(SGTT) - Vào cuối năm 1861, chỉ hơn hai năm sau khi chiếm được Sài Gòn, thực dân Pháp đã ban hành lệnh cấm đốt pháo ở Sài Gòn và Chợ Lớn, cũng như cấm phi ngựa nước đại ở hai đô thị này, nhưng vài năm sau đó thì lại tổ chức… đua ngụa.
Bonard, một viên chỉ huy của đội quân xâm lược, đã ra lệnh, kể từ ngày 20-12-1861, cấm đốt pháo trên các con đường và nơi công cộng của Sài Gòn lẫn Chợ Lớn, thời đó là hai thành phố tách biệt. Rõ ràng, đây là một trong những lệnh đầu tiên liên quan đến việc thiết lập trật tự kiểu Pháp trong một khu vực vừa chiếm đóng vừa xây dựng thành thuộc địa.
Nghiêm cấm đốt pháo từ 1861
Tiêu đề của lệnh trên: “Lệnh cấm đốt pháo trên đường phố và nơi công cộng của Sài Gòn và thành phố người Hoa, và cấm ngựa phi nước đại ở những nơi đó”.
Nội dung chính của nó như sau:
“Nghiêm cấm pháo hoặc các loại pháo hoa khác trên đường phố và nơi công cộng của Sài Gòn và thành phố người Hoa, cũng như cấm phi ngựa nước đại ở những nơi đó.
“Bất kỳ sự vi phạm nào đối với lệnh cấm này sẽ bị phạt tiền từ một đến hai đồng.
“Các ông Giám đốc Sở phụ trách các vấn đề bản xứ và Trưởng Văn phòng Cảnh sát, mỗi người trong lĩnh vực của mình, chịu trách nhiệm về việc thi hành các điều khoản ghi trên”.
Ngày nay, không thể biết liệu lệnh cấm đốt pháo từ cuối năm 1861 có được tôn trọng triệt để hay không. Và cho đến khi nào. Nhưng sau khi người Pháp bị bại trận, phải rời khỏi Việt Nam vào năm 1954, có lẽ thói quen đốt pháo và vứt pháo bừa bãi trên đường phố - nhất là trong những ngày đầu năm âm lịch - đã quay trở lại và tồn tại trên khắp cả nước, chứ không chỉ riêng ở miền Nam. Cho đến năm 1995.
Thủ tướng lúc bấy giờ, ông Võ Văn Kiệt, đã ra lệnh cấm đốt pháo. Chỉ thị do ông ký ngày 8-8-1994 quy định, “từ ngày 1 tháng 1 năm 1995, nghiêm cấm sản xuất, tiếp thị và đốt tất cả các loại pháo, vật liệu nổ và các sản phẩm nổ trên toàn quốc (trừ pháo hoa và pháo hoa)”. Chỉ thị số 406-TTg có thể coi là "lịch sử", đã được các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam áp dụng triệt để. Hầu như toàn bộ người dân ở mọi vùng đất nước đã tôn trọng chỉ thị.
Từ đó, tiếng nổ đì đùng nơi thị tứ trở nên cực kỳ hiếm hoi và rất lạc lõng.
Cho đua ngựa từ 1864
Hãy trở lại với thời kỳ Pháp thuộc. Không biết vào thời gian nào, người dân Nam bộ không còn cưỡi ngựa và ngồi xe ngựa kéo nữa. Những gì được biết là, cho đến gần đây, đua ngựa vẫn được tổ chức ở quận 11, TPHCM. Và, trên thực tế, thực dân Pháp đã tổ chức đua ngựa, ngay từ năm 1864.
Ban đầu, vào ngày 15-8-1864, tức chỉ hai năm sau khi chính thức giành quyền cai trị một phần lãnh thổ miền Nam Việt Nam, người Pháp đã tổ chức ba loại đua, đến năm 1865 thì lên năm loại. Và không chỉ có đua ngựa.
Jean Bouchot, một nhà nghiên cứu Pháp, từng viết vào năm 1927 về năm loại đua đó. Theo ông, loại thứ nhất dành cho xe do hai con bò kéo; loại thứ hai, lừa có người cưỡi; loại thứ ba với ngựa An Nam thuần tuý; bị thiến hay ngựa cái; loại thứ tư dành cho loại ngựa nhỏ con, ngựa Phi Luật Tân, ngựa Java, ngựa Quảng Đông, ngựa An Nam; loại thứ năm, ngựa của mọi nước.
Ai cưỡi ngựa? Phần lớn là sĩ quan Pháp, chủ yếu sĩ quan hải quân. Và trường đua nằm ở gần trường bắn ở Sài Gòn trên cánh đồng Mồ mả, mà bây giờ không còn vết tích gì cả.
Đến năm 1866, các cuộc đua được tổ chức vào tháng ba, khi thời tiết Sài Gòn hơi dịu đi.
Ông Bouchot đã trích báo Courrier de Saigon tả không khí trước khi đua, như sau: “Ngay từ ba giờ chiều, khắp các nẻo đường, từ Chợ Lớn, Sài Gòn hay các làng quê lân cận, đến cuối cánh đồng Mồ mả, đã chật kín người với không khí rộn ràng, vui tươi; chúng tôi thấy ở đó có một đám đông, giữa đám bụi bay lên bởi những chiếc xe ngựa và những kỵ mã, những người lính An Nam, những viên quan ngồi trong kiệu đầy đồ trang trí, theo sau là vô số người mang thuốc lá và trầu cau cho họ, những người Cam bốt khiêm tốn hơn trên những chiếc xe bò, những người An Nam đi ngựa, ăn mặc trịnh trọng, và những chú ngựa nhỏ được bao phủ bởi những chiếc lục lạc và được che mắt cũng với đồ trang trí phong phú, tất cả đều mang màu sắc địa phương, bên cạnh những chiếc xe ngựa lịch lãm dây cương to bản hoặc theo kiểu thắng xe bốn ngựa theo cặp của Công tước Daumont thời Phục Hưng lần đầu tiên xuất hiện tại Sài Gòn, là những chú ngựa nhỏ giống An Nam duyên dáng, dũng mãnh đó, và thực sự là thành công.
Mọi người đều vào vị trí của mình ở giữa trường đua, trên đường đua, trên những ngôi mộ xung quanh khán đài, nơi dần dần được lấp đầy với những phụ nữ thanh lịch, người nước ngoài, quan chức và những người nổi tiếng ở thuộc địa”.
Ngay từ những ngày đó, Sài Gòn chưa bao giờ thiếu đua ngựa. Dường như, chính quyền thuộc địa còn xem đua ngựa như một món quà dành cho các binh lính Pháp. Và một khoảnh đất trên cánh đồng Mồ mả được dùng làm trường đua ngựa, nay thuộc khu vực vòng xoay Công trường dân chủ của quận 3 và quận 10.
Đua ngựa có cá cược
Trên các bản đồ Sài Gòn vẽ vào thời ấy, trường đua và bãi tập bắn của pháo binh - Polygone de l’Artillerie chiếm một diện tích lớn của cánh đồng Mồ mả; trường đua thì được ghi là Champ de Courses.
Sau đấy, đua ngựa không còn là môn thể thao, mà là một hình thức cờ bạc để chính quyền thực dân Pháp thu thuế. Đua ngựa được hợp thức hóa bằng nghị định về đua ngựa ngày 15-11-1906 cho phép chính thức mở trường đua ngựa ở Sài Gòn, và nghị định ngày 22-1-1907 cho ra đời trường đua ngựa tại Sóc Trăng. Ngựa đua ở Sài Gòn thường theo các cự ly 800 m, 1.000 m, 1.200 m, 1.700 m, 2.400 m và 3.000 m.
Nhà văn Hồ Biểu Chánh từng viết, trong cuốn “Ở theo thời” in năm 1935, về cá cược ở trường đua : “Khi mới vô, tưởng thiên hạ vì muốn coi ngựa chạy đua nên chịu tốn tiền cũng như coi hát, hay là coi đá banh. Té ra ngồi một lát, dòm coi thiên hạ bàn bàn luận luận, đi coi ngựa, hỏi tên nài, rồi chen nhau mua giấy, kẻ con ngựa số 1 năm mười đồng, người cá con ngựa số khác năm ba chục, có người lại dám cá tới năm ba trăm”.
“Đờn bà cũng mua giấy cá bạc chục như đờn ông, người cá về nhất, người cá về nhì, về ba, kẻ khen ngựa hồng hôm dượt chạy hay, kẻ chê ngựa đậm bị chở nặng. Chừng ngựa về tới mức, người trúng thì vỗ tay nhảy nhót chạy đi lãnh tiền, còn kẻ thua thì mặt mày buồn hiu lấy chương trình ra ngồi tính coi độ kế phải đánh con nào mà gỡ”.
Đến năm 1931, sau khi Sài Gòn, Chợ Lớn nhập làm một, và khu trường đua cũ lọt vào khu vực đô thị hóa, trường đua ngựa được dời lên Phú Thọ (quận 11). Trường đua này hoạt động đến năm năm 1972 thì có bị gián đoạn do chiến tranh, và chỉ được tiếp tục mở cửa vào năm 1989 để rồi tiếp tục bị đóng cửa vào năm 2011.
Một người hiểu chuyện từng cho biết về ngựa đua: “Trên đường Hương lộ 14 cũ , Lý Thường Kiệt hay men theo Lạc Long Quân, Cách Mạng Tháng 8 nối dài, ngựa được các nài dẫn độ về từ Hóc Môn, Củ Chi - nhất là Bà Điểm - 18 thôn Vườn trầu... Lục lạc leng keng, vó ngựa êm êm đều đều. Ngựa ô, nâu có cả bạch mã gợi người đi đường phải nhìn một cái - dẫu thoáng qua. Những chú ngựa khỏe mạnh là cuộc tỉ thí để thiên hạ mua vui và cá ngựa. Những cái tên kiều diễm, đài các là những chiến tích, thắng - thua, mà dân cá ngựa thứ thiệt dễ gì bỏ qua. Bẵng đi thời gian, đua ngựa không còn vì nhiều lý do. Dù thế nào, nhiều dân Sài Gòn ngày trước khó quên nếp sinh hoạt, thú tiêu khiển đầy hứng thú này!”.
Đến năm 2017 thì đua ngựa lại được tổ chức ở khu du lịch Đại Nam, Bình Dương, và tại Thiên Mã, Madagui, Lâm Đồng.
Dường như, cho đến ngày hôm nay, đua ngựa vẫn rất được ưa chuộng. Có thể trường tồn cả trong tương lai xa nữa, không chừng.
Ngọc Trân