Đã có thời chứng chỉ tiếng Anh A, B, C rất phổ biến trong tiêu chí đo lường trình độ ngoại ngữ giao tiếp, thậm chí là tấm bằng không thể thiếu trong hồ sơ xin việc làm. Các trung tâm ngoại ngữ mọc lên khắp nơi để đáp ứng nhu cầu của học sinh, sinh viên và cả người lớn. Song, có vẻ như chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia này đang lép vế dần trước sự xuất hiện của các chứng chỉ quốc tế như TOEIC, TOEFL, IELTS.
Tám năm trước, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) đã ký quyết định số 1421/QĐ-ĐHKT-QLĐT&CTSV về việc quy định chuẩn TOEIC (Test of English for International Communication – tạm dịch: tiếng Anh giao tiếp quốc tế) để đánh giá trình độ tiếng Anh đối với sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy trường này. Theo đó, để được cấp bằng tốt nghiệp, sinh viên phải đạt được điểm TOEIC 450-550, tùy chuyên ngành. Tương tự như UEH, nhiều trường đại học khác trên cả nước cũng lấy chuẩn TOEIC để đánh giá năng lực ngoại ngữ của sinh viên, thay cho các bằng A, B, C trước kia.
Mặt khác, trong bối cảnh Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cùng với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng mạnh thì cũng là lúc ngày càng nhiều khóa đào tạo TOEIC được mở ra. Trong khi đó, tính đến nay, ngày càng ít dần các trung tâm đào tạo và tổ chức thi cấp bằng A, B, C cho các học viên.
Theo ghi nhận của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, những trung tâm tiếng Anh gần gũi với sinh viên như Trung tâm ngoại ngữ Nhà Văn hóa Thanh Niên hoặc Trung tâm SEAMEO... đều không còn tổ chức khóa học luyện thi chứng chỉ A, B, C như trước đây. Bởi hiện nay, hầu hết người học quan tâm đến các chứng chỉ quốc tế như TOEIC, TOEFL, IELTS... để tiện cho việc du học và làm việc sau này.
Trung tâm ngoại ngữ trường Đại học Sư phạm TPHCM là một trong số ít các trung tâm còn luyện và tổ chức thi các chứng chỉ A, B, C. Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Nguyễn Trung Tánh, Giám đốc trung tâm, cho biết hiện nay trung tâm vẫn tổ chức thi các chứng chỉ này. Tuy chưa có con số thống kê chính xác nhưng nhìn chung số thí sinh ngày càng giảm.
Bà Thu Ren, nhân viên tại chi nhánh 1 thuộc Trung tâm ngoại ngữ trường Đại học Sư phạm TPHCM, cho biết nếu như giai đoạn 2008-2009, mỗi đợt thi tại chi nhánh này có đến 1.000 thí sinh tham gia, thì tại kỳ thi tháng 9 vừa qua chỉ có 324 thí sinh dự thi. Trong số đó, người thi lấy chứng chỉ B nhiều nhất với 183 người, chứng chỉ A là 108 người và còn lại là chứng chỉ C. Trong 183 thí sinh thi lấy bằng B thì có đến 30% đến từ các tỉnh xung quanh TPHCM.
Bằng ngoại hay bằng nội?
Không ít người băn khoăn phải chăng chứng chỉ ngoại ngữ trong nước đã hết thời? Song thực tế chưa hẳn như vậy, bởi bằng B tiếng Anh vẫn được ghi nhận tại các cơ quan nhà nước. Gần đây, Sở Nội vụ TPHCM yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ bằng B tiếng Anh khi nộp đơn thi tuyển công chức.
Dưới góc nhìn của các công ty tuyển dụng, bà Nguyễn Thị An Hà, phụ trách truyền thông của Công ty Talentnet, cho biết đối với các công ty nước ngoài, bằng cấp chỉ là yếu tố tham khảo. Qua cuộc phỏng vấn bằng tiếng Anh, nhà tuyển dụng đã đánh giá tương đối chính xác năng lực của ứng viên. Còn các công ty trong nước, khi họ cần nhân sự giỏi tiếng Anh, họ thường có bài kiểm tra riêng để đánh giá năng lực, và các bằng cấp tham khảo phổ biến hiện nay là TOEIC, TOEFL, IELTS.
Nguyễn Ngọc Tân, sinh viên trường Đại học Bách khoa TPHCM, cho biết: “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc thi lấy bằng A, B, C, bởi du học thì người ta yêu cầu IELTS, TOEFL hoặc TOEIC, tùy nước, còn làm việc tại các công ty trong nước thì hiện nay thông dụng là TOEIC. Mặc dù chi phí thi lấy bằng A, B, C rẻ hơn, nhưng tôi không quan tâm vì thi để làm gì khi mình không dùng đến?”.
Lệ phí thi các chứng chỉ tiếng Anh tham khảo tại một số trung tâm ngoại ngữ TPHCM:
Đầu tháng 10, UBND TPHCM đã tiếp nhận phản ánh của một số cá nhân, tổ chức liên quan đến việc Sở Nội vụ TPHCM không nhận hồ sơ thi tuyển công chức đối với các hồ sơ có chứng chỉ ngoại ngữ TOEIC và TOEFL. Ngày 7-10, báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Lê Hoài Trung, Phó giám đốc thường trực Sở Nội vụ TPHCM, giải thích rằng các chứng chỉ ngoại ngữ nói trên là chứng chỉ của nước ngoài, không phù hợp. Ông Trung cho biết thêm, theo quy định thì điều kiện về ngoại ngữ trong hồ sơ thi công chức phải có chứng chỉ B ngoại ngữ.
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, ngày 13-10, ký văn bản gửi Sở Nội vụ về việc chấp thuận cho thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển công chức được nộp một trong các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thay thế chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia đối với tiếng Anh. Cụ thể, chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh trình độ B tương đương TOEFL PBT 400 (thi trên giấy) hoặc 42 iBT trở lên (thi trên máy tính), IELTS 4.5 trở lên, TOEIC 405 trở lên. Tương tự, chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh trình độ A tương đương TOEFL 347 PBT hoặc 19 iBT trở lên, IELTS 2.0 trở lên, TOEIC 255 trở lên.
Với quyết định nêu trên, những người có bằng cấp quốc tế về tiếng Anh dự tuyển công chức sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Ông Nguyễn Duy Tâm, người đang có ý định xin việc ở cơ quan nhà nước, tỏ ra hồ hởi với quyết định trên, cho biết ông không còn phải phân vân khi theo TOEIC, bởi có được tấm bằng này “không xin được vào cơ quan nhà nước thì vẫn còn cơ hội đi xin bên ngoài, chứ nếu lấy bằng B thì có khi lại lỡ cỡ cả hai”, ông Tâm nói.
Đức Tâm