(SGTT) - Bộ Công Thương vừa trình dự thảo chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, để lấy ý kiến. Trong đó, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, tiêu thụ khoảng 1 triệu xe mỗi năm.
- Thông xe trước hai đoạn cao tốc Long Thành – Bến Lức trong quí 4
- Làm sao để thoát ra khi ô tô rơi xuống nước?
Theo đó, Bộ Công Thương dự kiến đến năm 2030, thị trường ô tô Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình 14-16% mỗi năm, tổng lượng tiêu thụ rơi vào khoảng 1 đến 1,1 triệu chiếc. Trong đó, xe điện và xe hybrid (xe chạy bằng xăng và điện), xe năng lượng mặt trời chiếm 350.000 chiếc.
Đến năm 2035, xe sản xuất trong nước đạt khoảng 1,5 triệu chiếc/năm, đáp ứng 78% nhu cầu thị trường, đồng thời xuất khẩu khoảng 90.000 chiếc, tập trung vào xe thân thiện môi trường.
Tầm nhìn đến năm 2045, ngành ô tô Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 11 đến 12%/năm, đạt 5 đến 5,7 triệu chiếc/năm. Đặc biệt, xe điện và xe sử dụng năng lượng sạch sẽ chiếm ưu thế với khoảng 80 đến 85% thị phần. Sản xuất trong nước cũng sẽ tăng trưởng vượt bậc, đáp ứng 80 đến 85% nhu cầu thị trường.
Mục tiêu của chiến lược là phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, tăng cường xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu, thu hút đầu tư, khuyến khích sản xuất xe thân thiện môi trường và phát triển các cụm công nghiệp ô tô.
Trong dự thảo, Bộ Công Thương cho biết thị trường ô tô Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể từ năm 2011 với mức tăng trưởng liên tục. Mức sở hữu ô tô bình quân đầu người tại Việt Nam năm 2023 đạt 63 chiếc/1.000 dân, trong đó ô tô du lịch dưới 9 chỗ chiếm 30 chiếc/1.000 dân.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng định hướng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, Việt Nam sẽ tăng cường nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô, với kế hoạch đến năm 2030, 55-60% nhu cầu linh kiện, phụ tùng sẽ được sản xuất trong nước, tăng lên 80-85% vào năm 2045.
Hiện tại, ngành cơ khí Việt Nam có quy mô với khoảng 30.000 doanh nghiệp, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đánh giá chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành cơ khí Việt Nam.
Cơ quan này cho hay, để nâng cao vị thế của ô tô Việt Nam trên thị trường và giành được lòng tin của người tiêu dùng, ngành công nghiệp cần tập trung cải thiện chất lượng vật liệu, nâng cao năng lực sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm một cách chặt chẽ.