Hoàng Nhung
Theo quy định mới của cơ quan bảo hiểm xã hội, những người mắc bệnh viêm gan siêu vi C được hưởng 30% đến 50% tiền thuốc điều trị theo diện bảo hiểm y tế, còn những người bệnh mắc bệnh trước ngày 1-1-2015 được hưởng 100%. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều bệnh nhân không thể lấy được bảo hiểm vì họ không còn giữ hóa đơn, chứng từ đã khám trước đó.
Không dễ lấy tiền bảo hiểm
Bà N.T.H.L., ngụ tại quận Gò Vấp, TPHCM, đang điều trị bệnh viêm gan siêu vi C (viêm gan C) tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, cho biết bà điều trị ở đây từ tháng 9-2014, đến nay đã gần bốn tháng, mỗi tháng hết hơn 15 triệu đồng. Song, quy định mới đang tồn tại hai vấn đề khiến bà bức xúc.
Số là, bà khám viêm gan C và lấy thuốc trong bệnh viện nhưng không giữ hóa đơn chứng từ nào cả. Do vậy, khi lên cơ quan bảo hiểm xã hội nhận lại tiền thuốc, họ yêu cầu phải có hóa đơn chứng từ, kể cả việc làm chứng nhận đã điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới từ tháng 9-2014. Thế nhưng, cơ quan bảo hiểm vẫn không đồng ý.
Một trong những lý do người bệnh viêm gan C không giữ hóa đơn chứng từ khi khám chữa bệnh tại các bệnh viện là vì trước đây, theo quy định của bảo hiểm y tế thì người bệnh viêm gan C được chi trả bảo hiểm. Tuy nhiên, cơ quan bảo hiểm xã hội lại cho rằng họ chỉ đồng ý chi trả nếu có phác đồ điều trị bệnh viêm gan C. Vấn đề là, năm 2014 đã có phác đồ điều trị bệnh này nhưng bệnh nhân vẫn chưa được hưởng. Nay được hưởng thì nhiều người lại không còn giữ hóa đơn chứng từ vì trước đó họ không biết mình có được hưởng hay không.
Vấn đề thứ hai là gia đình bà không chỉ có mình bà bị viêm gan C mà cả người chồng cũng mắc bệnh này. Nhưng cả hai đang hưởng chế độ bảo hiểm khác nhau. Bà phát hiện bị bệnh trước ngày 1-1-2015 nên được hưởng 100% tiền thuốc điều trị, còn chồng bà nhiễm bệnh sau nên chỉ được hưởng 30% với thuốc Peg-Interferon và 50% với thuốc Interferon. Cùng một bệnh nhưng hai chế độ thanh toán khiến bà L. bức xúc.
Một số bác sĩ chuyên khoa gan- mật-tụy cho biết, bệnh nhân điều trị thuốc Interferon (thuốc ra đời trước Peg-Interferon) tốn khoảng 30 triệu đồng, còn điều trị thuốc Peg-Interferon hơn 100 triệu đồng/đợt điều trị. Mặc dù, dùng thuốc Interferon ít tốn kém hơn nhưng người bệnh thường chọn thuốc Peg-Interferon vì một số nghiên cứu trên thế giới cho rằng thuốc Interferon điều trị không hiệu quả, có nhiều phản ứng phụ hơn Peg-Interferon.
Một bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới giải thích, theo văn bản số 4186/BHXH-NVGĐ1 ngày 25-12-2014, về việc hướng dẫn thanh toán chi phí điều trị viêm gan C, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ hoàn trả chi phí thuốc chích Interferon và Peg-Interferon cho những bệnh nhân viêm gan C đã điều trị từ ngày 28-11-2013 đến ngày 30-12-2014. Người bệnh sẽ được hoàn trả trực tiếp 100% chi phí điều trị tại cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương, nên mấy ngày nay nhiều bệnh nhân đến nhờ lãnh đạo bệnh viện ký xác nhận đã điều trị viêm gan C từ trước ngày 1-1-2015. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, họ lại quay lại kèm theo lời than phiền vì cơ quan bảo hiểm yêu cầu bệnh nhân phải nộp thẻ bảo hiểm y tế, chứng minh nhân dân, sổ khám bệnh, toa thuốc kèm hóa đơn mới được thanh toán.
Ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, cho biết trước những thắc mắc của bệnh nhân, cơ quan bảo hiểm xã hội thành phố đã gửi công văn xin ý kiến từ Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem có cách nào giải quyết cho bệnh nhân hưởng chế độ chi trả chi phí khám chữa bệnh viêm gan C hay không. Nhưng nguyên tắc để được thanh toán, bệnh nhân phải có hóa đơn chứng từ.
Nên cho bệnh nhân hưởng 50%
Một số lãnh đạo bệnh viện giải thích việc giảm chi trả bảo hiểm y tế cho người bệnh viêm gan C, một phần là do bệnh viêm gan B và C hiện nay quá nhiều và các loại thuốc điều trị bệnh này cũng khá đắt tiền nên việc vỡ quỹ là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra.
Những người trong ngành ước tính chỉ có một số ít người tiếp cận được với thuốc điều trị, một phần là vì lý do tài chính. Trong số những người có tiền chữa bệnh, không phải ai cũng phù hợp với thuốc đặc trị. Chỉ có điều, những người quản lý quỹ luôn lấy con số cao nhất để dẫn chứng.
Nếu xét về mặt tác động xã hội, Nhà nước nên thanh toán khoảng 50% chi phí khám chữa bệnh, trung bình hết khoảng 200 triệu đồng/48 tuần. Vì bệnh viêm gan C nếu không được điều trị, bệnh sẽ tiến triển nặng hơn, và 5-10 năm sau sẽ phát triển lên bệnh ung thư, tạo thành gánh nặng cho xã hội. Những người trong ngành cho rằng nếu có điều kiện điều trị sẽ giảm nguồn lây cho cộng đồng, và những người khỏi bệnh vẫn có thể làm việc và đóng góp cho xã hội.