Thứ tư, Tháng mười một 27, 2024

Người Việt đi du lịch ngày càng “chất”

Ngày càng có nhiều người dân Việt Nam đi du lịch nước ngoài, chi tiêu nhiều tiền cho các món ngon và mua sắm tại những điểm đến mới.

Một người Việt du lịch tại Iran. Ảnh: T.Triều

Đi xa hơn, chi tiêu nhiều hơn

Theo mô hình nhu cầu của Maslow, đi du lịch được xếp vào bậc nhu cầu cao nhất - tức muốn có sự nhìn nhận của người khác mình là người thành đạt, hiểu biết rộng thông qua việc thường xuyên đi du lịch, đặc biệt là đi du lịch nước ngoài.

Cách đây khoảng 20 năm, đa số những người Việt Nam đi nước ngoài thuộc giới doanh nhân. Họ chủ yếu đến những vùng đất mới để tìm hiểu thị trường và kết hợp một số ngày rảnh để tham quan, mua sắm.

Cách đi du lịch của người Việt đã thay đổi rất nhiều trong khoảng 10 năm trở lại đây, đặc biệt là du lịch nước ngoài. Sự thay đổi diễn ra từ mục đích đi du lịch, số ngày đi, các điểm đến, độ tuổi, số tiền tiêu xài trong suốt chuyến đi.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cách đây 10 năm, số ngày trung bình đi tour nước ngoài của người Việt Nam chỉ là bốn ngày, và họ chỉ đi du lịch đến những nước gần Việt Nam như Thái Lan, Lào, Campuchia hay Singapore. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên 8,7 ngày trong năm 2017 và người Việt đã có điều kiện đến những nước xa hơn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ hay châu Âu. Điều này là minh chứng cho việc mức sống của người dân đã tăng tương đồng với mong muốn đi du lịch xa hơn và dài ngày hơn.

Cũng theo một nghiên cứu của Visa – công ty chuyên cung cấp giải pháp thanh toán quốc tế, trong giai đoạn 2008-2014, người Việt Nam chi trung bình khoảng 450 đô la Mỹ (hơn 10 triệu đồng) cho chuyến du lịch của mình, nhưng từ năm 2015–2018, con số này đã tăng gần gấp đôi lên 880 đô la Mỹ (hơn 20 triệu đồng). Điều này cũng rất dễ hiểu khi thu nhập tăng lên, người Việt sẽ có điều kiện chi tiêu nhiều hơn trước đây. Theo dự báo, trong vòng hai năm tới, trung bình người Việt sẽ chi tiêu khoảng 1.100 đô la Mỹ (hơn 25 triệu đồng) trong chuyến du lịch của mình.

Người đi du lịch ngày càng trẻ hóa

Mới đây, Mastercard đã có một bản báo cáo về tương lai du lịch nước ngoài tại khu vực châu Á–Thái Bình Dương (2017), theo đó, riêng số lượng du khách Việt đến Nhật Bản trong giai đoạn 2012-2016 là 230.000 lượt. Ước tính đến năm 2021, Việt Nam sẽ có 7,5 triệu người đi du lịch nước ngoài, chiếm 9,5% dân số.

Một cuộc khảo sát do Visa thực hiện trong năm 2018 với hơn 15.000 người tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ về xu hướng du lịch toàn cầu cũng chỉ ra rằng người Việt Nam có xu hướng đi du lịch nước ngoài nhiều hơn trong thời gian tới. Dự báo, mỗi du khách sẽ có 5-7 chuyến đi du lịch nước ngoài trong ba năm tới, cao hơn mức 3,5 chuyến được ghi nhận lại trong ba năm vừa qua.

Trong giai đoạn 2004-2008, hầu như chỉ có những người trong độ tuổi trung niên, có cuộc sống và thu nhập ổn định mới đi du lịch nước ngoài, sau đó là những người trong độ tuổi về hưu. Những người trẻ trong độ tuổi 23-30 đi du lịch rất ít. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi rất nhiều trong thời gian gần đây. Những người trẻ tuổi đã bắt đầu đi du lịch nước ngoài nhiều hơn, họ thường đi theo nhóm bạn thân hoặc đồng nghiệp và hiện nay, nhóm này chiếm khoảng 30% trong tổng số lượng người Việt Nam đi du lịch nước ngoài.

Nếu trước đây phần đông các chuyến du lịch nước ngoài được thực hiện theo các tour thiết kế sẵn, thì giờ đây, người Việt đang có xu hướng đi du lịch tự túc, hay theo hình thức “free and easy” (chỉ nhờ công ty du lịch đặt vé máy bay và khách sạn) và khách chủ động sắp xếp kế hoạch cho riêng mình. Những quốc gia và vùng lãnh thổ được người Việt yêu thích là Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, và châu Âu.

Ngoài những vấn đề trên thì người Việt hiện đi du lịch không còn đơn giản chỉ nhìn ngắm cảnh đẹp mà còn sống cùng người dân, cùng tìm hiểu văn hóa ở những vùng đất khác nhau. Không chỉ vậy, văn hóa đi du lịch của người Việt cũng có những cải thiện khả quan hơn trước đây như tự giác xếp hàng để sử dụng dịch vụ, giao tiếp lịch thiệp và đặc biệt là khả năng ngoại ngữ tốt, có thể giao tiếp với người địa phương mà không cần trợ giúp của hướng dẫn viên du lịch.

Có thể nói rằng, không khó nhận ra số lượng người Việt Nam đi du lịch nước ngoài tăng lên. Đây là xu hướng tất yếu khi chất lượng sống của người dân ngày càng được cải thiện. Khi những nhu cầu cơ bản như ăn-mặc-ở đã được đáp ứng, người dân có mong muốn thỏa mãn những nhu cầu ở bậc cao hơn, trong đó có việc nâng cao đời sống tinh thần thông qua những chuyến đi du lịch.

Đại Lưỡng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Xe Omoda C5 của Trung Quốc có giá từ 589 triệu...

0
(SGTT) - Omoda C5 - crossover cỡ B của Trung Quốc chính thức bán ra 2 phiên bản ở Việt Nam vào ngày 26-11,...

Bộ Giao thông vận tải giải ngân 68% vốn đầu tư...

0
(SGTT) - Theo thông tin từ Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), trong 11 tháng của năm 2024, vốn giải...

Những công thức món ăn từ bông cải có hình xoắn...

0
(SGTT) - Bắt nguồn từ ẩm thực Ý, bông cải (hay còn gọi là súp lơ) Romanesco broccoli có tạo hình đẹp mắt với...

Người bán có thể ủy quyền cho sàn TMĐT lập hóa...

0
(SGTT) - Theo công điện mới nhất của Thủ tướng về quản lý thương mại điện tử (TMĐT), Bộ Tài chính được giao nghiên...

‘Tri thức May và Mặc áo dài Huế’ là Di sản...

0
(SGTT) - Vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Di sản...

TPHCM làm tuyến metro Bến Thành – Tham Lương bằng vốn...

0
(SGTT) - Dự án metro Bến Thành - Tham Lương (metro số 2) sẽ được TPHCM triển khai bằng ngân sách thành phố thay...

Kết nối