Với những người Việt xa quê, việc trở về với gia đình những ngày cuối năm, cùng nhau sum họp và chuẩn bị cho một mùa Tết rộn ràng có lẽ là điều được mong chờ nhất. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được may mắn ấy. Khoảng cách địa lý, điều kiện kinh tế, công việc và học tập còn dang dở và nhiều mối lo khác khiến họ đành bỏ lỡ “chuyến bay quê” mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Vì vậy, đối với người Việt xa xứ, Tết Nguyên đán cũng là thời khắc họ cảm thấy nhớ nhà da diết, mong mỏi những ngày tháng sum họp bên gia đình và bạn bè.
- Tết với người lao động xa quê, mong bữa cơm đoàn viên
- Ghé thăm làng gốm Lái Thiêu ra lò mèo vàng đón Tết con mèo
Nhớ thương hương vị Tết quê nhà
Dù đã 10 năm chưa về Việt Nam đón Tết nhưng anh Tạ Thanh Sơn đang sống và làm việc tại Hamburg, Cộng hoà liên bang Đức, vẫn không tránh khỏi cảm giác chạnh lòng bởi Tết cổ truyền là thời gian đoàn viên. Do đó, đối với những người con xa quê như anh Sơn không thể tránh được cảm giác tủi thân và nhớ hương vị Tết quê nhà.
Tuy không thể cùng ba mẹ đón dịp lễ quan trọng nhất trong năm, nhưng gia đình nhỏ của anh Sơn vẫn cố gắng chuẩn bị mâm cơm tất niên tươm tất nhất có thể, mang đậm hương vị của mâm cơm Tết Việt với những món ăn như bánh chưng, xôi gà, thịt heo luộc, giò, chả nem…
“Dù ở phương xa đón Tết có đầy đủ, tươm tất như thế nào thì vẫn thiếu một điều quan trọng nhất của Tết Việt là được ở cùng ba mẹ và những người thân khác trong gia đình”, anh Sơn trải lòng.
Dù thường xuyên liên lạc với gia đình, nhưng anh Sơn cho biết cảm giác gọi điện chúc Tết vào đúng giao thừa luôn mang lại ý nghĩa đặc biệt. Thời gian ở Đức chậm hơn Việt Nam 6 tiếng và đôi khi bận đi làm, nhưng anhvẫn cố gắng tranh thủ gọi về nhà vào đúng khoảnh khắc bước sang năm mới.
Năm nay, dịp Tết rơi vào ngày cuối tuần nên gia đình của anh Sơn và những người bạn Việt Nam đang sống tại Đức có nhiều thời gian hơn để tụ họp, quây quần cùng nhau bên mâm cỗ truyền thống.
Anh Sơn chia sẻ, vào những năm trước, mọi người ở Đức thường phải đi làm vào dịp Tết âm lịch nên thời gian để chuẩn bị cho dịp lễ này rất ít. Không khí cũng không được vui vẻ trọn vẹn vì mọi người không có thời gian để tới thăm hỏi và chúc Tết.
Sang đến năm nay, mọi người đều có thời gian chuẩn bị nên không khí đón Tết cũng trở nên vui hơn. Qua hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm nay, việc đi lại và cuộc sống đã trở lại bình thường, giúp cho những người Việt xa xứ dễ dàng sum họp bên nhau.
Đón Tết không đâu ấm áp bằng ở nhà
Tròn 4 năm rời Việt Nam ra nước ngoài sinh sống và học tập, bao năm không được đón Tết cùng gia đình nhưng Nguyễn Thị Yến Diệu, du học sinh tại Trường Đại học Sư phạm Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) vẫn nhớ như in không khí đầm ấm của Tết cổ truyền.
Những năm còn ở Việt Nam, việc dọn dẹp nhà cửa ngày cận Tết, phụ mẹ nấu nướng mâm cơm ngày Tết đôi khi như một áp lực. Tuy nhiên, “giờ đây, mình lại thèm cảm giác được phụ giúp gia đình những ngày giáp Tết, cũng như sum vầy bên người thân trong thời khắc Giao thừa”, Diệu tâm sự.
Diệu cho biết, dù tình hình dịch Covid-19 ở Trung Quốc được nới lỏng hơn so với hai năm dịch bệnh, nhưng vì kẹt lịch học tập và việc di chuyển cũng còn khó khăn. Vì vậy, năm nay, cô gái này vẫn chưa thể về quê đón Tết cùng gia đình.
Sống tại tỉnh Hắc Long Giang – nơi có khí hậu lạnh nhất Trung Quốc, đỉnh điểm cao nhất gần lạnh dưới 30 độ – càng khiến những du học sinh như Diệu càng thêm nhớ quê hương.
Dù ở Trung Quốc, Diệu vẫn được xem bắn pháo hoa vào dịp Tết, mang đến không khí vui tươi, nhộn nhịp nhưng đối với cô gái này, không đâu bằng ở nhà bởi chỉ cần ở cạnh những người thân yêu thì ngày thường cũng vui như Tết.
“Không được ăn Tết cùng gia đình, mình cảm thấy buồn và tủi thân. Bởi vào dịp Tết, nhóm bạn bè tụ tập rủ nhau đi ăn uống, đón năm mới; sau đó ai về nhà nấy. Nhiều lúc lướt mạng xã hội thấy người thân, bạn bè ở quê đăng ảnh đi chơi, đi chúc Tết, còn mình ở nơi đất khách cũng chạnh lòng”, Diệu trải lòng.
Để vơi bớt nỗi nhớ nhà, năm nay, Diệu cùng các bạn du học sinh Hàn Quốc, Mông Cổ đã hẹn nhau tụ họp để làm bữa cơm tất niên vào ngày 21-1 (nhằm ngày 30 Tết âm lịch). Mọi người vừa ăn uống vừa kể cho nhau nghe cái Tết truyền thống ở đất nước mình. Sau đó, tiết mục không thể thiếu vào đêm 30 Tết là đón xem Táo quân – chương trình vô cùng ý nghĩa đối với người con đón Tết xa nhà, không được ở bên gia đình.
Nhớ nhà, thèm bánh chưng Tết
Lần đầu tiên xa quê hương, Phạm Thuỵ Ngọc Diệp (22 tuổi) hiện đang là du học sinh Việt tại Anh, chia sẻ khi vừa bước đến vùng trời mới, may mắn cho bản thân là nhận được sự quan tâm và giúp đỡ của bạn bè nên Diệp có thể cân bằng mọi thứ nhanh chóng.
Vào dịp Tết Nguyên đán này, Diệp vẫn có theo lịch học ở trường nên sau giờ học, cô gái này mới có thể gọi điện về cho gia đình để phần nào vơi đi cảm giác cô đơn ở xứ người.
Bên cạnh đó, “vì rất thèm bánh chưng nên tôi sẽ cố gắng mua một số đồ ăn Việt, trong đó có giò, chả nem, bánh chưng… để cùng quây quần cùng với một số người bạn đồng hương, gợi lại hương vị Tết Việt”, Diệp cho biết.
Gác lại những nỗi buồn tủi vào dịp Tết Nguyên đán 2023, Diệp tự an ủi bản thân rằng, học tập nơi xứ người là cơ hội. Đó là những trải nghiệm giúp bạn trẻ trưởng thành và vững vàng hơn trong cuộc sống.
Xa nhà, xa bố mẹ nhưng Diệp đã có thể tự lập, tự lo cho bản thân. Đây là điều giúp bố mẹ của cô gái này phần nào yên tâm và tự hào về người con của mình. Bước sang năm 2023, Diệp hy vọng bản thân sẽ cố gắng hoàn thành chương trình học tập để về nước, đoàn tụ cùng những người thân yêu trong gia đình.
Hình ảnh bài viết: Nhân vật cung cấp
Minh Thảo
Theo Kinh tế Sài Gòn Online