Chủ Nhật, Tháng tư 6, 2025

Người nghe thấy ngôn ngữ của lặng thầm

Cuộc hội ngộ ở một quán bên đường trong chiều mưa lạnh giữa hai con người có chung kỷ niệm ấu thơ ngọt ngào mà Trang Thế Hy viết trong bài thơ Đắng và ngọt (tựa khác: Cuộc đời, Phạm Duy phổ nhạc lấy tên là Quán bên đường) là cuộc hội ngộ của dâu bể và cay đắng. Nhiều truyện ngắn của ông cũng đã được bắt đầu hoặc lấy tứ từ những hội ngộ như vậy...

Trong bài thơ, cô gái nay là người đứng quán, “bẹo hình hài rao lên bán/đang thời đông khách mua”, còn chàng trai thì “theo nghề viết”. Chàng trai chua chát khi cô gái hỏi về “nghệ thuật”:

“Mùi tanh nói mùi thơm

Cây bút cầm tay: cần câu cơm

Đó, em ơi! Nghệ thuật:

Nhắm mắt, quay lưng chào sự thật”

Cái day dứt trước nhân thế của người theo nghiệp viết lách nói riêng, nghệ thuật nói chung cứ trở đi trở lại, dai dẳng trong những trang viết của Trang Thế Hy. Nó không đi đến một tuyên ngôn sứ mệnh gì cao cả hay giáo huấn bất kỳ ai (vì đó đâu phải là việc của văn chương!) nhưng mở ra một cuộc truy vấn thường xuyên về phẩm giá người viết, lý do tồn tại của những thứ mà anh ta tạo tác trong cái thế giới này.

Nhà văn Trang Thế Hy nhận những ấn bản mới tác phẩm của mình do NXB Trẻ ấn hành.
Nhà văn Trang Thế Hy nhận những ấn bản mới tác phẩm của mình do NXB Trẻ ấn hành.

Những nhân vật nghệ sĩ trong truyện Trang Thế Hy sấp ngửa trong cuộc kiếm tìm nghĩa lý của cái nghiệp mình đeo đuổi và ý nghĩa tồn tại của văn chương hay nghệ thuật trước cuộc đời, trước sự khắc khoải của những sinh phận nhỏ bé, những sinh phận bị lãng quên. Các cuộc gặp gỡ thoáng qua trong cõi nhân quần chật chội kia trở thành một cái cớ, hay cái duyên để người viết đặt ra vấn đề hệ trọng về sự thức tỉnh.

Truyện Xứ xa và xứ mơ (tập Mưa đắng), dựng nên một cuộc gặp gỡ qua những lá thư giữa một nhà văn với một độc giả đặc biệt. Trong trường hợp này, độc giả, một thiếu phụ có đời sống hẩm hiu đã “đóng vai” một người đàn bà khác để nói chuyện với ông nhà văn đang có nguy cơ đeo đuổi cái hư văn, đánh mất thực tại.

Truyện Tiếng khóc và tiếng hát (trong tập truyện cùng tên) là cuộc gặp gỡ của một nghệ sĩ viết tuồng với người đàn bà bán thuốc lá. Từ chuyện về cô gái điếm câm khi đi khách chỉ la ớ ớ, không ai biết là khóc hay là hát, họ “luận” về tiếng nói của người nghèo trong xã hội. Trong khi người viết tuồng nghĩ rằng: “Số đông người nghèo khổ biết nói nhiều hơn câm”, thì chị bán thuốc lá lại có cái nhìn thấu đạt nhân tâm: “Nhưng họ (người nghèo) không nói. Tiếng la ớ ớ của một cô gái điếm câm dẫu sao cũng là những âm thanh để cậu nghe mà phân biệt cô khóc hay cô hát. Một người nghèo khổ biết nói mà lặng thinh không nói, đưa cho cậu mảnh giấy ghi câu đố: “Đố ông thầy tuồng biết trong bụng tôi đang khóc hay đang hát?”, đó mới là chuyện hiểm hóc… Cậu em à, hôm nọ em nói rằng nghề viết tuồng của em là một nghề bạc bẽo. Chị biết em không nói thật lòng đâu mà em nói lẫy. Bây giờ, chị nói thật lòng với em đây: nếu như em thật sự yêu nghề… thì em phải lắng nghe cho được ngôn ngữ lặng thầm của những người đau khổ biết nói mà làm thinh không nói”.

Ở truyện ngắn Một nghệ sĩ, cũng tình huống tương tự, từ một nghệ sĩ cải lương một thời “thinh sắc lưỡng toàn” nay ngồi đánh bài tứ sắc trên đường Huyền Trân Công Chúa, Sài Gòn. Người viết day dứt về những cuộc đời tài hoa trôi dạt trong dòng đời cuộn xoáy, vùi dập nhưng họ vẫn giữ một thế giới tự tại dành cho cái đẹp, đó có thể là một cái nhìn phía sau lớp sương mù tịch lặng của cõi nhân sinh: “Ông già lẩm cẩm, đừng đòi hỏi lời thuyết minh thỏa đáng cho tất cả mọi câu đố của cuộc sống, nhứt là những câu đố về cái đẹp. Có những cái đẹp chỉ đẹp khi ta nhìn nó qua lớp sương mù của sự mơ hồ” (tập Tiếng khóc và tiếng hát).

Đại diện NXB Trẻ đã đến tại nhà riêng của nhà văn Trang Thế Hy tại Bến Tre để tổ chức lễ mừng thọ 90 tuổi và ra mắt bốn quyển sách của ông hôm 27-10-2014. Ảnh: Nguyễn Vinh
Đại diện NXB Trẻ đã đến tại nhà riêng của nhà văn Trang Thế Hy tại Bến Tre để tổ chức lễ mừng thọ 90 tuổi và ra mắt bốn quyển sách của ông hôm 27-10-2014. Ảnh: Nguyễn Vinh

Trên bối cảnh những cuộc gặp gỡ bình dị nơi quán nước, vỉa hè đó, lịch sử của những cuộc đời, thân phận, những mối quan hệ vừa bình thường vừa bất thường được lật lại, kể lại theo cách tự nhiên nhất, bụi bặm nhất. Ở đó, ký ức từ chiếc áo lụa giồng làm sống lại nỗi đau mất mát của những chuyến tản cư của dân nghèo trong chiến tranh (Áo lụa giồng), khoảnh khắc đầu năm với người con gái nhặt hoa tàn và cô gái quét rác trở nên xáo xác hắt hiu (Rác và hoa), người nghệ sĩ đờn kìm thích chơi đờn chùng vì nghe ra trong tiếng đờn là thanh âm của một dòng nước đục, anh ta vì thương tiếng đờn đau mà không muốn căng dây (Một nghệ sĩ buồn thích đùa)… Trong những truyện ngắn của Trang Thế Hy, người đọc gặp bức tranh bình dị của đời sống, sự hiền triết phát tiết trong lời ăn tiếng nói dân gian mộc mạc, trong cách suy tư độ lượng về sự đời hay cách thế hành xử thấu nhân tâm của những người vô danh, từng trải. Cũng ở truyện ngắn của ông, ta có một kho tàng những chuyện về người hiền lương, nhân ái để kể cho nhau nghe đặng xoa dịu tâm hồn khi mỏi mệt hay nhọc lòng với đời sống.

Những gặp gỡ được bày lên trên văn bản lắm lúc có giọng hài hước đen, song, vẫn giữ cái lại thênh thang, nhẹ nhõm như một bài thơ cuộc đời. Trang Thế Hy kéo văn chương gần lại với ước vọng giao cảm; đôi khi, ta thấy ông muốn đưa chữ nghĩa của mình trở về với không gian của văn chương kinh điển: văn là đạo, văn dĩ tải đạo.

(Đọc ba tập truyện ngắn: Mưa ấm, Nợ nước mắt, Tiếng khóc và tiếng hát và tập thơ Đắng và ngọt của Trang Thế Hy, do NXB Trẻ ấn hành tháng 10-2014).

[box type="download"] Ngày 27-10, NXB Trẻ đã tổ chức buổi ra mắt bốn cuốn sách của nhà văn Trang Thế Hy tại nhà riêng của ông ở Bến Tre. Bốn cuốn sách (gồm ba tập truyện ngắn: Mưa ấm, Nợ nước mắt, Tiếng khóc và tiếng hát) và một tập thơ song ngữ (Đắng và ngọt) được in trong đợt này kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của nhà văn.

Trang Thế Hy, tên thật: Võ Trọng Cảnh, sinh năm 1924, tại huyện Châu Thành, Bến Tre. Ông tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ tại miền Nam.

Sau tháng 4-1975, ông sống và làm việc tại TPHCM. Năm 1992, ông nghỉ hưu về ẩn cư tại quê nhà Bến Tre.

Một số bút danh khác của Trang Thế Hy: Phạm Võ, Song Điệp, Minh Phẩm…

So với những cây bút Nam bộ cùng thời như Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Quang Sáng…, Trang Thế Hy là người viết ít. Nhà văn này nhớ lại rằng, mình đã viết và công bố 65 truyện ngắn, hai tiểu thuyết và một tập thơ.

Trước đó, tháng 7-2014, cũng tại Bến Tre, NXB Trẻ đã ký hợp đồng độc quyền sử dụng tác quyền trọn đời với toàn bộ danh mục tác phẩm của ông Trang Thế Hy sau gần chục lần thuyết phục. Chỉ vì từ khi về quê sống ẩn dật, ông Trang Thế Hy đã xác định tâm thế “đi chỗ khác chơi” đối với thế giới văn chương chữ nghĩa.[/box]

Nguyễn Vinh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Trong khó khăn, ngành xuất bản đẩy mạnh chuyển đổi số

0
Những khó khăn của nền kinh tế đã ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề và lĩnh vực. Hoạt động xuất bản sách từ đầu...

Nhà thư pháp Nguyễn Hiếu Tín: Người góp phần làm ‘lung...

0
(SGTT) - Năm 2007, mới tròn 27 tuổi, nhà thư pháp Nguyễn Hiếu Tín đã cho ra mắt quyển sách “Thư pháp là gì?”....

‘Vòng quanh thế giới’ qua hai tác phẩm Dấu ấn lữ...

0
(SGTT) - Với hơn 40 năm công tác trong nghề báo, qua tác nghiệp hay đi phượt, nhà báo Lê Tiền Tuyến đã có...

Ra mắt sách Di sản kiến trúc Huế qua nét vẽ

0
(SGTT) - Các bộ hồ sơ bản vẽ của những di sản kiến trúc Huế như Ngọ Môn, Triệu Miếu, Hiển Lâm Các, Tả...

Không gian cũ cho người yêu sách mới

0
DIỄM MI - Ở Sài Gòn, việc tìm kiếm một không gian yên tĩnh để đọc sách đôi khi còn quan trọng hơn nội dung...

Kết nối