THANH LIÊM -
Đến khóm Đông Bình A, phường Đông Thuận, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long hỏi tới nghệ nhân hát bội và may trang phục tuồng cổ thì ai cũng biết đến nghệ nhân Thanh Nhàn với hơn 40 năm gắn bó sân khấu hát bội.
Nghệ nhân ưu tú Võ Công Khanh (nghệ sĩ Thanh Nhàn).
Tên thật của ông là Võ Công Khanh với nghệ danh Thanh Nhàn, sinh năm 1955 trong gia đình có truyền thống hát bội tới… ba đời. Từ tấm bé, ông thường đến chơi với gánh hát của ông ngoại mình. Những lúc thiếu người, ông diễn vai các thiếu nhi như Nghi Xuân, Tấn Lực (tuồng Phạm Công Cúc Hoa) rất thành công. Theo lời khuyên của những tiền bối đi trước, ông chọn con đường chuyên đóng vai phản diện (kép độc chánh) như vai Tạ Ôn Đình (tuồng San Hậu)…
Trước năm 1975 ông cộng tác với đoàn hát bội Phước Tấn (Hậu Giang), sau này ông tham gia các đoàn Tiếng trống Hậu Giang, Hậu Giang 3, Liên Hữu, Châu Thành (An Giang), Ngọc Ánh (Cần Thơ), Hiệp Lợi, Ngọc Mai (Tiền Giang)… Sau đó ông về công tác tại câu lạc bộ thể nghiệm truyền thống TPHCM. Năm 2000 ông về quê và chỉ hát phục vụ theo yêu cầu của các đoàn hát lớn.
Ông cho biết mình may mắn được “thọ giáo” các cây đại thụ hát bội TPHCM như NSND Thành Tôn, Năm Còn, Minh Biện, Ba Lăng nên được đào tạo các vai diễn rất bài bản.
Không chỉ thành công với những vai diễn phản diện để đời trong sân khấu hát bội, ông còn rất tâm huyết với việc bảo tồn các bộ trang phục hát bội truyền thống với mong muốn chúng sẽ không mất đi theo dòng thời gian. “Hồi xưa mỗi diễn viên chỉ có hai đến ba bộ trang phục diễn, không đáp ứng được thị hiếu khán giả, vậy là tôi nghĩ đến chuyện tự may trang phục cho diễn viên, vừa rẻ, vừa tiện”, ông nói. Nghĩ là làm, hai vợ chồng ông dành tiền mua vải, mua kim sa, mua chỉ… tự may trang phục các loại.
Ông cho biết may quần áo hát bội cực nhọc vì phải nghiên cứu kỹ lưỡng trang phục đó thuộc vào thời kỳ lịch sử nào, vai vế trong xã hội ra sao, việc thêu các các con vật như rồng, phượng… đều phải tỉ mỉ, công phu, mất nhiều thời gian. Hơn 40 năm trong nghề ông không nhớ hết mình đã diễn bao nhiêu suất, may bao nhiêu bộ trang phục hát bội cho các gánh hát ở khắp các tỉnh miền Tây sông nước như Sóc Trăng, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang…
Cuối năm ngoái, ông được Nhà nước tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú như một tưởng thưởng cho ông gần nửa thế kỷ gắn bó với nghiệp sân khấu tuồng truyền thống – hát bội.
Nhiều người trong giới sân khấu phía Nam nói ông là người cuối cùng ở Nam bộ còn may trang phục hát bội.