40 triệu đồng đến 100 triệu đồng cho các dạng nhà chung cư, nhà phố có lầu… với diện tích 75-100 m2. Đối với dạng nhà biệt thự, giá thực hiện nhà thông minh sẽ dao động tùy theo diện tích, yêu cầu của chủ nhà về khu vực phòng ốc áp dụng chế độ thông minh…[/box]
Chí Thịnh