Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024

Người lớn không chịu để trẻ con lớn

Bảo Hướng -

Chắc em học sư phạm như chị Hai – ngập ngừng một lát, đứa trẻ ngồi đối diện tôi ngó trước ngó sau thì thầm – mà em cũng thích thương mại nữa.

 

Đứa trẻ ấy là em họ tôi, hiện đang học phổ thông. Sinh ra trong một gia đình tương đối khá giả, lại thêm may mắn trời cho dáng dấp, khuôn mặt dễ nhìn, lanh lẹ, được bạn bè thương mến, nên cuộc sống của em khá yên bình, chỉ biết ăn và học. Mỗi khi tôi có dịp về thăm nhà, em thường lân la hỏi về cuộc sống nơi phố thị, nơi tôi làm việc có người nước ngoài không, công việc có đi đây đi đó không.

 

Hay là mình thử buôn bán gì đó đi, tập cho em giao tiếp với bạn bè, để xem em có phù hợp với thương mại không nhé – cậu bé mở to mắt, háo hức bàn kế hoạch bí mật giữa tôi và em.

 

Vậy là, khi quay lại thành phố làm việc, giữ lời hứa với đứa em họ, tôi gửi một thùng bánh kẹo của Thái Lan, cẩn thận ghi giá lên từng món đồ, không quên lời nhắn kèm theo “cái nào thích cứ để ăn, chỉ là tập thôi nha”.

 

Nhận được bánh kẹo, cậu bé hào hứng gọi cho tôi, líu lo suốt ngày sẽ thế này, sẽ thế kia, còn hỏi tôi “chị đã bao giờ đi dự hội chợ bên Thái Lan chưa?”. Thậm chí, cậu bé rất thích ăn kẹo nhưng kiên quyết dành kẹo để bán, lý sự rằng “Mình gỡ ra ăn một viên thì làm sao bán được nữa chị. Bạn em mua nguyên bịch mà”.

 

Bật cười nhưng tôi cảm thấy an tâm với tinh thần quyết tâm tập tành “buôn bán”, biết suy nghĩ cái này bán nguyên bịch, cái kia chia nhỏ ra để giá hạ xuống cho bạn dễ mua, tôi nghĩ thầm “hay là cậu bé có duyên với thương mại thật”. Vài ngày sau, tôi gọi cho em, vui vẻ hỏi lời lỗ ra sao, có cần tôi gửi thêm bánh kẹo không. Đầu dây bên kia im im rồi giọng nhỏ thật nhỏ khe khẽ: Mẹ mua hết rồi chị  – một khoảng ngập ngừng thinh lặng –  mẹ nói con trai buôn bán kỳ kỳ, nên mẹ mua lại hết rồi để nhà ăn.

 

Vậy, tiền đó em làm gì? – tôi hỏi. Em cũng không biết nữa, em để vậy thôi. Em có muốn tập buôn bán tiếp không? Chị gửi cho em cái khác nhưng đừng bán cho mẹ –  tôi kiên nhẫn đầy chia sẻ. Nhưng câu trả lời là – Mẹ không cho đâu chị.

 

“Mẹ không cho đâu chị” – lời nói trôi tuột xuống, khác hẳn sự hào hứng ban đầu, khác hẳn ánh mắt tò mò về vùng đất bên kia ngoài biên giới. Rồi cũng như bạn bè mình, cậu bé sẽ lại đến trường, đến lớp học thêm, quay vòng thời gian cho đến khi đứng trước cánh cửa trường đại học, bối rối không biết chọn lối đi nào, rồi sẽ tiếp tục những câu muôn thuở của cha mẹ mà ở quê tôi hay nghe thấy, đại loại như “nhìn con người ta nhà nghèo kìa, con nhà mình, cho ăn học không phải làm gì mà...”.

Lỗi tại đứa trẻ hay do người lớn không chịu để bọn trẻ nhỏ lớn lên?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Hiểu hơn phương pháp ‘giải cấu trúc’ thực phẩm

0
(SGTT) - Trong ẩm thực nói chung hay ẩm thực phân tử nói riêng, deconstructed cuisine là khái niệm xuất phát từ phong cách...

Đầu tư thêm 3.760 tỉ đồng cho cao tốc Bảo Lộc...

0
(SGTT) - Hôm nay (21-11), tại Kỳ họp thứ 10 Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng khóa X, các đại biểu đã biểu...

ĐBSCL đối mặt nguy cơ ngập lụt diện rộng do triều...

0
(SGTT) - Theo dự báo của Ủy ban sông Mekong Việt Nam, từ nay đến cuối tháng 11 này, nhiều khu vực tại thành...

Những ‘quy tắc vàng’ giúp tránh bị lừa đảo qua mạng

0
(SGTT) - Hiện nay, tình trạng lừa đảo trên không gian mạng trở nên phổ biến hơn với nhiều thủ đoạn, hành vi xấu. ...

Mới lạ tô súp cua cô Bông tại chợ Thiếc, gần...

0
(SGTT) - Tọa lạc trong khu chợ Thiếc, quận 11, quầy súp cô Bông đến nay đã hơn 20 năm phục vụ thực khách...

Khám phá ba ‘Làng du lịch tốt nhất thế giới’ tại...

0
(SGTT) - Làng rau Trà Quế (Quảng Nam), làng Tân Hóa (Quảng Bình), làng Thái Hải (Thái Nguyên) là ba ngôi làng tại Việt...

Kết nối