Nhằm đón đầu lượng khách Trung Quốc sau khi quốc gia này mở các cửa khẩu từ ngày 8-1, vừa qua, tại TP Móng Cái, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với tỉnh Quảng Ninh, các doanh nghiệp đón khách Trung Quốc và đối tác liên quan tổ chức Hội nghị với chủ đề “Giải pháp thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam”, theo Báo Điện tử Đảng cộng sản Việt Nam.
- Khách Trung Quốc chưa vội đi nước ngoài vì chi phí đắt đỏ và các hạn chế nhập cảnh
- Trung Quốc mở cửa từ 8-1, du khách cần chuẩn bị gì khi nhập cảnh?
- Hàng không Việt Nam chuẩn bị khôi phục đường bay đến Trung Quốc
Theo Trung tâm Thông tin du lịch thuộc Tổng cục Du lịch, Trung Quốc là thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam. Năm 2019, Việt Nam đón 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc, chiếm gần 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam và số người dân Việt Nam đi du lịch Trung Quốc đạt khoảng 4,5 triệu lượt, cũng đứng đầu danh sách khách outbound (khách đi du lịch ngoài) của Việt Nam.
Tuy nhiên với chính sách “zero Covid”, trong 3 năm qua (2020 - 2022), thế giới đã không đón được khách du lịch Trung Quốc. Nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam trước đây khách du lịch Trung Quốc là nguồn khách lớn nhất thì nay gặp khó khăn.
Việc Trung Quốc điều chỉnh chính sách phòng chống dịch và xuất nhập cảnh là tín hiệu tích cực đối với ngành du lịch. Khi các cửa khẩu đường bộ, đường biển được mở, đường bay thương mại giữa hai nước được nối lại, kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội lớn cho các hoạt động du lịch quốc tế của toàn ngành, cũng như các địa phương, doanh nghiệp.
Chia sẻ tại hội nghị, để có bước chuẩn bị tốt nhất “đón đầu” khách Trung Quốc, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch, đề nghị các địa phương có những biện pháp vừa đón, phục vụ khách du lịch được chu đáo, cung cấp dịch vụ đa dạng, chất lượng, vừa phải đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh.
Theo đó, các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục nhập cảnh, đi du lịch Việt Nam bằng đường bộ, đường không và đường thủy một cách thuận tiện nhất có thể, đặc biệt là đối với các địa phương có biên giới tiếp giáp Trung Quốc; Kết nối, mở lại các đường bay thương mại tới các thành phố lớn, đặc biệt là những sân bay, thành phố trước đây là những trạm trung chuyển khách Trung Quốc đến Việt Nam sôi động nhất.
Bên cạnh đó, cần đánh giá và xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp với nhu cầu và tính chất đặc thù riêng của du khách Trung Quốc sau đại dịch. Trên thực tế, sau đại dịch Covid-19, nhiều thói quen và nhu cầu đi du lịch của du khách trên toàn thế giới đã thay đổi. Việt Nam rất cần những sản phẩm mới với chất lượng cao và sức cạnh tranh tốt nhằm đáp ứng khách hàng. Đây có thể là thời điểm thích hợp để chúng ta thay đổi lại phân khúc thị trường khách hướng tới chất lượng hơn, hiệu quả hơn.
Việc đầu tư chỉnh trang, hoàn thiện và nâng cấp cơ sở vật chất như: cầu cảng, cửa khẩu, sân bay, khách sạn, nhà hàng, các điểm tham quan du lịch... cần được quan tâm, nhất là những cơ sở vật chất xuống cấp do điều kiện khí hậu không tốt và tần suất sử dụng thấp trong thời gian diễn ra đại dịch.
Bên cạnh đó, cần ứng dụng công nghệ thông tin chủ động tiếp cận thị trường Trung Quốc trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc như weibo, douyin, xigua... Phát triển trang web giới thiệu điểm đến, sản phẩm dịch vụ của địa phương, doanh nghiệp với phiên bản tiếng Trung để tiếp thị tới thị trường này.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp lữ hành cũng đề xuất các giải pháp nhằm thu hút khách Trung Quốc trong thời gian sớm nhất như đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, tạo môi trường du lịch lành mạnh, xây dựng sản phẩm phù hợp với thị hiếu của khách Trung Quốc, tăng cường quản lý chất lượng hàng hóa, nâng cao vai trò của hướng dẫn viên trong phục vụ khách du lịch Trung Quốc…
Đăng Huy tổng hợp