Cứ Chủ nhật hàng tuần, vào lúc 4 giờ chiều tại Nhà văn hóa sinh viên trên đường Điện Biên Phủ, một nhóm bạn trẻ tụ họp nhau, trên tay mỗi người đều cầm theo một cây đàn be bé mà thoạt nhìn tưởng là đàn mandolin. Thế nhưng, đó là loại đàn mới – đàn ukulele hiện đang giới trẻ thích thú và quan tâm, đặc biệt vào thời gian gần đây.
Xuất xứ từ Hawaii, du nhập vào Việt Nam chưa lâu nhưng ukulele đã trở thành xu hướng mới và thu hút được giới trẻ bởi sự nhỏ gọn, tiện dụng, lại dễ chơi. Nếu đàn ghita có sáu dây thì đàn ukulele chỉ có bốn dây bằng nylon, dễ bấm, thích hợp cho người mới chơi đàn lần đầu. Ukulele thường có bốn tone tương ứng với bốn cỡ: soprano dài 53,3 cm, concert dài 58,4 cm, tenor dài 66 cm, Baritone dài 76,2 cm trở lên; giá từ 560.000 đồng đến 2 triệu đồng, tuy nhiên cũng có những loại đắt tiền hơn. Phổ biến nhất là soprano ukulele chuẩn, loại có kích thước nhỏ nhất, dài khoảng 53 cm, thường có 12-14 phím, và được lên dây Sol Do Mi La (GCEA).
Ukulele thường được dùng để đệm hát, đôi khi để độc tấu. Tiếng đàn và âm lượng của ukulele thay đổi theo kích thước và cấu tạo của nó. Đàn có kích thước nhỏ thì âm sẽ bổng, đàn có kích thước lớn thì âm sẽ trầm hơn. Tuy tiếng vang nhỏ, nhưng ukulele khi đệm nghe cũng réo rắt. Hợp âm trên ukulele dễ bấm hơn so với ghita nên người chơi sẽ mau biết đệm đàn hơn. Nhưng để chơi được ukulele một cách chuyên nghiệp, điêu luyện thì lại khó hơn ghita vì đàn chỉ có bốn dây.
Nhiều nhóm chơi đàn ukulele được mở ra ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng... hoạt động sôi nổi dưới một mái nhà chung là Facebook Ukulele Việt, trang mạng xã hội thu hút hơn 4.000 thành viên uke (viết tắt của từ ukulele) tham gia. Trang mạng được thành lập từ một bạn nữ 9x đam mê loại đàn này, Kim Phụng, sinh viên trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại TPHCM.
Ukulele Việt là sân chơi kết nối những người đam mê chơi đàn từ khắp mọi miền đất nước – nơi để mọi người trao đổi thông tin, giúp đỡ nhau từ việc mua đàn cho đến cách chơi... Ukulele Việt còn trao đổi với Ukulele Manila ở Philippines về các hợp âm, kỹ thuật chơi đàn... để nâng cao trình độ và hướng dẫn lại các thành viên trong hội. Mỗi tuần, những người yêu âm nhạc, yêu đàn ukulele tụ họp sinh hoạt với nhau, chia sẻ, cùng đàn hát cho nhau nghe. Ukulele Việt còn tạo cơ hội cho các thành viên được trình diễn trong các chương trình âm nhạc ở các sự kiện hay tại các quán cà phê trong thành phố.
Duy Khánh, 23 tuổi, thành viên trong nhóm Ukulele Việt tại Sài Gòn chia sẻ: “Chơi đàn uke, tôi cảm thấy đầu óc được thư thái, bớt căng thẳng. Âm thanh của đàn vui tai làm người nghe thêm yêu đời... Bên cạnh đó, việc tham gia hội nhóm càng làm tôi biết chơi được nhiều thể loại...”.
Còn bạn Hà Phương, 20 tuổi, sinh viên trường Mỹ thuật Công nghiệp ở Hà Nội thì cho rằng, cây đàn uke vừa nhỏ lại dễ chơi, chi phí mua cũng như học đàn hợp lý, không quá đắt đối với học sinh, sinh viên. Hơn nữa, âm nhạc làm thay đổi cuộc sống, khiến cho con người thêm gắn bó với nhau. “Đây là hoạt động rất bổ ích và thiết thực đối với học sinh, sinh viên; cần được phát huy và duy trì”, Hà Phương chia sẻ thêm.
Ngọc Minh