(SGTT) - Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động đề nghị Chính phủ giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu sớm thực hiện đề xuất giảm giờ làm việc bình thường đối với người lao động xuống dưới 48 giờ/tuần. Điều này hướng đến đảm bảo sự công bằng giữa giờ làm việc của người lao động tại khu vực cơ quan hành chính và khu vực doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp TPHCM khó tuyển lao động vị trí chuyên gia kỹ thuật cao
- Tạo điều kiện đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Nagano, Nhật Bản
Đây là thông tin tại hội nghị đánh giá việc thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam diễn ra ngày 26-5, TTXVN đưa tin.
Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, năm 2023, hai bên đã chủ động triển khai công tác phối hợp, đảm bảo hiệu quả các nhiệm vụ theo quy chế phối hợp, các nhiệm vụ phát sinh theo yêu cầu thực tiễn. Trong đó, các bên tập trung giải quyết về việc làm, thu nhập, vấn đề nhà ở của công nhân, người lao động, nhu cầu về văn hóa, nơi vui chơi giải trí…
Tổng Liên đoàn lao động cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị giãn việc, mất việc do doanh nghiệp bị suy giảm đơn hàng. Cơ quan đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa đến quyền và lợi ích của người lao động và hoạt động công đoàn khi xây dựng các chủ trương, chính sách pháp luật. Các dự án luật cần được khảo sát, lấy ý kiến rộng rãi với những nhóm chịu tác động trực tiếp.
Cùng với đó là đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng và UBND các tỉnh, thành phố thường xuyên thanh tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động.
Một thông tin khác tại hội nghị, theo TTXVN, đại diện Tổng Liên đoàn lao động đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội rà soát danh sách, có chính sách đặc thù giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho hàng trăm ngàn người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn hoặc tái cơ cấu…
Theo số liệu của các cơ quan Bảo hiểm xã hội, khoảng 206.000 lao động tại các đơn vị sản xuất kinh doanh đã phá sản, giải thể trên cả nước thời gian qua vẫn đang được giải quyết các chế độ theo quy định.