Nhiều người già đang sống cô đơn, lạc lõng giữa cuộc sống hiện đại hối hả khi con cháu họ đang ngược xuôi với công việc, học hành. Làm sao kéo gần lại khoảng cách giữa hai thế hệ?
Nỗi buồn người già
Đoàn Anh Dũng, một người trẻ 21 tuổi đã bắt gặp một cụ già 68 tuổi ngồi vẽ ở Thảo Cầm Viên. Dũng xin phép chụp một tấm ảnh và tìm hiểu câu chuyện của cụ. Cụ già họa sĩ chia sẻ với anh rằng, tuần nào ông cũng ra công viên ngồi vẽ một mình vì ở nhà rất chán, con cháu đi làm suốt.
Bức ảnh người họa sĩ già với ánh mắt xa xăm được Dũng mang gửi triển lãm trong một dự án mang tên “Nối” do một nhóm bạn trẻ tổ chức ở sân giảng đường trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM cách đây hai tháng. Còn nhớ, ngay trong triển lãm đó, những câu chuyện gia đình giữa người già cô đơn và thế hệ trẻ thờ ơ được chia sẻ thẳng thắn.
Nguyễn Lê Thái Giang, 20 tuổi, sống tại TPHCM chia sẻ một câu chuyện thông qua tấm ảnh khác, về một bà cụ sống trong chung cư cũ ngày ngày ra ngồi cầu thang ngóng cháu đi học về. Thái Giang chia sẻ: “Chung cư này đa phần như thế. Những người cháu có lúc mải chơi, có lúc thờ ơ, cáu bẳn”.
Với tác giả Bùi Minh Thùy, 20 tuổi, sống tại TPHCM, nỗi cô đơn của người già được thể hiện thông qua tấm ảnh của cụ bà Lê Thị Quý (80 tuổi) đang sống tại phường Đa Kao, quận 1, TPHCM. Cụ Quý gọi con mèo trong tấm ảnh là “bụi đời Đa Kao, giống như tui”. Cụ Quý là người sống một mình và nuôi đến 50 con mèo hoang làm bầu bạn trong những ngày gần đất xa trời. Cụ tìm thấy giữa mình và những chú mèo sự đồng điệu của những kẻ cô đơn giữa thành phố ồn ào náo nhiệt.
Bức tranh “Mệ chủ phòng trọ” của anh Minh Trí (26 tuổi, Huế) diễn tả cụ bà được con cháu bố trí ở một trong tám phòng trọ cho thuê của gia đình. Khi buồn, cụ ngồi trong phòng hút thuốc thui thủi.
Cụ ông Vũ Như Hồng (77 tuổi, sống tại TPHCM) cũng chia sẻ chính nỗi buồn của mình bằng tấm ảnh đứa cháu nằm chơi iPad. Cụ nói: “Thằng cháu bé nhất nhà suốt ngày cầm iPad chơi, chẳng chịu quan tâm tới ông bà”.
“Nhóm yếu thế”
Dự báo dân số của Tổng cục Thống kê năm 2010 (GSO, 2010) cho thấy tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên ở Việt Nam sẽ chạm ngưỡng 10% tổng dân số vào năm 2017. Dân số Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn “già hóa” từ năm 2017.
Theo Hiến pháp Việt Nam sửa đổi năm 2013, người cao tuổi được xếp vào “nhóm yếu thế”. Khoảng cách thế hệ càng ngày càng rộng do sự vận động phát triển nhanh chóng của xã hội, nhất là sự phát triển của công nghệ thông tin mà người trẻ là tiên phong.
Triển lãm “Nối” của thành viên tàu thanh niên Đông Nam Á 2013 (SSEAYP 2013) xét về sự kiện thì đã hết tính thời sự nhưng ấn tượng từ những câu chuyện cảm động về gia đình còn đọng lại, thời sự và day dứt mãi.
“Người già có thể nói lên được nỗi buồn của mình để người trẻ hiểu và chia sẻ trong gia đình. Còn người trẻ thì ý thức được vai trò của mình trong việc ngồi gần lại, kiên nhẫn hơn để nối khoảng cách thế hệ, để không còn những nỗi buồn cho người già ở tuổi xế chiều” – chị Trần Thúy An, sinh viên trường Đại học Huflit, Trưởng ban truyền thông của dự án Nối chia sẻ.
Nối – thông điệp cần thực tế hóa trong mỗi gia đình thời hiện đại.
Thảo Hương