Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Ngành du thuyền nỗ lực chuyển đổi xanh

(SGTT) - Ngành công nghiệp du thuyền toàn cầu đang chạy đua chuyển đổi xanh trước làn sóng sắp tới của các quy định mới về chống biến đổi khí hậu. Khi thực hiện mục tiêu này, ngành đối mặt với chi phí cao, tình trạng khan hiếm nhiên liệu sạch và áp lực từ các cơ quan quản lý và tổ chức bảo vệ môi trường, theo ghi nhận của nhóm báo KTSG.
Du thuyền Viking Neptune của Viking có trang bị pin nhiên liệu hydro trên tàu để thử nghiệm công nghệ mới.

Các nhà khai thác du thuyền đang mua những con tàu mới có thể chạy bằng nhiên liệu thay thế, thiết kế lại thân tàu để di chuyển dưới nước hiệu quả hơn và bổ sung thêm hệ thống kết nối điện trên bờ khi tàu cập cảng để tắt các động cơ dầu diesel hàng hải, tránh thải ra khí thải độc hại.

Carnival Cruise Line (Mỹ), hãng du thuyền lớn nhất thế giới, đã trang bị hơn một nửa đội tàu hệ thống kết nối lưới điện trên bờ khi cập cảng. Royal Caribbean và Norwegian Cruise Line đã đặt đóng các tàu có thể chạy bằng nhiên liệu sạch metanol. MSC Cruises sử dụng nền tảng kỹ thuật số để phân tích thời tiết, mức tiêu thụ nhiên liệu và các dữ liệu khác nhằm tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của đội tàu du lịch.

Các công ty này đang chuẩn bị tuân thủ các quy định mới, yêu cầu họ phải trả thuế cho một phần lượng khí thải của họ và đáp ứng các mục tiêu mới về chuyển đổi sang nhiên liệu sạch hơn. Họ cũng dự báo, các quy định về phát thải khí nhà kính trên toàn cầu có thể thắt chặt hơn nữa. Cũng giống như các bộ phận khác của ngành vận tải biển, các hãng du thuyền, chịu áp lực phải hành động nhanh chóng nhưng phải kỹ lưỡng vì những con tàu đặt đóng hiện tại có thể sẽ hoạt động trong nhiều thập niên.

“Chúng tôi đóng những con tàu có tuổi thọ vận hành đến 40 năm. Vì vậy, tốt hơn hết, chúng tôi phải làm cho đúng”, Torstein Hagen, Chủ tịch của hãng du thuyền Viking (Thụy Sĩ), công ty đã đặt đóng các các tàu có thể sử dụng nhiên liệu hydrogen tái tạo, nói.

Thách thức của các hãng du thuyền khi đầu tư chuyển đổi xanh là chi phí đóng và vận hành những con tàu sử dụng nhiện liệu thân thiện với môi trường rất cao. Điều này càng đặc biệt khó khăn sau khi họ gánh khoản nợ hàng tỉ đô la trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

Nhiên liệu tái tạo sạch rất đắt tiền và chưa có sẵn hoặc chưa được sử dụng với số lượng lớn.

Theo Hiệp hội du thuyền quốc tế, số lượng hành khách đi du lịch biển dự kiến tăng trong năm nay lên hơn 31 triệu lượt, tăng từ khoảng 20 triệu vào năm ngoái và cao hơn khoảng 6% so với mức của năm 2019, trước khi đại dịch làm sụp đổ nhu cầu của ngành này

Sự hồi sinh đó gây áp lực mới lên các thành phố cảng, với một số tìm cách hạn chế các chuyến ghé thăm của du thuyền, đồng thời làm tăng thêm mối lo ngại từ các tổ chức môi trường đối với khí thải nhà kính của ngành này.

Dù các hãng du thuyền chịu trách nhiệm về một phần rất nhỏ trong tổng lượng khí thải nhà kính của con người gây ra, nhưng các dịch vụ trên du thuyền của họ tạo ra lượng khí thải trung bình cao hơn so với các tàu chở hàng.

Các hãng du thuyền đang thử nghiệm và áp dụng nhiều công nghệ nhằm giúp chuyến đi của họ bền vững hơn như nhiên liệu thay thế (LNG, metanol, hydrog…), máy lọc khí thải để giảm ô nhiễm không khí, thiết bị kết nối với các nguồn điện ven bờ, các biện pháp hiệu quả như tối ưu hóa tốc độ và tuyến đường…

Faig Abbasov, giám đốc phụ trách hàng hải của tổ chức môi trường Transport & Environment, cho biết một số hãng du thuyền đang đầu tư vào công nghệ có thể giảm đáng kể lượng khí thải như pin nhiên liệu hydro hoặc động cơ có thể chạy bằng metanol xanh.

Đầu năm tới, các hãng vận tải có tàu khởi hành hoặc kết thúc hành trình ở châu Âu, bao gồm cả những hãng du thuyền lớn, sẽ phải bắt đầu trả thuế cho một phần lượng khí thải thông qua hệ thống mua bán khí thải của Liên minh châu Âu (EU). Một luật riêng của EU sẽ buộc các công ty vận tải tăng dần sử dụng nhiên liệu phát thải carbon thấp hơn bắt đầu từ năm 2025. Luật cũng yêu cầu các cảng lớn trong khối cung cấp kết nối điện trên bờ cho du thuyền và tàu container vào năm 2030. Hiện chỉ 34 cảng du thuyền trên thế giới, khoảng 2%, có kết nối điện.

Bang California của Mỹ đã ban hành quy định yêu cầu các hãng du thuyền phải kết nối điện bờ hoặc hạn chế mạnh lượng khí thải khi neo ở các cảng có lưu lượng giao thông cao bao gồm Los Angeles và Long Beach.

Theo Linden Coppell, Phó Chủ tịch phụ trách tính bền vững của MSC Cruises, các quy định sắp tới sẽ ảnh hưởng đến các loại tàu mà hãng sẽ đặt đóng trong tương lai, cách hãng chuyển đổi sang nhiên liệu thay thế và nỗ lực cải thiện hiệu quả của tàu.

Các hãng du thuyền vẫn đang tiến hành đầu tư xanh bất chấp khoản nợ lớn phát sinh trong thời kỳ đại dịch. Carnival không giảm đáng kể chi phí đầu tư, bao gồm đầu tư vào các công nghệ liên quan đến tính bền vững. Royal Caribbean tuyên bố vẫn kiên định với các cam kết bền vững.

Norwegian Cruise Line công bố kế hoạch đặt đóng hai tàu mới sử dụng methanol xanh vào đầu năm nay. Mark Kempa, Giám đốc tài chính của công ty, cho biết các tàu này sẽ có giá cao hơn. Nhưng ông cũng nhấn mạnh, chuyển đổi xanh không phải là miễn phí.

Metanol xanh, có thể được sản xuất từ sinh khối hoặc bằng cách sử dụng điện tái tạo, đang trở thành nhiên liệu thay thế khả thi cho ngành vận tải biển, một phần vì nhiên liệu này có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng.

Hãng du thuyền Viking, có đội du thuyền 10 chiếc, xem hydro tái tạo là nhiên liệu tốt nhất trong tương lai. Công ty đã đặt hàng những con tàu có thể chạy bằng cả nhiên liệu hydro và nhiên liệu hàng hải truyền thống. Du thuyền Viking Neptune của công ty có trang bị pin nhiên liệu hydro trên tàu để thử nghiệm công nghệ mới này. Tuy nhiên, nguồn cung cấp nhiên liệu sạch cho ngành hàng hải vẫn còn hạn chế.

“Chúng tôi không thể giải quyết vấn đề nguồn cung hydro của thế giới”, Torstein Hagen, Chủ tịch của Viking, nói đồng thời cho biết thêm công ty sẽ tăng cường sử dụng nhiên liệu này khi nguồn cung cải thiện.

Chánh Tài

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Kể những câu chuyện xanh với các sản phẩm từ tre,...

0
(SGTT) – Anh Võ Tấn Tân, chủ xưởng chế tác Taboo Bamboo tại khu vực rừng dừa nước Cẩm Thanh, thành phố Hội An,...

Quảng Nam: Làng nông nghiệp hữu cơ đầu tiên đạt chứng...

0
(SGTT) - Nhiều hộ dân tại làng Xuân Nam, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đã gắn bó với sản xuất...

Gánh nặng chi phí chuyển đổi xanh đặt lên vai người...

0
(SGTT) - Các chính phủ ở phương Tây đang vấp phải sự phản đối khi họ tìm cách chuyển chi phí chuyển đổi năng...

Chuyển đổi xanh bắt đầu khiến giá vé máy bay đắt...

0
(SGTT) - Chi phí giảm khí thải nhà kính trong ngành vận tải hàng không đang được tính vào giá vé máy bay ở...

Thêm cơ hội cho nhựa có vòng đời được tái sinh

0
(SGTT) - "Trạm tái sinh”- máy thu gom tái chế tự động là giải pháp thu gom và xử lý chai nhựa, lon nhôm...

Be Group hợp tác cùng VinFast, Cake by VPBank hỗ trợ...

0
(SGTT) - Nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ Be vừa chính thức ký kết hợp tác cùng công ty VinFast và ngân hàng...

Kết nối