Thứ tư, Tháng mười hai 18, 2024

Ngân hàng Nhật Bản tấp nập rót vốn cho startup, kỳ vọng tạo ‘kỳ lân’

(SGTT) - Hiện ngân hàng và tổ chức tài chính Nhật Bản đang chuyển hướng, rót thêm vốn cho các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn trưởng thành trên 10 năm trước khi những startup lên sàn (IPO). Theo các nhà phân tích, động thái này sẽ giải quyết tình trạng khát vốn giai đoạn cuối, vốn được xem là một cản trở khiến các startup tăng trưởng lên quy mô lớn hơn trước khi trở thành kỳ lân khởi nghiệp.

Startup phát triển phần mềm robot Mujin đạt mức định giá 118.6 tỉ yên Nhật trong năm 2023, tăng 29 lần so với năm ngoái. Các sản phẩm tự động hóa ngành sản xuất và logistics của Mujin đã thu hút các nhà đầu tư định chế trong các vòng gọi vốn. Ảnh: Nikkei Asia

Vì sao hệ sinh thái khởi nghiệp Nhật Bản thua kém các nước?

Startup thường được chia theo ba giai đoạn, đầu tiên là mới khởi nghiệp (dưới 5 năm), tiếp đến là tăng trưởng (6-10 năm) và trưởng thành (từ 10 năm trở lên). Giai đoạn trưởng thành đánh dấu quá trình chuyển mình thành “kỳ lân” của các startup với mức định giá từ 1 tỉ đô la trước khi niêm yết

Mỹ chiếm khoảng 700 trong tổng số 1.200 kỳ lân trên thế giới tính đến tháng 10-2023. Trung Quốc có hơn 170 kỳ lân, Ấn Độ hơn 70, trong khi Nhật Bản khá ít hỏi với 7 kỳ lân. Lý giải về điều này, Chủ tịch Kazuya Oyama của Ngân hàng Sumitomo Mitsui Trust cho rằng, Mỹ làm được điều này vì có rất nhiều tiền từ các nhà đầu tư tổ chức chảy vào các công ty ở giai đoạn sau, nuôi dưỡng các kỳ lân cho xứ này.

Các thương vụ đầu tư mạo hiểm của Nhật Bản thường có quy mô nhỏ, đạt trung bình khoảng 4 triệu đô la Mỹ mỗi giao dịch trong năm nay, theo hãng dữ liệu Pitchbook. Con số này chỉ bằng 50% so với Trung Quốc và Ấn Độ và 1/3 so với ở Mỹ.

Tại Mỹ, các nhà đầu tư tìm kiếm “thỏa thuận kinh doanh tại nhà” thường tham gia các vòng gọi vốn quy mô khoảng 100 triệu đô la/thương vụ. Họ cũng tìm cách rút lui quy mô của startup vượt quá 1 tỉ đô la. Ken Kajii, đối tác quỹ đầu tư mạo hiểm Global Brain trị giá 1,8 tỉ đô la có trụ sở tại Tokyo, cho biết đầu ở Nhật Bản khoảng 10 triệu đô la, và quy mô startup khi thoái vốn cũng chỉ bằng 10% ở Mỹ. ​

Việc nuôi dưỡng startup đòi hỏi phải có đủ vốn ở giai đoạn cuối trước IPO, nhưng nguồn tài trợ giai đoạn này thường thiếu hụt ở Nhật Bản. Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, các công ty ở giai đoạn trưởng thành thường nhận khoảng 70-90% vốn đầu tư mạo hiểm ở Mỹ và Trung Quốc, nhưng tỷ lệ ở xứ sở mặt trời dưới 40%.

Các công ty khởi nghiệp Nhật Bản thường phải IPO khi còn ở quy mô khá nhỏ. Các startup tăng trưởng gọi được trung bình 1,4 tỉ yên Nhật (993.000 đô la) mỗi công ty trên Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) trong năm 2021, trong khi số vốn ở Mỹ có thể gấp 30 lần. Các startup tăng trưởng trên sàn TSE đạt mức định giá trung bình là 10,1 tỉ yên Nhật (70,9 triệu đô la) – khác xa so với mức trung bình 1,92 tỉ đô la ở Mỹ.

Những đợt IPO nhỏ tại Nhật Bản chỉ thu hút nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, còn các nhà đầu tư định chế ít tham gia. Công ty nhỏ có mức IPO nhỏ được xem là “có quan điểm quản lý ngắn hạn” và thường không thu hút các tổ chức đầu tư lớn.

Hàng loạt ngân hàng, tổ chức tài chính Nhật Bản vào cuộc

Thủ tướng Fumio Kishida đã cam kết nâng số vốn đầu tư hàng năm cho các startup Nhật Bản lên 10.000 tỉ yên Nhật (70 tỉ đô la) vào năm 2027, tăng gấp 10 lần mức đầu tư hiện nay. Chính phủ cũng nới lỏng nhiều quy định về vốn, visa… nhằm thu hút nhân tài nước ngoài đến lập nghiệp tại Nhật Bản.

Các tổ chức tài chính ngân hàng Nhật Bản cũng tấp nập mở quỹ. Nhưng con số vẫn khá khiêm tốn.

Ngân hàng Sumitomo Mitsui Trust có kế hoạch cung cấp tổng cộng 50 tỉ yên Nhật (350 triệu đô la Mỹ) trong giai đoạn năm tài chính 2023-2025 cho các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn cuối. Những startup này có mô hình kinh doanh vững chắc và chuẩn bị cho IPO.

Sumitomo Mitsui Trust Asset Management, hãng con khác của tập đoàn, sẽ thành lập một quỹ chéo để đầu tư vào các doanh nghiệp trước khi chúng ra mắt công chúng và sẽ duy trì cổ phần sau giai đoạn lên sàn.

Ngoài Sumitomo Mitsui Trust, các ngân hàng lớn đang bắt đầu tăng cường tài trợ cho các startup tương đối trưởng thành, tiến sâu hơn vào lĩnh vực mà trước đây các ngân hàng này tránh né khi phải đối mặt với áp lực phải cải thiện mức định giá của chính mình.

Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG) đã hợp tác với công ty đầu tư mạo hiểm Global Brain thành lập quỹ trị giá 30 tỉ yên Nhật cho các startup giai đoạn sau. Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ sẽ ra mắt quỹ khởi nghiệp trong thời gian tới.

Tập đoàn tài chính Mizuho hợp tác với hãng tín dụng Upsider có trụ sở tại Tokyo để ra mắt quỹ 10 tỉ yên Nhật trong tháng 12-2023. Quỹ này sử dụng AI để đánh giá khả năng tạo lợi nhuận của startup và các mục tiêu tiềm năng khác, giúp quá trình ra quyết định của Mizuho từ một tháng còn trong một hai tuần. Trước đó, Mizuho cũng thành lập một quỹ vào tháng 8-2023, tập trung vào trái phiếu chuyển đổi từ các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn sau. Ngay sau đó, quỹ này đã đầu tư vào công ty sinh học Junten Bio trong tháng 10-2023.

Ricky Hồ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nhiều sản phẩm khởi nghiệp gắn với du lịch Huế

0
(SGTT) - Trong số 13 ý tưởng dự án khởi nghiệp xuất sắc nhất được tỉnh Thừa Thiên Huế vinh danh trong buổi lễ...

Dự án các loại bánh làm từ khoai mì đạt giải...

0
(SGTT) - Dự án "Các dòng bánh khoai mì dinh dưỡng Cusami" của anh Mai Tuấn Anh (TPHCM) đã nhận giải nhất cuộc thi...

Startup Việt ‘không thể khởi nghiệp trên ti vi’

0
(SGTT) - Dòng vốn dành cho startup Việt Nam cạn dần trong năm ngoái với chỉ 541 triệu đô la, giảm mạnh so với...

Khởi nghiệp ở tuổi U-80

0
(SGTT) - Như Kinh tế Sài Gòn đã có bài trên số báo 10-2024, mạng xã hội do cựu Tổng thống Donald Trump thành...

Vì sao các startup đến Singapore lập đại bản doanh?

0
(SGTT) - Vị trí địa lý chiến lược, tiêu chuẩn công bố thông tin cao, khung pháp lý chặt chẽ và danh tiếng ổn...

Vốn khởi nghiệp ở Ấn Độ: Từ đỉnh cao đến vực...

0
(SGTT) -  Mức định giá của công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ giáo dục Byju’s từ 22 tỉ đô la Mỹ xuống khoảng...

Kết nối