Từ trà đến sữa tươi đóng chai, từ súp đến cà ri, nghệ hiện diện hầu hết trong các món ăn và thức uống của các nền ẩm thực Nam Á. Bột nghệ đã tăng giá hơn 10 lần trong mùa dịch bởi người dân tin loại gia vị này tốt cho sức khỏe. Chính phủ Sri Lanka và Ấn Độ đã phải thành lập các lực lượng đặc nhiệm để chống buôn lậu nghệ.
Dùng vàng để đổi nghệ
Người dân Sri Lanka tiêu thụ khoảng 7.500 tấn nghệ vào năm 2019. Tuy nhiên, quốc gia này chỉ trồng và sản xuất khoảng 2.000 tấn, có nghĩa là nguồn cung của họ chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu. Vào tháng 12 năm ngoái, khoảng một tháng trước khi Sri Lanka chứng kiến ca lây nhiễm Covid-19 đầu tiên, chính phủ của Tổng thống Gotabaya Rajapaksha đã cấm nhập khẩu một loạt các loại gia vị, bao gồm quế, gừng, nghệ và nhục đậu khấu nhằm mục đích hỗ trợ nông nghiệp nội địa.
Tại Sri Lanka, ngành y tế đã ủng hộ rất nhiều về lợi ích của nghệ trong việc đối phó với đại dịch Covid-19. Điều này đã khiến nhu cầu cho loại gia vị này tăng vọt và mang đến cho những người buôn lậu một sản phẩm sinh lời mới, trong thời điểm phần lớn nguồn cung đã bị gián đoạn.
Trước dịch, giá một ký nghệ là 350 rupee Sri Lanka, khoảng 1,9 đô la Mỹ. Nay giá nghệ đã tăng lên 27 đô la Mỹ một ký, tăng gấp 13 lần, nhưng rất khan hiếm. Một số người đã sẵn sàng chi nhiều hơn cho mặt hàng này: một bao 100kg tinh bột nghệ nhập lậu có thể được đổi 1kg vàng ròng.
Tại Ấn Độ, đồ uống bán chạy nhất tại các phòng chờ sân bay trong thời gian qua là sữa, đồ uống có nghệ và rượu nghệ tây lắc. Một công ty cung cấp sữa tại thủ đô New Delhi đã bắt đầu cung cấp các loại đồ uống làm từ nghệ. Trong khi đó, một công ty khác cũng đã bắt đầu bán kem có vị nghệ với khả năng tăng cường hệ miễn dịch.
Giới buôn lậu lần đầu ngó đến nghệ
Các nhà chức trách của Ấn Độ và Sri Lanka đã bắt giữ nhiều lô hàng nghệ trong vài tháng qua thông qua chiến dịch trấn áp hoạt động buôn lậu ở vùng biển rộng lớn của Vịnh Bengal. Tại bang Tamil Nadu, Ấn Độ, các nhà chức trách ven biển cho biết họ đã tịch thu 4.685kg nghệ tại một huyện chỉ trong hai tháng qua. Thêm vào đó, bảy người đã bị giam giữ sau khi thú nhận rằng họ đã cố gắng buôn lậu các túi nghệ bằng thuyền và tàu đánh cá. Tương tự như vậy, Hải quân Sri Lanka cũng đã tịch thu hơn 7 tấn nghệ nhập lậu vào đất nước này tính đến tháng 8.
Ngư dân của hai nước đều tham gia buôn bán mặt hàng “quốc cấm” này. Trong quá khứ, các băng đảng buôn lậu khét tiếng chỉ chú ý đến các mặt hàng có giá trị cao như vàng, cần sa và hải sâm. Nay, lần đầu tiên họ mới “ngó” tới mặt hàng thông thường như nghệ bởi giá cả tăng đột biến trong mùa dịch.
R.Chinnawamy, cảnh sát trưởng huyện ven biển Nagapattinam thuộc bang Tamil Nadu của Ấn Độ, cho biết: “Chúng tôi đã tăng cường các nỗ lực thu thập thông tin tình báo trong khu vực và tăng cường các cuộc tuần tra trên biển nhằm hạn chế các hoạt động buôn lậu đang gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, rất khó để có thể bắt được các tay buôn lậu vì nghệ là một sản phẩm phổ biến và hiện không có hạn chế nào đối với việc vận chuyển của chúng ở Tamil Nadu. Vì vậy, các đối tượng buôn lậu có thể dễ dàng vận chuyển loại gia vị này với số lượng lớn từ các vùng trồng ra các vùng ven biển cho việc tiêu thụ trong nước”.
R.K.V.Ravishankar, Chủ tịch Hiệp hội các nhà buôn nghệ tại vùng Erode của Ấn Độ, nói rằng trong những tháng gần đây nhu cầu đối với nghệ từ các huyện ven biển đã tăng bất thường. “Điểm đến cuối cùng của mặt hàng này chắc chắn ở Sri Lanka”, ông nói. Erode hiện là một trong những khu vực trồng nghệ lớn nhất của Ấn Độ.
Ravishankar cho biết: “Tại Ấn Độ, chúng tôi hiện đang bán các túi nghệ với giá 60 rupee Ấn Độ/kg và giá ở Sri Lanka là 4.000 rupee Sri Lanka/kg. Vì vậy nên những tay buôn lậu chắc chắn sẽ tận dụng tình hình này. Những người sống ở các vùng ven biển, thường tiếp cận nhiều với các tàu đánh cá và có kiến thức về giao dịch xuyên biên giới, có thể nhận được các khoản tiền thưởng ngay cả khi họ chỉ có thể cung cấp được một hoặc hai tấn nghệ cho các tay buôn”.
Nhu cầu gia tăng đột biến của nghệ cũng đã gây ra nỗi lo về việc bột nghệ có thể sẽ bị pha tạp chất. Các chất bổ sung như bột gạo, bột mì hay thậm chí là bột nhuộm vàng, có thể gây nguy hại cho sức khỏe của người dùng, có thể sẽ được pha thêm vào nghệ để bán với giá thành rẻ hơn.
Trong khi đó, chính phủ Sri Lanka vẫn kiên quyết giữ vững lệnh cấm nhập khẩu để thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng sản xuất nội địa. Họ cũng có vẻ phớt lờ trước nạn buôn lậu nghệ đang diễn ra tràn lan trong khi hàng tấn nghệ đã bị tịch thu và vẫn nằm không tại bờ biển phía tây của hòn đảo. Chính phủ Sri Lanka tự tin cho rằng họ có thể tự sản xuất và cung ứng đủ số lượng nghệ đáp ứng cho nhu cầu của cả nước vào năm tới.
Lê Hiếu – Ricky Hồ
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn