(SGTT) - Giữa làn sóng công nghệ in ấn hiện đại, kỹ thuật đèn led nhập nhòe đủ màu sắc, nghề vẽ biển quảng cáo bằng tay đã gần như mai một. Thế nhưng, ở TPHCM, một người họa sĩ lớn tuổi vẫn ngày đêm cặm cụi, miệt mài giữ lửa nghề hơn 40 năm bằng những nét vẽ thủ công đầy tỉ mỉ và tinh tế.
Sinh ra và lớn lên tại TPHCM, ông Nguyễn Thế Minh hay còn được gọi với cái tên Hoài Minh Phương (bút danh thời làm thơ) đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề vẽ biển quảng cáo bằng tay. Niềm đam mê lớn nhất của ông là cầm cọ và vẽ. Từ năm 14 tuổi, ông theo học họa sĩ Hoa Huệ và họa sĩ Vũ Trọng Hợp, đây cũng chính là hai người thầy đã người dìu dắt ông trên bước đường hội họa.
Tiệm của ông Minh nằm trên góc đường An Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM. Không gian bên trong khá tối và ọp ẹp, lỉnh kỉnh các biển quảng cáo cũ kĩ được vẽ bằng cọ. Cửa tiệm chỉ mở he hé vì không có khách ghé đến là mấy.
Những năm trở lại đây, căn tiệm nhỏ của ông lúc nào cũng vắng bóng khách. Mỗi tháng, ông chỉ nhận được khoảng vài ba đơn hàng. Mùa dịch Covid-19 đã ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống của ông, thậm chí có tháng không nhận được đơn hàng nào.
Chia sẻ với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông cho biết “Cái nghề vẽ này, mình cưu mang nó chứ nếu mà nói về thu nhập nó thua thợ hồ. Mấy tháng dịch có khi không có tiền đóng tiền nhà, lâm vào cảnh sống dở chết dở. Mấy tháng có đơn đặt hàng dù ít nhiều gì cũng kiếm được 2 bữa cơm, có tiền thì ăn ngon không có tiền thì ăn dở một chút”.
Giá mỗi biển hiệu quảng cáo của ông dao động từ khoảng 600.000 đồng đến 2.000.000 đồng tùy vào kích thước lớn, nhỏ. Do tuổi cũng đã khá cao và sức khỏe không còn được như trước, mỗi biển ông vẽ sẽ hoàn thành tầm 3 đến 4 ngày đối với biển nhỏ và biển lớn có khi mất hơn 10 ngày.
So với các biển quảng cáo hiện nay như in ấn kỹ thuật số, dán decal, đèn led… tuổi thọ trung bình chỉ giữ được khoảng 2 năm sẽ xuống màu. Thay vì áp dụng công nghệ hiện đại thì ông sử dụng sơn, cọ đơn thuần để vẽ biển. Sau khi vẽ xong, ông chờ cho sơn khô lại và phủ lên đó một lớp sơn bóng. Như vậy, những tấm biển quảng cáo có thể giữ được lâu hơn, có thể lên đến gần 10 năm.
Quan niệm của ông là hành nghề vẽ quảng cáo phải kiên trì và có tâm, không thể buông nét cọ khi trong lòng đang nóng giận, tâm thế vội vàng. Có thể nói, việc cầm cọ và thả hồn mình phiêu bồng trên từng nét vẽ uyển chuyển là niềm vui và tâm huyết cả đời đối với người họa sĩ già.
Nếu những tấm bảng hiệu in màu, nhập nhòe đèn điện những vẫn trông thật khô khan thì ở những tấm bảng vẽ tay, người ta thấy được cái hồn, cái tâm huyết của người vẽ đặt vào nó. Không chỉ đơn thuần là một tấm bảng quảng cáo, nó còn là cả một câu chuyện được khéo léo kể lại dưới lớp sơn màu.
Có lẽ ông là một trong những người hiếm hoi sót lại còn vẽ biển hiệu quảng cáo bằng chính đôi tay mình. Đến tận bây giờ, chính những nét vẽ của ông đã lưu giữ vẻ đẹp hoài cổ của Sài Gòn thông qua những tấm biển quảng cáo. Chỉ tiếc rằng, người họa sĩ dù vẫn nặng tình nhưng cuộc sống hiện đại khiến những tấm biển hiệu kia đã dần bị lãng quên.
Kim Chi