Thứ hai, Tháng mười một 18, 2024

Người bán lo, người mua thêm lựa chọn

Vũ Yến

Theo sau những thương vụ hợp tác, mua bán-sáp nhập trên thị trường bán lẻ là làn sóng sản phẩm ngoại xuất hiện ngày càng nhiều trên các kệ hàng trong các siêu thị, trung tâm mua sắm. Động thái này đang tạo thêm những thách thức cho các doanh nghiệp trong nước, những người đang lo lắng trước sự lấn sân ngày càng sâu của các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời cũng làm cho hàng hóa dồi dào và đa dạng hơn, đem đến nhiều sự lựa chọn hơn cho người tiêu dùng.

Thêm sự lựa chọn

Năm 2014 chứng kiến nhiều nhà bán lẻ nước ngoài tham gia, mở rộng quy mô hoạt động tại thị trường Việt Nam. Gần đây nhất, vào giữa tháng 11 vừa qua, hệ thống siêu thị Citimart công bố hợp tác với Tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật Bản. Sự hợp tác này cho phép chuỗi hệ thống siêu thị Citimart đổi tên thành Aeon Citimart.

Trước đó, vào tháng 8, Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan đã mua lại hệ thống kinh doanh Metro Cash & Carry tại Việt Nam. Tháng 6 năm ngoái, tập đoàn này cũng đã mua lại chuỗi bán lẻ Family Mart, và sau đó đổi tên thành B’s mart. Tương tự, ngày 11-11 vừa qua, Tập đoàn Mondelēz International cũng đã mua cổ phần, đầu tư vào mảng bánh kẹo của Công ty cổ phần Kinh Đô.

Trung tâm thương mại Citi Plaza trên đường Nguyễn Trãi, quận 1, TPHCM. Ảnh: Thành Hoa
Trung tâm thương mại Citi Plaza trên đường Nguyễn Trãi, quận 1, TPHCM. Ảnh: Thành Hoa

Những gì đang diễn ra cho thấy, các doanh nghiệp nước ngoài đang đưa hàng hóa của nước họ vào hệ thống phân phối rộng khắp nơi của các doanh nghiệp trong nước, thông qua con đường hợp tác, mua bán-sáp nhập hệ thống siêu thị. Hàng hóa ngoại xuất hiện ngày càng nhiều trên các kệ hàng không chỉ trong hệ thống các siêu thị lớn mà trong cả các cửa hàng tiện lợi nhỏ.

Tại siêu thị Aeon Citimart trên đường Nguyễn Trãi (quận 1, TPHCM), chị Hồng Phương vừa chăm chú đọc thông tin trên nhãn một chai nước xốt của Nhật vừa cho biết thời gian gần đây, siêu thị này xuất hiện thêm rất nhiều các mặt hàng của xứ sở mặt trời mọc. Các vật dụng gia đình, thực phẩm, gia vị khá phong phú. Giá cả có loại mắc hơn, có loại tương đương sản phẩm trong nước, “vì vậy tôi có nhiều sự lựa chọn hơn”, chị Phương cho biết.

Còn tại cửa hàng tiện lợi B’s mart trên đường Phó Đức Chính (quận 1, TPHCM), anh Thanh, nhà ở quận 4, đã chọn loại nước trái cây tổng hợp hiệu Tipco của Thái Lan, sau khi xem qua một số sản phẩm tương tự. Anh Thanh cho biết, anh mua về uống thử xem hương vị thế nào, có ngon không.

Theo ghi nhận của Sài Gòn Tiếp Thị, cơ cấu hàng hóa tại hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi có liên quan tới các thương vụ mua bán-sáp nhập vừa qua đang có những thay đổi khá rõ rệt. Ở quầy hàng gia dụng, số lượng các loại nước rửa chén, kem tẩy rửa đa năng, dụng cụ nhấc bếp, bộ sản phẩm chia thức ăn em bé, các loại hộp đựng thức ăn bằng nhựa, rổ nhựa... có xuất xứ từ Nhật. Còn trên kệ hàng trưng bày thực phẩm đã thấy mì ăn liền, bánh kẹo, cháo cá hồi, bột mì, nước xốt, nước mắm, nước chấm, gia vị các loại, mù tạt, hạt nêm, dầu ăn... cũng đến từ Nhật.

Ghé qua các cửa hàng tiện lợi B’s mart trên đường Phó Đức Chính và Bùi Viện (quận 1) cũng thấy nhiều sản phẩm của Thái Lan được bày bán, từ sữa tươi tiệt trùng, hạt hướng dương, hạt điều rang muối, bột me nấu canh chua, bánh snack, kẹo dẻo đến các loại nước ép trái cây tổng hợp. Tương tự, tại Metro An Phú (quận 2) cũng bày bán nhiều sản phẩm Thái Lan, từ đồ dùng gia dụng đến gạo, nước xốt, trái cây tươi và nước trái cây đóng hộp..., bên cạnh các sản phẩm trong nước và các nước khác.

Doanh nghiệp lo lắng

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food, cho biết hội nhập, mở cửa là xu thế tất yếu của thời đại. Hàng hóa của doanh nghiệp ngoại vào Việt Nam là chuyện đương nhiên, và điều này sẽ đem đến những khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp trong nước.

Bà Lâm nhận định, điều đáng tiếc là trước sự gia tăng ồ ạt của sản phẩm ngoại trên thị trường, không những doanh nghiệp trong nước chậm phản ứng, mà cả các cơ quan nhà nước có trách nhiệm và hiệp hội liên quan cũng phản ứng chậm. Theo bà, đáng lẽ mọi thông tin, cảnh báo của các cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội phải được đưa ra từ cách đây hai năm, chứ không phải nước đến chân mới nhảy. Bà cho biết vừa tham dự hội thảo Làm sao để phát triển thủy sản nội địa ở Hà Nội ngày 17-12 vừa qua. “Sản phẩm nước họ đã tràn vào rồi mà giờ mình mới ngồi bàn”, bà Lâm nói.

Ông Võ Văn Đức Bảy, Phó giám đốc Công ty Nhựa Chợ Lớn, cho biết hiện nay các doanh nghiệp trong nước không những phải cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc, vốn đã tràn lan trên thị trường, mà còn phải cạnh tranh với hàng từ các nước như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Khó khăn lại chồng thêm khó khăn.

Tổng giám đốc một công ty nhựa chuyên sản xuất đồ gia dụng (không muốn nêu tên) cũng cho rằng khó khăn sẽ tìm đến các doanh nghiệp trong nước trong thời gian tới. Hàng hóa ngoại đang theo chân các nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam, sẽ dần phủ khắp thị trường. Với mẫu mã, kiểu dáng mới lạ, phong phú, cộng thêm việc đẩy mạnh quảng cáo sẽ thu hút người tiêu dùng.

Nói về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hàng rào thuế quan bị cắt giảm, hàng hóa và dịch vụ vượt qua biên giới để cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường ngày càng trở nên gay gắt. Đây là vấn đề sống còn đối với sản xuất công nghiệp và nông nghiệp. Không tiêu thụ được sản phẩm, hàng hóa, mất thị trường thì sản xuất sẽ bế tắc, doanh nghiệp sẽ phá sản, người lao động sẽ mất việc làm và mất thu nhập. Chúng ta đã chứng kiến những cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường ô tô, xe máy, bia, nước ngọt và trái cây.

Ông cho biết, năm 2015 sẽ là năm hội nhập quốc tế với nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết với Hàn Quốc, với Liên minh thuế quan Nga- Belarus-Kazakhstan, với Liên minh châu Âu. Và cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực, hàng hóa các nước ASEAN sẽ tràn vào nước ta trong một thị trường ASEAN thống nhất mà không còn bị thuế quan cản trở.

Với trình độ phát triển cao hơn, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ dùng các kênh siêu thị để bán hàng của họ, đẩy hàng hóa của nước ta ra ngoài kênh phân phối hiện đại, hàng hóa nước ta sẽ chỉ còn bán ở các chợ truyền thống và mất dần thị trường. Kịch bản xấu nhất là các nhà sản xuất trong nước phải đóng cửa, nông dân không bán được nông sản, lao động nước ta sẽ đi làm thuê cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Để tồn tại và phát triển, theo bà Lâm, doanh nghiệp phải không ngừng cải tiến máy móc, trang thiết bị, khoa học công nghệ để củng cố chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Họ phải làm sao để sản phẩm của mình ít nhất cũng phải tương đương với sản phẩm ngoại thì mới hy vọng có thể chống chọi, cạnh tranh được với hàng ngoại. “Chất lượng, mẫu mã sản phẩm quá cách biệt, giá lại không cạnh tranh so với hàng ngoại ắt sẽ dẫn đến việc thua ngay trên sân nhà”, bà Lâm nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Dã quỳ khoe sắc tại vườn quốc gia Ba Vì

0
(SGTT) - Khoảng tháng 11 hằng năm, khi tiết trời chuyển mình sang Đông, vườn quốc gia Ba Vì lại khoác lên mình "tấm...

Từ ngày 1-1-2025, bỏ xét nghiệm nồng độ cồn khi khám...

0
(SGTT) - Theo thông tư mới của Bộ Y tế, kể từ đầu năm 2025, khi thực hiện khám sức khoẻ, tài xế không...

Trung tâm TPHCM lên đèn, người dân xuống phố đón Giáng...

0
(SGTT) – Dù hơn một tháng nữa mới đến Giáng sinh, nhưng nhiều trung tâm thương mại tại TPHCM đã được trang trí rực...

Ghé thăm Zurich ngày cuối Thu

0
(SGTT) - Zurich - thành phố lớn nhất của Thụy Sĩ hấp dẫn du khách nhờ không gian thanh bình, kiến trúc cổ kính...

FoBe mang trải nghiệm đặc sắc đến Cake & Dessert Showcase...

0
Vào ngày 6-11-2024, tại Hà Nội, Công ty FoBe và thương hiệu Arla Pro đã phối hợp và tổ chức thành công sự kiện...

Bữa trưa đầu tuần với miến nấu kim chi

0
(SGTT) – Kết hợp sợi miến dai giòn và kim chi đậm đà hương vị, đầu bếp sáng tạo thành món miến nấu kim...

Kết nối