Thiệt hại về thu nhập của người lao động và hộ kinh doanh trong đợt giãn cách xã hội vừa qua ước khoảng 15,4% GRDP của TPHCM , lớn hơn nhiều so với các giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội hiện nay của thành phố.
- Lác đác người mua sắm tại các trung tâm thương mại những ngày đầu sau khi nới giãn cách
- Không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa trong giãn cách
Tại tọa đàm “Chính sách lao động – việc làm trong điều kiện bình thường mới” do Đại học UEH tổ chức, nhóm nghiên cứu của trường công bố nghiên cứu mới về ước tính mức độ thiệt hại khi áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội tại TPHCM nói riêng và các tỉnh thành phía Nam nói chung trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư vừa qua.
Ước tính thiệt hại trực tiếp bằng tiền đối với nhóm người lao động (mất việc, giảm việc giảm lương) trong 6 tháng (từ tháng 5, tức thời điểm làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát) là khoảng 174.000 tỉ đồng. Tương tự, số tiền thiệt hại đối với thu nhập hộ kinh doanh (tự trả công lao động và tiền lời) là khoảng 47.000 tỉ đồng.
Như vậy, toàn bộ thiệt hại về tiền lương của người lao động và thu nhập của hộ kinh doanh ước khoảng 220.900 tỉ đồng, tương đương 15,4% GRDP của TPHCM.
“Điều này cho thấy mức độ ảnh hưởng của dịch và biện pháp giãn cách đến an sinh xã hội là rất lớn. Mặc dù con số thiệt hại lớn nhưng hiện nay các chính sách hỗ trợ được đề cập đến là chưa tương xứng”, TS. Phạm Khánh Nam, Phó hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH, đại diện nhóm nghiên cứu đánh giá.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM, cho biết làn sóng dịch Covid-19 đã khiến cho khoảng 545.378 lao động làm việc trong các loại hình doanh nghiệp ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.
Có hơn 1 triệu lao động không có giao kết hợp đồng lao động, lao động gặp khó khăn bị mất việc làm (lao động tự do). Đồng thời, có khoảng 21.335 điểm, sạp của thương nhân tại các chợ truyền thống bị ảnh hưởng, 23.363 hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng.
Trong bối cảnh này, thành phố đã thực hiện nhiều gói an sinh xã hội. Ngoài việc phát hơn 71.100 tấn gạo, TPHCM còn hỗ trợ gần 10.500 tỉ đồng cho khoảng hơn 8,7 triệu người dân, người lao động gặp khó khăn; trong quí 3 vừa qua có 41.739 lao động bị mất việc làm có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, có khoảng 101.706 doanh nghiệp được hỗ trợ với số tiền gần 1.550 tỉ đồng từ các chính sách như giảm mức đóng bảo hiểm, vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ hơn 3.905 tỉ đồng cho hơn 1,6 triệu người tại 45.594 doanh nghiệp.
Liên quan đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu Đại học UEH dẫn lại báo cáo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá hiệu quả các chính sách hỗ trợ là rất hạn chế về khả năng tiếp cận và hiệu quả chính sách.
Theo đó, có ba nhóm chính sách chủ đạo là hỗ trợ về thuế (giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, tiền thuê đất, …), hỗ trợ về vốn và tín dụng (cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ, …) và hỗ trợ về an sinh xã hội (giảm mức đóng góp bảo hiểm tai nạn, quỹ hưu trí, cho doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc…).
Theo đánh giá, tỷ lệ tiếp cận của các doanh nghiệp ở mỗi nhóm chính sách chỉ khoảng 25-35% và chỉ 10% trong số đó đánh giá hiệu quả chính sách ở mức cao.
Hiện các dự báo về thị trường lao động trong ngắn hạn là khá tiêu cực. Dự kiến lực lượng lao động tại TPHCM sẽ bị thu hẹp, kể cả lao động nhập cư và lao động tại địa phương. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của dân số trẻ từ 15-24 tuổi sẽ giảm xuống do tình trạng thất nghiệp gia tăng. Tổng số việc làm, số giờ làm việc trong nền kinh tế và mức lương bình quân của lao động cũng sẽ giảm. Tuy nhiên, khả năng hồi phục việc làm trong các ngành của nền kinh tế là khác nhau, một số ngành sẽ hồi phục nhanh và sớm hơn các ngành khác.
Dũng Nguyễn
Theo KTSG Online