Tỷ lệ tự tử ở Nhật Bản lên mức kỷ lục trong 11 năm qua do các tác động của dịch bệnh. Thủ tướng Yoshihide Suga hôm 13-2 đã bổ nhiệm ông Tetsushi Sakamoto chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề căng thẳng và cô đơn của người dân, đặc biệt khi làm việc từ xa và thiếu các mối giao tiếp xã hội đã khiến nhiều người trầm cảm hơn.
Công nghệ phát triển, xã hội cô đơn
Nước Anh đã bổ nhiệm một bộ trưởng coi sóc các vấn đề cô độc hay biệt lập xã hội trong năm 2018, đặc biệt là ở những người cao tuổi – Sakamoto viết trên trang cá nhân. Nhưng tại Nhật Bản, tình trạng cô độc hay biệt lập xã hội diễn ra ở nhiều nhóm tuổi, bao gồm trẻ em, giới trẻ, phụ nữ và người già. Ông bộ trưởng mới nói các vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.
“Đa phần là phụ nữ cảm giác là họ đơn độc và có tỷ lệ tự tử đang tăng. Tôi muốn ông bộ trưởng nghiên cứu kỹ tình hình và đưa ra chiến lược toàn diện”, Thủ tướng Suga nói với ông Sakamoto.
Sakamoto sẽ hình thành một bộ phận thông tin liên bộ và ngành và sẽ tổ chức diễn đàn khẩn với các nhóm hỗ trợ sớm nhất là trong tháng này để xác định các mục tiêu ưu tiên.
“Tôi hy vọng sẽ có những hoạt động ngăn chận sự cô đơn và cách biệt xã hội, duy trì các mối tiếp xúc giữa con người”, Sakamoto nói. Ông cho biết rằng ông cũng có nhiều nhiệm vụ trong việc tái phát triển các khu vực cũng như quan tâm hơn đến tỷ lệ sinh đang giảm ở Nhật Bản.
Sakamoto nói sẽ làm việc với Bộ Y tế về chiến dịch phòng ngừa tự tử, kết hợp với Bộ Nông nghiệp về các ngân hàng thực hiện. Ông nói phương cách tiếp cận là toàn diện để giải quyết hàng loạt các vấn đề.
Biệt lập xã hội thường trầm trọng hơn trong các thảm họa thiên nhiên hay các biến cố lớn. Sau trận động đất Great Hanshin năm 1995 và thảm họa kép động đất và sóng thần ở Fukushima năm 2011, nhiều nạn nhân cao tuổi không có sự lựa chọn nào khác phải dọn vào khu nhà cất tạm. Nhiều người trong số họ đã mất đi mà không có người thân bên cạnh. Kodokushi – những cái chết đơn độc như vậy trong xã hội đang trở thành mối quan tâm chính của xã hội Nhật Bản.
Dịch Covid-19 đã khiến tình hình tệ hơn. Các lời khuyến khích kêu gọi mọi người ở nhà, tránh đám đông và tiếp xúc đã làm người già ở Nhật Bản trở nên cách biệt nhiều hơn với thế giới bên ngoài bởi họ không quen với các giao tiếp trên mạng.
Ngay cả giới trẻ rành công nghệ cũng cảm thấy "khó thở" với các nỗ lực giãn cách xã hội. Văn phòng và trường học buộc phải đóng cửa, họ ít tiếp xúc hơn với bạn bè và đồng nghiệp. Mất việc làm đã khiến nhiều người trầm cảm.
Chính phủ Nhật Bản tin rằng những thách thức đó đã tăng tỷ lệ tự tử ở nước này. Thống kê của Bộ Y tế và cảnh sát nói có 20.919 người tự sát trong năm 2019, tăng 750 so với năm trước. Đây là con số tăng đầu tiên sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Tỷ lệ tự tử ở nam giới đã giảm trong suốt 11 năm qua, nhưng tỷ lệ ở nữ giới lại tăng lần đầu tiên trong hai năm qua và đạt 6.976. Cho đến tháng 11 vừa rồi, số học sinh từ tiểu học đến trung cấp tự kết liễu đời mình lên đến 440, cao nhất kể từ năm 1980.
Nhật Bản là nước có tỷ lệ tự sát cao nhất trong nhóm G7 với 14,9 ca trên 100.000 dân cư. Nguyên nhân đa phần la do sức khỏe hay tình trạng tài chính cá nhân, vốn trở nên tồi tệ hơn trong suốt mùa dịch qua. Các nhà lập pháp từ đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP) và ngay cả phe đối lập cung kêu gọi các nỗ lực loại trừ sự cô độc khỏi xã hội Nhật Bản.
Các nghị viên trẻ thuộc LDP đã thành lập nhóm nghiên cứu hồi tháng 1 vừa rồi. Họ dự kiến sẽ đưa ra báo cáo về các khuyến nghị và giải pháp cho chính phủ sớm nhất là vào tháng 3 tới. “Để đặt nền tảng cho các chính sách hiệu quả, chúng tôi muốn có định nghĩa rõ ràng về tình trạng cô độc, biệt lập xã hội để có thể hình dung điều gì đang xảy ra.
Nền kinh tế chịu thiệt hại lớn
“Tại Nhật Bản, tình trạng cô đơn được xem là chuyện cá nhân và bạn phải tự giái quyết những vấn đề của mình. Chính phủ cần nhanh chóng thực hiện các khảo sát và đưa ra dự thảo chiến lược dựa trên các chứng cứ khoa học. Các nghiên cứu khoa học ở Mỹ và châu Âu đã chỉ ra rằng cảm giác bị cô độc có thể dẫn đến bệnh tim và suy giảm thể chất và sức khỏe”, bà Junko Okamoto, Chủ tịch hãng tư vấn Glocomm và là một chuyên gia về tách biệt xã hội, nói với Nikkei Asia.
Chính phủ Nhật Bản hiện chưa đưa ra các biện pháp cụ thể để giái quyết tình hình. Nhưng có lẽ họ sẽ theo mô hình của Anh, với việc bổ nhiệm bộ trưởng về cô độc xã hội và có sách lược giải quyết vấn đề.
Chính phủ Anh đã đưa tình trạng cô đơn và biệt lập xã hội vào các khảo sát, làm việc với chính quyền các địa phương và các tổ chức tình nguyện để hỗ trợ các nhóm có nguy cơ tổn thương như giới trẻ và những người thất nghiệp. Các nghiên cứu ở Anh đã chỉ ra rằng ít nhất 13% dân số đã cảm thấy cô đơn và nền kinh tế Anh có thể chịu tổn thất đến 32 tỉ bảng, tức 44 tỉ đô la mỗi năm.
Mặt khác, tình trạng dân số già đi khiến tỷ lệ nhà trống, không người ở lên mức kỷ lục 8,46 triệu căn, tức 13,6% số căn hộ trên toàn quốc trong năm 2018 – theo khảo sát mỗi 5 năm một lần của chính phủ trong năm 2018. So với lần khảo sát trước năm 2013, có thêm 260.000 căn nhà bị bỏ trống.
Chính phủ đã phân thành hai loại: những nhà đang chờ khách thuê hoặc bán, và phần còn lại là nhà không ai ở. Số người trẻ rời nông thôn vào thành phố, để lại bố mẹ già ở vùng quê và có người đã chết dần chết mòn trong cô độc. Không tìm được người thừa hưởng, những ngôi nhà cũ nát thường bị phá bỏ và người ta thường tìm được lượng tiền mặt lớn trong những ngôi nhà cô độc này.
Năm 2018, cảnh sát Tokyo đã được nhà thầu giao nộp lượng tiền mặt tương đương 200.000 đô la Mỹ từ một căn nhà cũ bị phá dỡ. Nếu không có chủ sở hữu và người tìm được không đòi hỏi, số tiền này được nộp vào công quỹ. Trong năm 2018, chính quyền thủ đô Tokyo đã thu được 560 triệu yen, hơn 5 triệu đô la, từ các căn nhà không chủ bị phá dỡ.
Điều này nói lên một nghịch lý lớn của xã hội Nhật Bản. Người cao tuổi ngày càng co cụm lại và cuốn trong cái kén của đơn độc mặc cho các điều kiện vật chất và chăm sóc y tế ngày càng tốt hơn. Và ngay cả các ông bà đang được chăm sóc ở nhà dưỡng lão cũng có gia sản lớn cất kỹ, không để lại cho con cháu.
Và đó là vấn đề mà các nhà khoa học xã hội và chính phủ Nhật Bản phải tìm hiểu và giái quyết tận gốc rễ những tổn thất do tình trạng cô đơn, biệt lập xã hội gây ra.
Ricky Hồ
Theo TBKTSG Online