Trái với quan điểm lâu nay cho rằng ngủ nhiều vào những ngày cuối tuần sẽ làm cơ thể uể oải, thiếu sức sống, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, các nhà khoa học Thụy Điển mới đây chứng minh rằng người hay ngủ bù cuối tuần sẽ sống thọ hơn.
Được ngủ nướng thoải mái vào các ngày nghỉ cuối tuần luôn là mong ước của những người trưởng thành bận rộn, đặc biệt là những ai vừa mới có một tuần làm việc quá giờ căng thẳng. Tuy nhiên, các nghiên cứu về giấc ngủ trước đây đã khuyên can mọi người không nên ngủ nướng vào các ngày nghỉ. Thay vào đó, họ cho rằng chúng ta nên ngủ một giấc ngủ với số giờ trung bình cố định từ 7 - 8 tiếng trong mọi ngày, bất kể ngày thường hay ngày nghỉ. Ví dụ, Hiệp hội Nghiên cứu giấc ngủ của Học viện Mỹ cho rằng một người lớn từ 18 – 60 tuổi nên ngủ hơn 7 giờ mỗi đêm.
Tiến sĩ tâm lý học Torbjorn Akerstedt, Giám đốc Viện Nghiên cứu Stress thuộc trường Đại học Stockholm (Thụy Điển) và các cộng sự đã quyết định tiến hành kiểm nghiệm lại quan điểm này một cách nghiêm túc. Theo đó, nhóm đã nghiên cứu hơn 38.000 người ở Thụy Điển trong một quãng thời gian dài, hơn 13 năm, và chỉ tập trung vào thói quen ngủ vào cuối tuần.
Kết quả thú vị
Nghiên cứu phân loại nhóm những người ngủ ít thường ngủ ít hơn 5 giờ mỗi ngày và nhóm những người ngủ vừa thường ngủ 7 giờ mỗi ngày. Các nhà nghiên cứu tiếp tục xem xét thói quen ngủ trong tuần và cuối tuần của những người được nghiên cứu. Nhóm người ngủ vừa thường ngủ ít hơn 5 giờ mỗi đêm trong tuần nhưng họ ngủ 7 - 8 giờ mỗi đêm vào cuối tuần. Sự khác biệt giữa giấc ngủ cuối tuần và trong tuần biểu hiện rõ rệt nhất ở nhóm những người trẻ tuổi. Những người ở độ tuổi từ 13 cho đến 29 tuổi ngủ trung bình 7 giờ một đêm trong cả tuần nhưng ngủ 8,5 giờ vào những ngày nghỉ.
Nhóm nghiên cứu kết luận những giấc ngủ dài vào cuối tuần không ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, miễn là giấc ngủ đó phải thật sâu và ngon. Không chỉ vậy, những người buộc phải ngủ ít hơn 7 giờ mỗi ngày nhưng được ngủ bù vào 2 ngày cuối tuần lại sống thọ hơn những người chỉ luôn ngủ đủ 7 giờ mỗi ngày.
Tiến sĩ Akerstedt cho rằng vai trò của giác ngủ nướng cuối tuần hiện đang là khoảng trống nghiên cứu thường bị các nhà khoa học bỏ qua. Những nghiên cứu trước đây thường yêu cầu những người tham gia cho biết về số giờ ngủ trung bình trong một tuần mà không hề tính đến sự khác biệt giữa số giờ ngủ trong ngày làm việc và ngày nghỉ.
Cần thêm sự nghiên cứu
Những nhà dịch tễ học và chuyên gia y tế thế giới cho rằng kết quả nghiên cứu là rất đáng chú ý. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đánh giá nghiên cứu chưa đạt đủ độ bao quát về số liệu và cần có những điều tra sâu hơn. Một trong những lý do của những nghi ngờ trên xuất phát từ việc có rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng của giấc ngủ. Trong số đó, những yếu tố như thói quen uống rượu, cà phê, hút thuốc lá, áp lực trong công việc và đặc biệt là giấc ngủ trưa là các yếu tố rất khó áp dụng phương pháp thống kê để đánh giá các tác động của chúng.
Nhà dịch tễ học và bác sĩ tim mạch Franco Cappuccio của Đại học Warwick (Anh) đánh giá nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Điển dường như đã bỏ qua việc giải thích thêm về giấc ngủ trưa ban ngày. Tiến sĩ Michael Grandner, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Giấc ngủ và Sức khỏe của trường Y khoa Đại học Arizona (Mỹ) cảnh báo rằng chúng ta không thể coi việc ngủ như một hoạt động có thể tích lũy được. Theo ông, không thể ngủ ít trong tuần và hy vọng có thể bù lại bằng việc ngủ nướng thoải mái cuối tuần.
Tiến sĩ Grandner cũng cảnh báo việc làm việc quá sức và thiếu ngủ sẽ gây quá tải cho cơ thể vì cơ thể con người được xây dựng để tiêu thụ thực phẩm và nước, cũng như ngủ để tái tạo năng lượng và sức lao động.
Trong khi đó, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Thụy Điển, tiến sĩ Akerstedt, cho rằng nghiên cứu này vẫn còn tiềm năng để tiếp tục đào sâu và khám phá thói quen ngủ con người. Bước tiếp theo của nghiên cứu là làm sao tăng tính khách quan của số liệu thông qua việc giảm đi sự phụ thuộc vào các kết quả khảo sát lấy ý kiến.
Linh Nguyễn