Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Nghề cắt lác, đan chiếu hơn 100 năm bên đầm Ô Loan

(SGTT) - Xóm Chiếu ở thôn Phú Tân 1, xã An Cư (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) nổi tiếng với nghề cắt lác, đan chiếu có tuổi đời trên 100 năm. 

Phơi lác ven đầm Ô Loan. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Bắt lác “bơi” qua sông để chụp ảnh

Ông Phan Tiến (ngụ thôn Phú Tân 1, xã An Cư), cho hay cánh đồng này nằm phía trên đầm Ô Loan nên thường hay nhiễm mặn, cây lúa không sống được nên chỉ có cây lác phát triển. Qua lời kể của những người cao niên trong xóm thì cánh đồng lác này ngót nghét trên 100 năm tuổi.

Cũng theo ông Tiến, không phải như trồng lúa vụ nào sạ vụ đấy, đối với ruộng lác cắt xong để gốc rồi gieo phân xuống là lác lên xanh, khi lác ra bông lúc đó cây lác già là thu hoạch. Khi trồng lại thì cày, bứng bụi lác non ôm theo “nồi đất” (đất bám vào rễ lác) trồng sâu xuống, khi bén rễ thì gieo phân.

Người dẫn kéo lác 'bơi' qua sông. Ảnh: Dương Thanh Xuân

Đồng lác trải rộng, một nửa diện tích nằm ở phía bên kia sông Gò Bùn (một nhánh sông từ sông Kỳ Lộ chảy qua cầu Lò Gốm đổ vào đầm Ô Loan).

Bên đó không có đường nội đồng nên để vận chuyển bó lác to về nhà phải bắt lác “bơi” qua sông cặp vào mé đầm, nơi đầm Ô Loan ăn sâu vào đồng lác, mới có đường vận chuyển về nhà. Cách bắt lác “bơi” là kết bè rồi dùng sức người kéo, có người thả bó lác xuống nước rồi đẩy cho lác nối đuôi nhau “bơi” qua sông.

"Cảnh lác bơi qua sông hiếm có nên gần đây nhiều người đến săn ảnh, quay phim", ông Tiến nói.

Nói về cảnh chụp ảnh, quay phim lác “bơi” qua sông, ông Bùi Văn Thảo đang cắt lác tâm sự "Cách đây ba hôm, có người đến chụp ảnh, quay phim. Ruộng lác phía bên kia sông bữa đó không có người cắt lác nên họ năn nỉ tôi lùa bó lác xuống nước rồi ở sau bắp lớp đẩy tới họ chụp ảnh, quay phim. Ruộng nhà tôi ở bên này, "lác không biết bơi" đành phải "bắt lác bơi qua sông". Họ bồi dưỡng tiền xứng đáng công cáng, mình chịu khó cho lác bơi… kiếm tiền. Có tay máy bắt diễn đi diễn lại, họ biểu sao mình làm vậy".

Lác sau khi xuống nước lên bờ, có người chất lên xe công nông chở về, có người chở bằng xe gắn máy về nhà. Những cọng lác to đem về chẻ làm hai rồi đem ra đường bê tông ven đầm Ô Loan, phơi lác.

Sắc màu của lác

Phơi lác nhuộm ven đầm Ô Loan. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Lác phơi hai nắng là khô rồi đem nhuộm xanh, đỏ, vàng, tím. Cách nhuộm lác, nấu nước sôi bỏ màu vô rồi trụng lác, trong bốn màu xanh, đỏ, vàng, tím muốn nhuộm màu gì thì bỏ màu đó, nhuộm xong nấu nồi nước khác thay màu.

Nấu nồi nước sôi pha màu vào rồi trụng lác, chỉ trụng sơ qua, nếu ngâm lâu thì nước sôi làm cho lác chín mềm, cọng lác sẽ bở rệt. Để giữ màu lâu hơn và sắc nét khi lác ngậm màu tiếp tục đem phơi nắng.

Nhuộm lác là công đoạn quan trọng đòi hỏi người thợ phải có tay nghề và kinh nghiệm.

Bà Trần Thị Hạnh, đang phơi lác nhuộm, cho hay ở ngoài đồng thì bắt lác bơi, về nhà bắc lác "chui" vô nồi. Có người chụp hình ngoài ruộng rồi hỏi thăm theo về nhà, khi nhuộm lác, leo lên mái nhà chụp xuống. Có người đam mê chụp gần 100 tấm hình.

Xem lại những tấm hình, có tấm hình, nồi nước xanh, đỏ, vàng, tím, bốc khói. Có tấm hình nhúng lác vô nồi rồi giơ lên cao, bó lác chảy màu đỏ. Có tấm ảnh lác chảy nước vàng, có tấm lửa ôm nồi nước sôi… Lại có tấm ảnh dính đứa nhỏ ẵm em đứng gần đó, trông rất nghệ thuật…"

Ảnh: Mạnh Hoài Nam

“Người nhuộm lác thường đắp lò, có người kê ba hòn đá chẻ làm cái bếp trước sân nấu nồi nước to, có lúc gặp gió mạnh ngọn lửa tạt ra khỏi nồi, cùng với đó nước sôi văng ra khỏi nồi màu tím rịm”, bà Hạnh nói thêm

Nghề chiếu… công đôi

Đan chiếu công đôi. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Lác nhuộm màu phơi khô đem đan chiếu. Theo nhiều người ở xóm Chiếu, nghề gì làm một mình, ăn một mình được chớ nghề đan chiếu thủ công phải làm công đôi, tức hai người, người đẩy lác vào khung, người kia cầm khung thao tác dập.

Còn khi thu hoạch cắt lác cũng công đôi: người cắt, người giũ. Thường một bó lác nặng gần bằng 10 bó lúa nên đòi hỏi hai người.

Cái khó trong khâu thu hoạch là cắt lác về tìm chỗ phơi khô, để lâu bó lác đổ mồ hôi mềm nhũng. Vậy nên thu hoạch lác từng đợt, một ngày cắt 10 bó phơi khô rồi cắt đợt khác.

Mỗi năm thu hoạch lác hai vụ, tháng 4 và tháng 8 Âm lịch. Đến mùa thu hoạch, gà gáy nông dân ra cánh đồng Gò Bùn, Đồng Dỡ, Gò Giữa lội ruộng cắt lác. Trên cánh đồng lác từ 10:00 giờ đến 14:00 giờ vì không có bóng cây nên nắng ở đây là nắng giữa trời nắng ra, nhìn thấy nắng sợ nên nông dân đi làm sớm nửa buổi sáng về tránh nắng. Buổi chiều đi muộn, làm thêm ban đêm, đến đỏ đèn mới về.

Ở Xóm Chiếu, ngoài những người làm nghề đan chiếu thủ công truyền thống nay một số hộ của làng nghề dệt chiếu đã sắm máy móc làm xưởng dệt chiếu. Cũng theo người dân xóm Chiếu, lác khô cân cho xưởng 18.000 đồng/kg. Trung bình một sào lác thu 6 triệu, chi phí các khâu hết 3 triệu.

Chị Nguyễn Thị Tâm, ở thôn Phú Tân, cho hay "Tôi làm nghề sơn móng tay móng chân nhưng đến mùa thu hoạch lác tôi nghỉ vài bữa về phụ ba tôi phơi lác.

 

Khi phơi lác, thức trưa ngồi canh sợ trời mưa dông. Lác bị ngấm nước mưa thì trở màu đỏ bầm, phải bỏ công phơi liên tiếp bốn, năm nắng nữa mới khô".

Trong xóm có người trồng hai sào lác, phơi khô bán cho xưởng một sào, còn một sào để lại đan thủ công. Có người trồng một sào lác phơi khô khan được 30 bó, bán cho xưởng 20 bó, còn nhín lại 10 bó đan lúc nông nhàn, lấy công làm lời.

Người dân xóm Chiếu đan hai loại, chiếu thường là chiếu giữ màu tự nhiên của và chiếu bông là chiếu nhuộm. Hiện một đôi chiếu bông rộng 1,5m là 80.000 đồng, còn chiếu thường 50.000 đồng. Một ngày công đôi ngồi đan được ba đôi chiếu.

Trước đây xóm Lưới Gõ (thôn Phú Tân 1) chuyên làm nghề thả lưới bắt cá dưới đầm Ô Loan, giờ nhiều người làm nghề đan chiếu. Đi trên đường bê tông ven đầm Ô Loan qua xóm Lưới Gõ, phơi lác nhuộm xanh, đỏ, vàng, tím. Cùng với đó những chiếc chiếu thành phẩm trải khắp sân chờ đem đi tiêu thụ.

Chở chiếu đi bán. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Bà Trần Thị Tâm ở xóm Lưới Gõ, chia sẻ "Hồi trước ở đây là nghề thả lưới bắt cá dưới đầm Ô Loan, nay đầm đói nên một số người làm thêm nghề đan chiếu. Khi lác được nhuộm phơi khô để trong nhà, rảnh hồi nào ngồi đan lúc đó. Đan xong sai đứa nhỏ chở đôi chiếu bán cho thương lái thu mua kiếm tiền đi chợ. Nghề đan chiếu cũng hỗ trợ kiếm tiền trang trải cuộc sống".

“Cách đây ba năm cánh đồng lác 30ha, nay nông dân mở rộng trồng 40ha. Đối với nghề đan chiếu, những năm qua, nông dân đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, chịu khó tìm tòi, sáng tạo, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Sản phẩm chiếu của làng nghề không chỉ nổi tiếng trong vùng mà còn mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Định...”, ông Nguyễn Quý Ngà, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy An, nói.

Khu vực đầm Ô Loan. Ảnh: Google Maps

Mạnh Hoài Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Du lịch Phú Yên kỳ vọng tiếp tục lập ‘cú hích’...

0
(SGTT) - Tháng 11-2023, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) đã phối hợp với tỉnh Phú Yên công bố...

Ký sự sông Ba (kỳ cuối): Di sản dòng sông và...

0
(SGTT) - Ví dòng sông như một thiếu nữ là cách mà tác giả dành để kết bài viết này. Nếu như Ayun Pa...

Gợi ý 6 dòng thác nên ghé thăm khi đến Phú...

1
(SGTT) – Thác J’rai Tang, Vực Phun, thác Cây Đu hay thác H’ly là những dòng thác đẹp, còn khá hoang sơ mà du...

Cắm trại, ngắm hoàng hôn trên cù lao Mái Nhà

0
(SGTT) - Cù lao Mái Nhà thuộc xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách làng chài Phước Đồng khoảng 4km. Trên...

Mùa thu hoạch cói tại làng nghề dệt chiếu hơn 100...

0
(SGTT) - Cách thành phố Tuy Hòa khoảng 30km, làng nghề dệt chiếu cói ở thôn Phú Tân, xã An Cư, huyện Tuy An,...

Ngôi nhà lưu dấu ấn dòng gốm cổ hơn 300 năm...

0
(SGTT) - Nhà Quảng Đức Xưa nằm cạnh quốc lộ 1, thuộc thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, đầu đường qua cầu Lò...

Kết nối