Ngành du lịch Thừa Thiên Huế kêu gọi các doanh nghiệp tại địa phương miền Trung này tham gia giảm rác thải nhựa dùng một lần trong các hoạt động du lịch.
- Đến Huế xem triển lãm ảnh lịch sử Việt Nam của NAG người Đức
- Con đường hoa phượng vĩ nở rực rỡ ở Cần Đước, Long An
Tại cuộc hội thảo mới đây về giảm rác thải nhựa diễn ra tại thành phố Huế, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế kêu gọi các doanh nghiêp du lịch tham gia ký bảng cam kết cùng đóng góp vào sứ mệnh đưa Huế trở thành Đô thị giảm nhựa (Plastic Smart City) vào năm 2024 với mục tiêu giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường tự nhiên. Sự kiện do Sở Du lịch Thừa Thiên Huế phối hợp cùng Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tổ chức.
Cụ thể, các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh tham gia cam kết nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa cũng như vận động, đào tạo nhân viên về phân loại rác tại nguồn và giảm thiểu rác thải nhựa. Các đơn vị sẽ xây dựng nội quy về tiết kiệm tài nguyên (điện, nước…), áp dụng nguyên tắc 6T (Từ chối – Tiết giảm – Tái sử dụng – Thay thế – Tái chế – Thu gom), triển khai phân loại rác tại nguồn và kêu gọi sự tham gia và thuyết phục khách hàng giảm sử dụng đồ nhựa 1 lần.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, cơ quan này cùng WWF-Việt Nam đã ký kết kế hoạch triển khai thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ dự án “Huế – Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”.
“Chương trình giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động du lịch tại thành phố Huế được mong đợi sẽ đóng góp tích cực và hiệu quả cho định hướng chung của tỉnh cũng như ngành du lịch trong giai đoạn tới. Đó là phát triển nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế xanh”, ông Phúc nói. Ông cho biết thêm để chương trình này được triển khai thực hiện có hiệu quả, cần sự chung tay hành động của mỗi một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ… cũng như người dân và khách du lịch.
Tại sự kiện, những ví dụ về hoạt động hướng đến xanh và giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần cũng được đưa ra.
Cụ thể, Huế nổi tiếng với các di tích lịch sử, vậy nên ở các điểm đến du lịch này, du khách được khuyến khích không sử dụng các vật dụng bằng nhựa một lần mà thay vào đó sẽ là chai nước cá nhân thay cho ly nhựa, ô/dù thay cho áo mưa tiện lợi, túi vải hoặc ba lô thay cho túi nilon, phân loại rác và bỏ rác đúng nơi quy định.
Hay như hành trình xanh của An Nhiên Garden, nhà hàng chay thực dưỡng ở Huế, theo nguyên tắc 5R. Cụ thể, tại đây, khách hàng đi chợ mua nguyên liệu cho nhà hàng sẽ dùng túi vải, giỏ đi chợ (Reduce – Giảm thiểu). Và tại An Nhiên Garden, nhựa sẽ được tái sử dụng (Reuse) và tái chế (Recycle) để kéo dài tuổi thọ cũng như lắp đầy những chỗ còn chưa hoàn hảo của các vật liệu xanh khác. Họ cũng ưu tiên sửa chữa (Repair) hơn là mua mới. Việc phân loại rác tại nguồn mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là rác hữu cơ được ủ làm thành phân bón (Rot), mang lại nguồn dinh dưỡng cho cây xanh, rau củ.
Sau đại dịch Covid-19, nhiều người quan tâm và chú trọng đến lối sống xanh và xu hướng du lịch cũng có sự chuyển biến theo hướng bền vững, du khách ưa chuộng điểm du lịch có hệ sinh thái xanh.
Ngành du lịch từ bắc đến nam có xu hướng phát triển bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Tại khu vực miền Trung cũng vậy, các doanh nghiệp cũng từng bước thay da đổi thịt để “hợp” hơn với du lịch xanh. Trong đó, Cố đô Huế đang có những bước đi riêng của mình để phát triển xanh như mong muốn.
Theo thông tin từ UBND Thành phố Huế, hiện tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ở thành phố Huế hơn 400 tấn/ngày, trong đó rác thải nhựa chiếm hơn 15%, chỉ đứng thứ hai sau thành phần rác hữu cơ. Trong đó, khối lượng rác thải nhựa thất thoát vào môi trường ở thành phố ước tính vào khoảng 3,13% so với tổng khối lượng rác thải phát sinh. Hoạt động sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần là nguồn gây ô nhiễm rác thải nhiều nhất, kể cả về số lượng và khối lượng.
Quỳnh Như
Theo KTSG Online