(SGTT) - Nếu tháng 9, tháng 10, xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái lung linh với sắc vàng lúa chín thì tháng 5, tháng 6 là mùa nước đổ về các thửa ruộng bậc thang.
- ‘Trốn nóng’ tại 6 thác nước đẹp ở Tây Nguyên
- Lễ hội hoa tớ dày được tổ chức lần đầu tiên tại Mù Cang Chải
Xã Cao Phạ nằm ở thung lũng dưới chân đèo Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Cư dân chủ yếu là người dân tộc Mông và dân tộc Thái. Nếu có dịp đến Cao Phạ vào tháng 5 và tháng 6, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang nơi đây vào mùa nước đổ.
Mùa nước đổ khiến những thửa ruộng bậc thang tại Cao Phạ hiện lên ấn tượng bởi màu nâu của đất, hòa quyện cùng trời xanh và mặt nước óng ánh dưới nắng vàng rực rỡ.
Những thửa ruộng ở Cao Phạ cứ chồng lấn lên nhau, từ lớp này đến lớp khác. Để có những thửa ruộng bậc thang, người Mông nơi đây phải chọn những vùng đất trên triền đồi, sườn núi có diện tích khá rộng, độ dốc vừa phải và vị trí thuận lợi để đón nước mưa, nước suối.
Không được nhuộm bởi màu vàng óng ả vào mùa lúa chín, ruộng bậc thang Mù Cang Chải vào mùa nước đổ mang một gam màu trầm, một vẻ hoang sơ, “đúng chất” của núi rừng Tây Bắc.
Không chỉ giúp nhân dân có cuộc sống ổn định, mà sự hòa quyện giữa vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang cùng nét văn hóa bản địa độc đáo còn giúp xã Cao Phạ nói riêng và huyện Mù Cang Chải nói chung trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.
Theo UBND huyện Mù Cang Chải, năm 2021, hiện xã Cao Phạ có 1.110 hộ với 5.949 khẩu, người Mông chiếm gần 75%, người Thái chiếm 23,8%, còn lại là các dân tộc khác (2,1%). Nhờ du lịch khởi sắc, xã Cao Phạ đã dần "thay da đổi thịt", thu nhập của người dân cũng dần được cải thiện.
Đăng Huy