Nguyễn Đức (TPHCM) -
Là một phụ huynh, thú thật nhiều khi tôi không dám xem hết video về các vụ bạo lực học đường do các em học sinh hay người đi đường quay lại rồi tung lên mạng Internet. Điều đáng buồn hơn là những vụ bạo lực học đường nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây là giữa các nhóm học sinh còn rất nhỏ, chừng 13-14 tuổi, đang học lớp 6, lớp 7.
Nhìn cảnh các em hằn học đấm đá liên tục hoặc lấy ghế phang vào những chỗ dễ gây các tổn thương nặng có thể dẫn đến thương tật vĩnh viễn, như đầu, ngực và mặt của bạn bất chấp người bạn giãy giụa chống đỡ khiến người xem như tôi không khỏi rùng mình, không chịu nổi. Và điều tôi mãi chưa hiểu được là vì sao có nhiều người lớn qua đường nhìn thấy cảnh các em đánh nhau lại vô cảm đứng nhìn hoặc ngó lơ? Có lẽ họ đang cho rằng chuyện “trẻ con” không có gì nghiêm trọng hoặc không đáng để bận tâm chăng?
Tôi vẫn còn nhớ cách đây chưa lâu, trong một lần chở người quen đi công việc trên đường, khi chạy xe máy qua đoạn đường chỉ cách ngôi trường phổ thông cơ sở hơn trăm mét (trên đường Phạm Văn Đồng, TP Quảng Ngãi), nhìn từ xa tôi thấy một nhóm có khoảng bốn đến năm em là nữ (tôi đoán chừng các em chỉ mới học lớp 6, lớp 7) đang có “dấu hiệu” vây đánh một em nữ sinh cùng trang lứa. Thấy thái độ hung hăng của các em tôi vội vàng tấp xe vào can thiệp ngay. Vừa can ngăn tôi vừa dọa là sẽ gọi công an xã đến ngay để bắt giải các em về đồn làm việc vì hành vi đánh người và gây rối trật tự công cộng. Nghe đến việc công an sẽ đến, cả nhóm các em học sinh đó vội vàng dắt xe đạp bỏ đi ngay.
Tôi nghĩ để kịp thời ngăn chặn các vụ bạo lực học đường, phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhà trường và gia đình trong việc giáo dục kỹ năng sống cho các em nhiều hơn nữa, cần đầu tư cho việc thiết kế các chương trình dạy kỹ năng này sao cho các em thấy dễ tiếp thu và tiếp thu một cách vui vẻ, từ đó mới hướng các em đến việc hiểu bản thân mình, biết kềm chế cơn giận dữ, biết thông cảm với bạn… theo các giá trị “chân, thiện, mỹ”.
Và điều quan trọng không kém đó là sự kịp thời can ngăn của người lớn trước các dấu hiệu của các vụ xung đột giữa các em học sinh trong và ngoài cổng trường học. Hành động can thiệp mang tên sự kịp thời này – của người đi đường, người lớn – không chỉ có tính chất can ngăn một vụ lộn xộn sắp xảy ra mà còn là một thông điệp rất quan trọng, rằng không ai trong xã hội chấp nhận hành vi bạo lực, đặc biệt ở tuổi còn đi học.
Việc người lớn hoặc người đi đường phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi bạo lực học đường sẽ hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả đau lòng từ các vụ bạo lực học đường đã xảy ra như trong thời gian vừa qua.