NGỌC MINH -
Với sự xuất hiện những địa điểm như Nhà ga 3A hay Saigon Outcast đã mang đến cho giới trẻ Sài Gòn những sân chơi mới lạ, ấn tượng với các loại hình nghệ thuật nhưng đặc biệt hơn cả, thay vì chỉ có trong bảo tàng hay trên sân khấu, nay nghệ thuật đã ra... phố.
Tọa lạc tại số 3A trong một con hẻm trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1 với diện tích gần 3.000 m2, Nhà ga 3A được biết đến hơn một năm qua là khu phức hợp giải trí, mua sắm và triển lãm nghệ thuật của giới trẻ. Tại đây luôn có các hoạt động giao lưu, trao đổi về nghệ thuật đương đại, trưng bày mỗi tuần, phòng tranh Mai với các bộ sưu tập, triển lãm cũng như tham quan, mua sắm các nhãn hàng mỹ thuật ứng dụng, cà phê nghệ thuật, thời trang... Bên cạnh đó, chợ phiên ngoài trời và các buổi biểu diễn âm nhạc theo chủ đề của các nghệ sĩ và ban nhạc được tổ chức định kỳ hàng tuần cũng thu hút sự quan tâm của khá đông bạn trẻ.
Điểm nhấn nổi bật của cái gọi là nhà ga chính là những bức tranh tường khổ lớn đủ màu sắc theo phong cách graffiti trải dài từ đầu hẻm cho đến các ngõ ngách, do các họa sĩ trong nước và quốc tế thực hiện. Con đường nghệ thuật này là nơi diễn ra các hoạt động trình diễn nghệ thuật, âm nhạc, điêu khắc, thử nghiệm nghệ thuật và không gian đường phố. Các hoạt động nghệ thuật đường phố như nhảy, múa đương đại, trượt ván, BMX (xe đạp địa hình), ảo thuật, trò chơi yoyo…
Những bức tranh tường vẽ theo phong cách graffiti là điểm nhấn nổi bật tại Nhà ga 3A.
Chị Đỗ Thị Tuyết Mai, người khởi xướng dự án Nhà ga 3A, đồng thời là họa sĩ, chủ phòng tranh Mai, cho biết mong muốn của chị là mang đến không gian sáng tạo nghệ thuật cho giới trẻ, biến 3A trở thành chiếc cầu nối đưa những người nghệ sĩ đến với công chúng và là nơi giao lưu văn hóa của những người nghệ sĩ trong và ngoài nước. Anh Đặng Công Thành, một họa sĩ trẻ, cho biết Nhà ga 3A là nơi tạo điều kiện, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ sáng tạo và đó là nơi anh và nhiều bạn trẻ khác cùng sở thích giao lưu, chia sẻ niềm đam mê nghệ thuật với nhau.
Chẳng hạn hồi đầu năm, tại Nhà ga 3A có buổi trình diễn nghệ thuật thị giác có tên “Nón lá Poétry” (Nón lá bài thơ) do nhóm nghệ sĩ Théoriz đến từ Lyon (Pháp) thực hiện. Hai buổi diễn miễn phí đã thu hút đông đảo khán giả trẻ đến xem để có những trải nghiệm mới lạ về chiếc nón bình dị của người Việt Nam, trở thành một chủ thể của nghệ thuật thị giác đương đại. Họ đã sáng tạo ra một kỹ thuật chiếu sáng 3D bằng video để kết hợp và tương tác giữa ánh sáng, âm nhạc và những vật thể hiện hữu.
Còn bây giờ, giới trẻ có thể mua những chiếc túi xinh xắn, tiện lợi tại The BlueTshirt hay lễ hội Halloween sắp tới, các bạn trẻ có thể tìm mua đồ trang trí ở Neta Gift… trong Nhà ga 3A. Gần đây, Nhà ga 3A trở thành một điểm tiếp nhận quyên góp các vật dụng gia đình thiết yếu cho các địa điểm lánh nạn của phụ nữ bị bạo hành và trẻ em bị mua bán.
Khác với Nhà ga 3A trong con hẻm, Saigon Outcast (SO) ở Thảo Điền, quận 2, nơi mà ba chiếc container được thiết kế thành ba gian nhà lệch tầng, tạo nên một không gian mở cho các loại hình nghệ thuật đương đại. Ý tưởng thành lập nơi này là hai người bạn, anh Nguyễn Nguyên Lĩnh và chị Đoàn Phương Hà. Bắt đầu từ khu đất trống đi thuê, thay vì xây dựng kiên cố, họ quyết định thiết lập một thứ gì đó linh động, có thể tháo dỡ hoặc lắp đặt lại cho mục đích tái sử dụng. Container tạo sự khác biệt khi được thiết kế thành nhà ở, xung quanh nổi bật với những mảng tường dày đặc hình vẽ graffiti, khu vui chơi đầy màu sắc… Tất cả tạo nên một không gian đậm chất nghệ thuật đường phố.
Ba chiếc container sắp đặt với hình vẽ bên ngoài trông khá độc đáo tại Sài Gòn Outcast.
Có thể nói, SO là sân chơi nghệ thuật tổng hợp của giới trẻ hiện nay. Có lúc là khu triển lãm nghệ thuật, khi là sân khấu biểu diễn, khi là nơi trưng bày những tác phẩm sắp đặt, nghệ thuật đường phố đầy ngẫu hứng. Đây được xem là nơi để các bạn trẻ thể hiện khả năng vận động của mình bằng những môn thể thao “đường phố” như trượt ván, xe đạp địa hình, trổ tài vẽ tranh tường graffiti ấn tượng… Hay nhẹ nhàng hơn là thưởng thức nhạc sống, nghệ thuật múa, xem phim hoặc cùng bạn bè thưởng thức những món ăn ngoài trời. Ngoài ra, những buổi hội chợ và bán đồ dùng để gây quỹ từ thiện là những hoạt động ở đây. Mỗi tuần, Saigon Outcast có những hoạt động khác nhau dành cho giới trẻ, tùy theo tính chất của mỗi sự kiện mà mọi người được miễn phí hoặc mua vé. “Đây là không gian để họ tự do sáng tạo nghệ thuật, mà không bị gò bó bởi một khuôn khổ, quy luật nào”, anh Lĩnh chia sẻ hoạt động của SO.
Cindy Harris, nữ sinh viên người Mỹ gốc Việt đang theo học tại trường quốc tế TPHCM cho biết, Saigon Outcast là nơi mà cô và những người bạn thường hay đến để vui chơi giải trí. “Từng sinh sống ở nước ngoài nên tôi biết loại hình nghệ thuật đường phố được giới trẻ phương Tây yêu thích”, Cindy cho hay.