Vũ Yến thực hiện -
Giá heo hơi giảm liên tục trong hơn 4 tháng qua, người nông dân lâm vào tình trạng khốn đốn trong khi giá thịt heo trên thị trường chỉ giảm nhỏ giọt. Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Văn Đức Mười, nguyên Tổng giám đốc Vissan, cho rằng đây là thời điểm rất phù hợp để cơ quan quản lý nhìn lại những tồn tại của ngành chăn nuôi và tái cơ cấu ngành này cho phù hợp.
Từng giữ vị trí lãnh đạo nhiều năm tại một doanh nghiệp chế biến thịt heo lớn tại TPHCM, ông có thể chia sẻ các nguyên nhân dẫn đến thực trạng khó khăn của ngành chăn nuôi heo hiện nay?
Nguyên nhân chính của thực trạng này là sự mất cân đối giữa cung và cầu. Khi nguồn cung quá lớn và cầu lệ thuộc vào một thị trường xuất khẩu tiểu ngạch (chủ yếu là Trung Quốc). Tất yếu, khi thị trường chính ngừng thu mua sẽ xảy ra tình trạng dồn ứ hàng.
Thêm vào đó, Chính phủ thiếu kiểm soát trong chiến lược của sản lượng dẫn tới mất cân đối cung cầu. Heo Việt Nam từ trước tới nay chưa truy xuất nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh dịch tễ, chất lượng đầu vào không đảm bảo nên không được các thị trường khác (ngoài Trung Quốc) chấp nhận.
Thời gian gần đây Chính phủ, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhanh chóng có những giải pháp để nhằm “giải cứu” đàn heo, nhưng theo tôi thực chất mới chỉ là ý tưởng chứ chưa phải giải pháp cụ thể.
Những giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp mua để trữ đông, khuyến khích giảm giá thức ăn gia súc, giảm chi phí đầu vào để giảm giá thành sản xuất cho người chăn nuôi… khó có tác động thực tế ngay, chủ yếu là tác động về mặt tâm lý và niềm tin.
Thực tế xảy ra lộ diện nhiều điểm yếu trong quản lý ngành chăn nuôi, không liên kết vùng để phát huy sức mạnh đúng nghĩa của chăn nuôi, không quy hoạch chiến lược để kiểm soát ngành chăn nuôi heo một cách thực tế.
Vậy theo ông đâu là giải pháp cho tất cả những vấn đề này?
Theo tôi, giải pháp ngắn hạn và lâu dài sẽ luôn song hành với nhau. Trong đó, trước mắt cần hạn chế bớt sự phát triển ồ ạt của đàn heo. Song song đó, tăng cường giết mổ heo để xuất khẩu đông lạnh sang thị trường Trung Quốc, Lào và Campuchia.
Tiếp nữa, phải khuyến khích các doanh nghiệp lớn giết mổ, pha lóc số lượng lớn, cấp đông dự trữ cho Tết Mậu Tuất sắp tới.
Khi thực hiện các giải pháp này, theo tôi cần đặc biệt lưu ý tới số liệu thống kê tổng tăng đàn, số lượng cấp đông, phụ phẩm vì phần này cũng có thể tác động lớn tới thị trường.
Tôi cho rằng qua thực trạng lần này đã cho chúng ta một bài học kinh nghiệm rất đau đớn. Nhưng cũng là lúc biến bài học này thành cơ hội cho tương lai, đó là phải đại phẫu, tái cấu trúc ngành chăn nuôi quyết liệt hơn.
Đầu tiên, phải rà soát lại tổng đàn heo, chất lượng đàn nái, giảm tổng đàn heo xuống còn khoảng 3,7-3,8 triệu con so với tổng 4,5 triệu như hiện nay.
Đồng thời Việt Nam cần kiến tạo một ngành chăn nuôi mới có chỉ danh địa lý và có uy tín để xuất khẩu thịt. Muốn vậy, cần cải tiến quy trình nuôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không dùng kháng sinh, các trại heo đều có mã code để kiểm soát. Như vậy, heo Việt Nam mới đạt chất lượng và an toàn để xuất khẩu.
Ngành chăn nuôi phải cân đối, đánh giá lại về năng lực ưu thế của các vùng, đồng thời có quy hoạch hạn mức cho từng vùng chăn nuôi, ví dụ Đồng Nai nuôi 1,5 triệu thay vì 2 triệu con như hiện nay.
Đồng thời, cần phải kết hợp đầu tư và quy hoạch các trại heo giống, trại heo hạt nhân, trại nái phù hợp sản lượng phát triển theo thị trường. Vấn đề nhà máy thức ăn gia súc cũng phải được tính đến, quy hoạch sản lượng sản xuất đồng bộ với tiêu thụ.
Giá thịt heo và giá heo hơi có khoảng cách khá xa, nhiều người cho rằng khâu trung gian nhiều tầng nấc đã khiến người tiêu dùng phải mua heo với giá cao, thưa ông?
Khâu trung gian là khâu cần thiết phải có. Doanh nghiệp không thể mua gom đến từng hộ nuôi được. Người ta dễ ngộ nhận khâu này tạo nên khoảng cách xa giữa giá heo hơi và giá bán trên thị trường. Tuy nhiên, thực tế nó không nhiều đến độ chi phối toàn bộ giá bán.
Thực tế loại heo mà người tiêu dùng đang sử dụng là heo 100 kg, trong khi heo giảm giá đa phần là heo đã quá lứa, lên tới 120 kg, bắt buộc phải giảm giá và thị trường thường không chấp nhận loại này. Những con heo đạt trọng lượng yêu cầu, của các trang trại đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, nuôi theo quy trình VietGAP thực tế không bị giảm giá bán. Theo đó, không nên đánh đồng hai loại heo này.
Ngoài ra, nếu phân tích sâu hơn thì có thể thấy với heo hơi 100 kg, sau quá trình giết mổ sẽ được 75 kg thịt, còn lại là bộ phận phụ. Trong 75 kg thịt chỉ có 30% là các chủng loại thịt tốt (ví dụ như thịt thăn, sườn non bán giá cao, 45% là các chủng loại thịt tạm gọi loại 2, loại 3 (ví dụ như xương…) giá bán tất nhiên không cao bằng.
Người ta ngộ nhận, đánh đồng giá heo hơi với giá heo bên (một mảnh của heo) là không hợp lý.
Thưa ông, trong những trường hợp dư cung như thế này nếu ngành thực phẩm chế biến phát triển thì sẽ giải quyết được chuyện giá, chuyện tồn đọng hàng?
Người Việt Nam sử dụng thực phẩm chế biến với mục đích tiện dụng, ăn chơi chứ không sử dụng như món ăn chính hàng ngày như người châu Âu, châu Mỹ... Theo đó, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm chế biến trong nước là không lớn. Nhu cầu của thị trường với thực phẩm chế biến tập trung chủ yếu là xúc xích (cho trẻ em).
Ngành thực phẩm chế biến vẫn đang phát triển, nhưng không phải lớn so với thực phẩm tươi sống. TPHCM mỗi ngày sử dụng 12.000 con heo nhưng theo nhu cầu thì chỉ có 1.000 con đưa vào chế biến.
Thêm nữa, giá trị cộng thêm trên mỗi ký sản phẩm xúc xích nếu so với thịt tươi cũng không cao nên cũng không kích thích người sản xuất.
Xin cảm ơn ông!