Minh Duy
Ngành du lịch bước vào năm 2015 với những cái nhìn trái chiều về viễn cảnh kinh doanh của mình. Trong khi các tổ chức và doanh nghiệp trên thế giới tỏ ra lạc quan, kỳ vọng tỷ lệ tăng trưởng sẽ tiếp tục tăng thì nhiều doanh nghiệp trong nước lại tỏ ra dè dặt khi dự báo về tình hình kinh doanh trong năm nay.
Thế giới lạc quan
Theo thông tin từ Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), sau khi đạt con số 1,138 tỉ khách trong năm 2014, ngành du lịch thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng 3-4% trong năm nay. Trong đó, khu vực châu Á-Thái Bình Dương và châu Mỹ sẽ là vùng tăng trưởng tốt hơn cả, với tốc độ 4-5%.
Tổ chức này cũng cho biết, những chuyển biến tích cực của thị trường đã có từ năm ngoái, khi nhu cầu du lịch và khả năng chi tiêu của du khách từ những thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc vẫn tăng trưởng. Trong đó, người Trung Quốc thực hiện thêm khoảng 11 triệu chuyến du lịch nước ngoài, tăng lên thành 109 triệu vào năm ngoái.
Tuy không đề cập đến con số chi tiêu của du khách Trung Quốc, nhưng UNWTO cho biết trong ba quí đầu năm 2014, chi tiêu của du khách nước này tăng 17% so với cùng kỳ. Kể từ năm 2012, Trung Quốc trở thành nước có số lượng người đi du lịch nước ngoài nhiều nhất thế giới, và đến năm 2013 du khách nước này đã chi đến 129 tỉ đô la Mỹ. UNWTO cho rằng chi tiêu của Mỹ, thị trường du lịch lớn thứ hai của thế giới, cũng tăng 6% trong năm 2014 và dự báo khả quan cho năm 2015.
Trong thông cáo báo chí về tình hình du lịch thế giới, ông Taleb Rifai, Tổng thư ký UNWTO, cho biết tổ chức này kỳ vọng nhu cầu du lịch tiếp tục tăng trong năm 2015, bởi tình hình kinh tế đang tăng trưởng dù vẫn còn một số thử thách phía trước. Một trong những chuyển biến tích cực cho ngành du lịch là việc giá dầu giảm mạnh nhất kể từ năm 2009, góp phần làm cho giá vận tải giảm và kích thích kinh tế tăng trưởng.
Tương tự, Hội chợ du lịch ITB Berlin vừa diễn ra tại Đức vào đầu tháng 3-2015 cũng đưa ra báo cáo về xu hướng du lịch 2014-2015 do tổ chức IPK International thực hiện. Theo đó, cư dân thế giới ngày càng đi du lịch nhiều hơn trước, bất chấp chiến tranh, khủng bố hay những khó khăn về kinh tế. Dự báo, tổng số chuyến du lịch nước ngoài trong năm nay sẽ tăng khoảng 4-5%.
Một điều khá đặc biệt mà báo cáo này nói đến là châu Âu, thị trường được nhiều doanh nghiệp cho là hết sức khó khăn trong những năm trước, sẽ có chuyển biến tích cực trong năm 2015, với ước tính tổng số chuyến du lịch nước ngoài của khu vực này sẽ tăng trưởng 3%.
Khu vực châu Á cũng không nằm ngoài dự báo tươi sáng đó, nơi những người trong ngành ước tính số chuyến du lịch nước ngoài tăng đến 8%. Tương tự như những năm trước, phần lớn các chuyến đi của người châu Á là đi du lịch trong khu vực và thường đi vào các dịp lễ.
Việt Nam dè dặt
Trước viễn cảnh tươi sáng của du lịch thế giới, nhiều doanh nghiệp trong nước lại cho rằng du lịch Việt Nam chưa thể lạc quan bởi còn rất nhiều khó khăn phía trước. Năm ngoái, cả nước đón khoảng 7,87 triệu lượt khách quốc tế, tuy tăng 4% so với năm 2013 nhưng đây là mức tăng trưởng thấp so với những năm trước và không đạt kỳ vọng ban đầu. Điều đáng quan tâm là tính đến tháng 2-2015, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã giảm chín tháng liên tiếp.
Ông Võ Anh Tài, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, cho rằng thị trường có nhiều diễn biến không tốt cho ngành du lịch. Những biến động từ giá đồng rúp của Nga, đồng euro của khu vực châu Âu vẫn tiếp diễn, và điều này có thể khiến cho giá du lịch đến Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn. Bên cạnh đó, các yếu tố tác động khác như tình hình biển Đông, giá điện, giá nước tăng khiến chi phí cũng tăng theo... “Khó có thể nói tình hình chung của thế giới lạc quan thì du lịch Việt Nam cũng vậy”, ông Tài nhận định.
Trước khả năng tình hình kinh doanh sẽ khó khăn, Saigontourist quyết định duy trì việc tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, cũng như tìm thêm nhiều cơ hội khác nhằm kết nối với các đối tác nước ngoài để chào bán sản phẩm. Cụ thể, trong ba tháng đầu năm, công ty này đã tham gia Hội chợ du lịch quốc tế ITB Berlin 2015, Hội chợ triển lãm ngành công nghiệp du lịch tàu biển Cruise Shipping Miami tại Mỹ, Hội chợ AIME tại Úc, tham dự các sự kiện quảng bá (road show) tại hai thành phố Melbourne và Sydney, tham dự các chương trình gặp gỡ trực tiếp các đối tác lớn tại Pháp...
Không khai thác thị trường đa dạng như Saigontourist, Công ty Du lịch Ánh Dương tập trung nhiều vào Nga, thị trường đang rất khó khăn và dự báo việc mua bán trong thời gian sắp tới sẽ không suôn sẻ.
Bà Hoàng Thị Phong Thu, Chủ tịch Công ty Ánh Dương, cho biết cách đây vài tháng công ty phải nhanh chóng đóng cửa bớt một vài văn phòng để cắt giảm chi phí hoạt động nhằm tập trung sức giải quyết những vấn đề xảy ra khi lượng khách đến ít hơn, gây ảnh hưởng đến các hợp đồng đã ký với đối tác. Song song đó, công ty này đang chuẩn bị chào giá, đưa sản phẩm mới cho đối tác để chuẩn bị cho mùa đông khách cuối năm nay và đầu năm tới.
Ngành du lịch dự báo sẽ đón khoảng 8,5 triệu lượt khách trong năm nay, với thị trường chính vẫn là Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Nga... Trong số đó, Trung Quốc vẫn là thị trường có lượng khách đông nhất, nhưng theo nhiều doanh nghiệp, hiện thị trường này mới chỉ phục hồi ở phân khúc du khách đến miền Trung, đặc biệt là đến bằng máy bay thuê bao. Với những thị trường lớn khác như Nhật Bản, doanh nghiệp cũng chưa dám đưa ra đánh giá cho cả năm.
Ông Nguyễn Văn Trấn, Tổng giám đốc Công ty Liên doanh du lịch APEX, cho biết tình hình chính trị phức tạp ở một số nước và khu vực đã khiến người Nhật e dè hơn khi quyết định đi du lịch nước ngoài. Năm ngoái, lượng khách nước này tăng nhẹ nhưng thị trường dường như đã ở mức bão hòa. Tuy doanh nghiệp có cố gắng kết nối với doanh nghiệp Nhật Bản, ra sức thu hút khách nhưng đến giờ này số lượng đặt chỗ vẫn ít.
Theo ông Trấn, rất khó để đánh giá thị trường Nhật năm nay ra sao. Ngoài rào cản từ tâm lý của khách thì vấn đề sản phẩm của du lịch Việt Nam cũng là hạn chế. “Nhiều năm qua, chúng ta không có gì mới để giới thiệu cho khách, ngoài vài đường bay mới kết nối với Nhật Bản ở miền Trung. Không có điểm mới, du khách đi hoài cũng chán”, ông nói.